Bằng tài năng và đức độ của mình, Lưu Dung đã trở thành nhà chính trị, nhà văn hóa được hậu thế đời đời ngưỡng mộ. Là một danh nhân xuất chúng, nhưng đời sống riêng tư của vị Tể tướng Lưu gù này cho tới nay vẫn ẩn chứa nhiều bí mật.
Bởi vậy, người đời không khỏi thắc mắc: Lưu Dung có vợ hay không? Con của ông phải chăng cũng là một đại nhân vật xuất chúng không kém cha mình?
Vị Tể tướng một bà vợ và… ba bà thiếp!
Có nhiều giai thoại xoay quay đời sống riêng tư của Lưu Dung, trong số đó còn lưu truyền không ít những câu chuyện bất đồng về chính thất (vợ cả) của vị Tể tướng Lưu gù này.
Gia phả của Lưu gia ghi lại: Năm xưa, Lưu Dung từng thành thân với một người thê tử tên là Đan Thị Cao. Về chính thê (vợ cả) của Tể tướng Lưu gù, hậu thế còn tin tưởng một giả thuyết khác.
Trong cuốn “Nghệ chu song tiếp”, văn nhân đời nhà Thanh là Bao Thế Thần từng ghi lại: “Gia Thành (chỉ Lưu Dung) có Nhiếp phu nhân Hoàng thị là người gốc Gia Hưng.”
Nói cách khác, học giả cùng thời với Lưu Dung khẳng định: vợ của Lưu gù là người phụ nữ họ Hoàng thuộc huyện Gia Hưng. Vậy, giữa Đan Thị Cao và Hoàng Thị, ai mới là chính thất của Tể tướng họ Lưu này? Điều này cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.
Hình ảnh trong phim "Tể tướng Lưu gù".
Hoàng đế thời xưa sở hữu “tam cung lục viện”, nam nhân phong kiến coi việc “tam thê tứ thiếp” là chuyện thường tình. Một vị Tể tướng xuất thân danh gia vọng tộc, lại có tài, có địa vị như Lưu Dung cũng không phải ngoại lệ.
Một số nguồn sử liệu ghi chép về vị Tể tướng này từng khẳng định: bên cạnh một chính thất, trong Lưu phủ năm xưa còn có tới… ba người thiếp!
Trong cuốn “Thư lâm kỷ sự”, Mã Tông Hoắc từng viết: “Thạch Am (tên hiệu của Lưu Dung) có ba người thiếp, đều có thể thay ông chắp bút.”
Cũng có học giả khẳng định, Tể tướng Lưu gù cả đời có nhiều thê thiếp. Ở tuổi 50, vì không có con trai, Lưu Dung còn cưới thêm mấy tiểu thiếp với hi vọng sinh được người nối dõi.
Kỳ nhân xuất chúng vẫn không thoát khỏi vận tuyệt tự
Trong “Thanh sử cảo” phần “Lưu Dung truyện” không hề ghi chép về con trai của Lưu Dung mà đề cập nhiều tới cụ nội, ông nội, cha và em ruột của ông. Về sự khuyết thiếu trong ghi chép này, các nhà sử học đặt ra ba giả thuyết:
Giả thuyết thứ nhất cho rằng con trai Lưu Dung thiếu xuất sắc, không đáng lưu danh sử sách. Giả thuyết thứ hai lại khẳng định vì Lưu Dung quá xuất chúng, nên sách sử dành phần lớn nội dung để ca ngợi công lao của ông chứ ít nói về đời sống riêng tư.
Trong khi đó, giả thuyết cuối cùng lại nhận định: Vị Tể tướng này không vốn có con ruột, do đó việc không có tư liệu cũng là điều dễ hiểu.
Một cảnh trong phim "Tể tướng Lưu gù".
Việc khảo cứu một số tài liệu lịch sử cũng cho thấy: Lưu Dung chỉ có con trai nuôi chứ không có con trai ruột. Điểm đáng lưu ý hơn là vị Tể tướng này ngay cả con gái ruột cũng không có!
Về con nuôi của ông, ghi chép lịch sử cũng có nhiều bất đồng. Một só tài liệu ghi rằng con nuôi Lưu Dung tên Lưu Tích Bằng, đảm nhiệm chức huyện lệnh.
Nguồn tư liệu khác lại khẳng định Lưu Hoàn mới là người thừa tự của Lưu Dung, làm quan đến chức Thượng thư trong triều.
Mặc dù khác nhau về tên gọi và chức tước, nhưng hai nhân vật này có thân thế hoàn toàn tương đồng: xuất thân là cháu ruột của Lưu gia, vì cha mất sớm, Lưu Dung lại không có người nối dõi nên nhận nuôi cháu làm con thừa tự.