Vào thời bấy giờ máy bay vẫn còn lạc hậu và với nhiều người, nó còn được coi là điều xa xỉ và là cái gì đó rất xa vời.
Vì vậy thiết bị máy móc của máy bay còn rất hạn chế, biện pháp an toàn còn nhiều thiếu sót, mỗi chuyến bay là cả một sự đánh cược lớn với mạng sống của phi công.
Thế nhưng, Amelia Earhart đã làm được điều thần kỳ khiến cả nước Mỹ phải lên cơn sốt vì bà, khi liên tục chinh phục thành công hết đường bay này đến đường bay khác một cách ngoạn mục để trở thành nữ phi công nổi danh nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.
Amelia Earhart trở thành nữ phi công nổi danh nhất nước Mỹ lúc bấy giờ
Vào những năm cuối của thập niên 1930, với sự nổi tiếng của mình, Amelia Earhart được mời diễn thuyết tại nhiều nơi để đề cao vai trò phụ nữ trong thời đại mới.
Uy tín của bà đã khiến Đại học Purdue nhận tài trợ đóng riêng cho bà một chiếc máy bay, để bà tiếp tục làm công việc thám hiểm.
Năm 1931, bà quyết định kết hôn cùng George P. Putnam – người đã tốn không ít thời gian và công sức để theo đuổi bà. Ông là chủ một nhà xuất bản và cũng là người yêu thích ngành hàng không.
Vẫn giữ quan điểm yêu thích sự tự do ngay cả khi quyết định sẽ đi “chung đường” với một ai đó, trước ngày cưới, trong một bức thư gửi George P. Putnam, Amelia Earhart đã giao hẹn là hai người sẽ không bao giờ ngăn trở những ước muốn của nhau và nếu trong vòng một năm mà thấy không hợp với nhau thì xin được chia tay.
Nếu hiểu được vai trò của người phụ nữ trong xã hội đầu thế kỷ 20, mọi người mới thấy hết được sự tự tin, thẳng thắn và can đảm của bà. Đây chính là lời đáp chính xác nhất cho câu hỏi vì sao nước Mỹ lại phát cuồng vì Amelia Earhart.
Năm 1936, chiếc máy bay Lockheed Electra 10E ra đời với nhiều bộ phận cải tiến như bình xăng lớn hơn nhằm vượt chặng đường 29.000 dặm (47.000 km) vòng quanh thế giới. Earhart gọi con chim sắt hiện đại này của mình là phòng thí nghiệm bay "Flying Laboratory".
Earhart bên chiếc máy bay Lockheed Electra
Tháng 6/1936, Earhart chuẩn bị cho chuyến bay vòng quanh thế giới có phi trình dài nhất - khoảng 29.000 dặm. Vì không thể trở thành người đầu tiên bay vòng quanh thế giới, nên Amelia quyết định sẽ trở thành người đầu tiên bay quanh đường xích đạo.
Đi cùng Amelia là ba người đàn ông đều thuộc phi hành đoàn hàng đầu: cơ trưởng Harry Manning, Fred Noonan và Pault Mantz.
Manning từng là cơ trưởng của Tổng thống Roosevelt và được Amelia chọn làm hoa tiêu thứ nhất. Noonan là người có nhiều kinh nghiệm làm hoa tiêu cả trên biển và trên không giữ vị trí hoa tiêu thứ hai. Mantz, một phi công đóng thế của Hollywood, được chọn làm cố vấn kĩ thuật của Amelia.
Theo kế hoạch ban đầu, họ sẽ cất cánh từ Oakland, bang California và bay đến phía tây đảo Hawaii. Từ đây cả nhóm sẽ bay qua Thái Bình Dương rồi sang Australia. Sau đó, họ sẽ bay qua Ấn Độ vào châu Phi, đến Florida rồi quay trở về California.
Ngày 17/3/1937, cả đoàn cất cánh từ Oakland. Họ gặp một số trục trặc thông thường khi bay qua Thái Bình Dương nên đã hạ cánh ở Hawaii để sửa chữa.
Sau ba ngày, máy bay tiếp tục cất cánh nhưng lại gặp trục trặc. Amelia mất lái và chiếc máy bay lộn nhào trên đường băng.
Sự cố này xảy ra như thế nào vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Một số nhân chứng cho biết họ nhìn thấy lốp máy bay bị nổ. Số khác lại cho biết có vài trục trặc trên buồng lái.
Mặc dù không ai bị thương quá nghiêm trọng, nhưng chiếc máy bay bị hư hỏng nặng và phải chuyển về California để sửa chữa toàn bộ.
Trong thời gian đó, Amelia phải lo đảm bảo tài chính cho chuyến bay mới. Áp lực vì chuyến bay bị hoãn cũng như những mệt mỏi vì phải xoay sở tiền bạc khiến Amelia hoàn toàn kiệt sức.
Sau khi sửa xong máy bay, kế hoạch lại bị thay đổi do thời tiết. Amelia và phi hành đoàn sẽ bay về hướng Đông. Lần bay này không có mặt cơ trưởng Manning và Paul Mantz.
Amelia và Fred Noonan bên chiếc bản đồ lộ trình chuyến bay
Ngày 1/6/1937, sau khi bay từ Oakland đến Miami, bang Florida, Amelia và Noonan bay thẳng đến khu vực Trung và Nam Mỹ, rồi chuyển hướng Đông để đến châu Phi.
Từ đây, máy bay vượt qua Ấn Độ Dương và cuối cùng hạ cánh xuống Lae, New Guinea vào ngày 29/6/1937. Họ đã bay được khoảng 35.200 km, 11.200 km còn lại sẽ là hành trình qua Thái Bình Dương.
Tại Lae, Amelia bị kiết lị trong nhiều ngày liền. Trong khi chờ đợi Amelia hồi phục, máy bay đã được sửa sang và tiếp thêm nhiên liệu.
Sau đó, theo kế hoạch, cả đoàn sẽ bay thẳng đến đảo Howland cách đó 4.086 km, nằm giữa Hawaii và Australia. Nhìn từ trên cao, khó mà nhận ra đảo Howland vì nó trông như một đám mây.
Để tìm được hòn đảo, Amelia và Noonan đã cẩn thận xây dựng kế hoạch với một số phương án dự phòng.
Họ sử dụng thiết bị định vị để kiểm tra lộ trình cũng như giúp họ đi đúng hướng. Trong trường hợp trời âm u, họ định liên lạc qua sóng vô tuyến với tàu bảo vệ đường biển Itasca của Mỹ đang đóng quân ngoài khơi hòn đảo Howland.
Họ cũng có thể sử dụng bản đồ, la bàn và dựa vào hướng Mặt trời mọc để xác định vị trí của họ so với đảo Howland.
Họ thậm chí còn có kế hoạch khẩn cấp để cho máy bay rơi nếu cần thiết. Họ cho rằng, những thùng nhiên liệu rỗng sẽ giúp máy bay nổi một khoảng thời gian đủ lâu để họ có thể bơi ra chiếc bè nhỏ chờ cứu hộ đến.
Vào lúc 0h30 ngày 2/7/1937, Amelia và Noonan rời khỏi Lae, hướng thẳng đến đảo Howland. Dù đoàn bay đã chuẩn bị kế hoạch vô cùng kĩ lưỡng nhưng không tránh được hậu quả đáng tiếc.