Bi kịch hôn nhân của trai Hàn lấy vợ ngoại

Năm 2007, Ahn Jae-sung viết một lá thư thật dài, rồi sau đó mới bay từ Seoul đi Uzbekistan để gặp người ‘vợ tương lai’ của mình.

Trong thư, Jae-sung kể về tuổi tác, thu nhập hàng tháng, công việc, và nói rằng ông ‘không rượu, không thuốc lá. Rồi tôi phát hiện ra người vợ chỉ chung sống với tôi ba tháng sau đó hóa ra không hề đọc lá thư” – tờ The Korea Herald dẫn lời Jae-sung, 55 tuổi.

Theo tờ Asia One, người làm mai mối vợ ông Ahn (kém 28 tuổi) nói rằng ông sẽ mua cho cô một ngôi nhà, và lừa ông Ahn rằng vợ ông xuất thân từ gia đình khá giả.

Cuộc hôn nhân của họ đổ vỡ thảm hại. Vợ ông Ahn đòi về quê nhà. Sau vài tháng, vợ ông báo rằng cô đã có mang, kể từ đó, ông phải gửi tiền chu cấp cho vợ con từ xa.

Ahn chỉ là một trong số vô vàn đàn ông Hàn Quốc nhận mình là nạn nhân của các vụ lừa đảo hôn nhân quốc tế và các chính sách về đa văn hóa của đất nước. Kể từ khi mở trung tâm giúp đỡ các nạn nhân giống mình vào 2007, Ahn đã gặp cả thảy hơn 10.000 người.

Theo ông Ahn, nhà nước nên ‘coi các công ty môi giới hôn nhân quốc tế là bất hợp pháp’.

Năm 2010, Hàn Quốc đưa vào luật mới về hoạt động của các công ty môi giới hôn nhân với người nước ngoài. Theo đó, mọi người mai mối phải dịch giấy tờ hôn thú của khách hàng, tình trạng sức khỏe và hồ sơ tội phạm nếu có.

Con số các cặp đôi kết hôn theo cách này giảm mạnh, từ mức 35.098 trường hợp năm 2010 xuống còn 24.387 vào năm 2014.

Nhưng so với mặt bằng chung, số đàn ông Hàn Quốc lấy vợ ngoại quốc qua môi giới vẫn chiếm 25% (vào năm 2012).

Trong đó, 75,7% số đàn ông lấy vợ người Campuchia, 65,8% lấy vợ người Việt Nam, và 40% lấy vợ người Uzbekistan gặp gỡ bạn đời thông qua công ty mai mối.

Con số thống kê cho thấy, các cuộc hôn nhân quốc tế cũng có tỷ lệ ly hôn nhiều hơn. Thống kê năm 2014 cho thấy, cặp đôi Hàn Quốc ở trung bình với nhau được 14,3 năm, còn cặp đôi kết hôn ngoại quốc ở với nhau được 6,4 năm.

Phân nửa ông chồng Hàn Quốc nói những người ‘vợ ngoại quốc’ của mình thường bỏ nhà đi, và hôn nhân chấm dứt.

Jang Hee-jun (tên nhân vật đã được đổi), 38 tuổi, làm công việc trông nhà thuê. Năm 2014, anh bỏ ra khoản tiền tương đương 408 triệu đồng để cưới vợ qua mai mối. Ngày 19/4/2014, Jang tới Bishkek, Kyrgyzstan, để xem mặt 20 cô gái để ý tới anh.

Ngày hôm sau, Jang cưới một trong số 20 cô này. Chỉ có mỗi Jang và cô dâu làm lễ cưới tại tòa, và không có người thân, bạn bè tham dự.

Sau lễ cưới, Jang về Hàn Quốc một mình, còn cô vợ 24 tuổi ở lại Kyrgyzstan để học tiếng Hàn, rồi sau đó mới về nhà chồng.

Hai tháng sau, vợ Jang gọi điện, nói rằng cô bị một gã tài xế cưỡng bức, đã mang bầu. Từ tháng 6/2014-3/2015, Jang chuyển cho vợ 100 triệu đồng để học tiếng Hàn, quà tặng cho mẹ vợ và tiền vợ sinh sống.

Sau hàng loạt lời nói dối quanh co của vợ, Jang quyết định yêu cầu tòa án hủy hôn nhân giữa hai người.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn các ông chồng Hàn theo đuổi hôn nhân kiểu này đều thuộc giai tầng kinh tế xã hội thấp hơn ở các đô thị, hoặc các vùng nông thôn khốn khó.

“Giờ tôi mới thấy thật quá ngây thơ khi tin rằng, bạn có thể có cuộc hôn nhân êm thấm khi cưới về một người mà bạn chỉ gặp có vài ngày, và cưới một ai đó thậm chí còn không nói cùng ngôn ngữ” – Ahn Jae-sung nói.

Ahn nói rằng những người đàn ông nghèo, khuyết tật, bị cách ly với xã hội và cơ bản thì không phải là đối tượng hấp dẫn cho hôn nhân thường bị các công ty mai mối lợi dụng.

Còn các công ty này cũng chật vật đối phó với tình trạng các cô dâu ngoại quốc tìm mọi cách thoát nghèo ở quê nhà, hoặc muốn có quốc tịch Hàn.

Nhiều người đàn ông Hàn đang quy trách nhiệm cho chính phủ của họ vì các cuộc hôn nhân bất hạnh với người nước ngoài.

Theo nghiên cứu của Mỹ năm 2014, chính phủ Hàn Quốc có trợ cấp cho các gia đình tìm kiếm cô dâu nước ngoài cho con trai họ, thậm chí hỗ trợ cho các ‘chuyến du lịch kết hôn’.

Tuy nhiên, tỉ lệ đàn ông Hàn kết hôn người nước ngoài cao bất thường cũng được dẫn ra như là một trong những nguyên nhân chính của việc lạm dụng nhân quyền và bạo lực gia đình đối với phụ nữ nhập cư.

Năm 2014, một ông chồng Hàn Quốc 36 tuổi đã siết cổ cô dâu người Việt Nam 21 tuổi rồi sau đó tự tử. Năm 2010, một cô dâu Việt 20 tuổi bị chồng người Hàn Quốc 47 tuổi sát hại.

“Một số phụ nữ từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, và Campuchia được tuyển lựa để kết hôn với đàn ông Hàn Quốc qua môi giới hôn nhân bị đưa tới nhà thổ hoặc lao động cưỡng bức sau khi tới Hàn Quốc” – trích báo cáo về nạn buôn lậu người của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2015.

Hiện nay, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đang tìm cách giải quyết vấn đề này, khi một biện pháp của bộ bắt đầu có hiệu lực năm 2014, theo đó, các ứng viên xin thị thực nhập cư qua hôn nhân phải vượt qua kỳ sát hạch tiếng Hàn.

Đồng thời, các cặp đôi kết hôn theo diện này phải chứng thực được khoản thu nhập ít nhất là 275 triệu đồng mỗi năm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại