Tháng 8 năm 1945, chiến tranh xâm lược Trung Hoa của Nhật Bản bước vào giai đoạn kết thúc. Đế quốc này đã nhìn sẵn kết cục thất bại ê chề trong những toan tính chính trị của mình.
Ở vào vị trí tay sai của Nhật Bản, đứng trước cảnh đội quân này thất thế, Khang Đức Hoàng đế Phổ Nghi vô cùng lo lắng cho tính mạng của mình.
Trong tình cảnh tai ương ngập đầu, để bảo vệ âm mưu và những bí mật quân sự đã ấp ủ 14 năm của đế quốc, điều gì có thể đảm bảo quân Nhật không “diệt người diệt khẩu”?
Ngay cả khi đã bị hồng quân Liên Xô bắt làm tù binh, người Nhật cũng không động thủ để trừ khử vị vua này. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến quân Nhật giữ lại tính mạng cho Phổ Nghi ngay cả khi đã thất bại trong cuộc xâm lược Trung Hoa?
Chân dung Phổ Nghi - vị Hoàng đế cuối cùng của Thanh triều. (Ảnh: nguồn internet).
Khi chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra, trên thế giới có một tổ chức được gọi là “Hội quốc liên”. Tổ chức này lập ra với mục đích “giữ gìn hòa bình thế giới”, tôn chỉ cũng có nhiều điểm tương đồng với Liên Hợp Quốc hiện tại.
Mặc dù đổ bộ hàng loạt lên lãnh thổ Trung Hoa, Nhật Bản vẫn luôn phủ nhận danh nghĩa “xâm lược” đất nước này. Họ viện cớ “bang Thanh phục quốc” (giúp nhà Thanh khôi phục đất nước), xuất binh viện trợ để đáp lại lời cầu cứu từ Hoàng đế Phổ Nghi.
Chính phủ của Tưởng Giới Thạch từng nộp thư kháng nghị lên “Hội quốc liên”. Do lo sợ lọt vào “tầm ngắm” luật pháp của tổ chức này, quân Nhật đã lập ra “Ngụy Mãn Châu quốc” hòng che mắt dư luận lúc bấy giờ.
Đây là chính phủ bù nhìn do Đế quốc Nhật Bản lập nên, cai trị trên danh nghĩa Mãn Châu và phía đông Nội Mông. Quốc gia này do Đế quốc Nhật thành lập và điều hành, cùng với sự nhiếp chính trên danh nghĩa của Hoàng đế bù nhìn Phổ Nghi.
Vậy nhưng, ngay cả khi tận mắt chứng kiến sự thất bại ê chề của mình trên mảnh đất Trung Hoa, người Nhật Bản cũng không thể động thủ với Phổ Nghi. Hành động trừ khử một nhân vật then chốt trong thời điểm nhạy cảm như vậy bị coi là hạ sách.
Bởi lẽ, Nhật đưa quân sang Trung Quốc với lý do giúp đỡ Khang Đức Hoàng đế. Giết Phổ Nghi đồng nghĩa với việc họ phủ định mọi lý lẽ của mình, ngầm thừa nhận với dư luận rằng quân Nhật tới Trung Hoa với mục đích xâm lược.
Đó chẳng khác nào việc tự tay “vạch áo cho người xem lưng”.
Nhờ thân phận đặc biệt và tầm ảnh hưởng của mình, Hoàng đế Phổ Nghi đã may mắn thoát khỏi mối họa bị trừ khử để "diệt khẩu". (Ảnh: nguồn internet).
Tất nhiên, người Nhật không “dại” tới nỗi làm ra một hành động thiệt thân như vậy. Nhưng họ càng chứng tỏ mình khôn ngoan bao nhiêu, thì chính phủ Liên Xô khi ấy lại càng cao tay bấy nhiêu.
Bản thân Phổ Nghi là một “tội phạm chiến tranh”. Nhưng ngay cả khi bắt được vị Hoàng đế “Hán gian” này, hồng quân (quân đội Liên Xô) vẫn đối xử với ông vô cùng tử tế.
Sự rộng lượng và chu đáo của Liên Xô đối với Phổ Nghi chẳng khác nào cho quân Nhật một cái tát đau điếng. Việc vị Hoàng đế này được Hồng quân giữ lại mạng sống được coi là minh chứng cho “tình hữu nghị” giữa hai nước.
Hành động trên có mục đích ngầm chứng tỏ rằng Phổ Nghi và Liên Xô ở cùng một phe. Nếu đã như vậy, hà cớ gì vị vua này phải mượn tay Nhật Bản để “bang Thanh phục quốc”?
Nói một cách khác, Liên Xô đã sử dụng mạng sống của Phổ Nghi để lật tẩy nước cờ “xâm lược” dưới danh nghĩa giúp đỡ của quân Nhật.
Ngày 1 tháng 8 năm 1950, Phổ Nghi cùng 263 tù nhân chiến tranh của Ngụy Mãn Châu Quốc được Liên Xô trao trả cho chính phủ Trung Quốc.
17 năm sau đó, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh bị chẩn đoán đã mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Sau nhiều lần điều trị bất thành, đến 2h30 rạng sáng ngày 17 tháng 10 năm 1967, Phổ Nghi qua đời.
Sinh thời, Khang Đức Hoàng đế và Uông Tinh Vệ đều bị xếp vào hàng ngũ “Hán gian”. Thế nhưng ở vào thời điểm mấu chốt, Phổ Nghi nhờ thân phận đặc biệt và giá trị của bản thân nên đã may mắn giữ lại được mạng sống.
Ngay cả khi ở vào vị trí của một vị vua đã hết thời, mạt vận, Phổ Nghi vẫn được coi là một trường hợp may mắn hiếm có khi không chết trong tay của bất kỳ phe phái nào.