Trong Thế chiến I, hàng chục binh sĩ Nga bị nhiễm khí độc đã bước qua lằn ranh sinh tử để chống lại quân Đức và biến một cuộc tấn công tưởng chừng như vô vọng trở thành một chiến thắng đi vào lịch sử, theo RBTH.
Tinh thần bất khuất
Khi người Đức tiến hành một cuộc tấn công bằng khí độc vào pháo đài Osowiec của Nga vào ngày 6/8/1915, nhiều người tin rằng quân đồn trú của Nga tại đây sẽ không thể sống sót.
Quân đội Nga mặc dù được trang bị mặt nạ phòng độc nhưng cũng không thể tránh khỏi tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, đợt tấn công của quân Đức về phía pháo đài này tưởng chừng dễ dàng nhưng hóa ra lại là một cơn ác mộng chưa từng có.
Thay vì nhìn thấy những binh lính Nga nhiễm độc đã chết toàn bộ, người Đức hết sức kinh ngạc khi người trong pháo đài vẫn còn sống rất nhiều, dù cho tình trạng của họ khi đó hết sức tồi tệ.
Những binh sĩ Nga mặc quần áo rách rưới thấm đẫm máu, họ liên tục ho ra máu nhưng vẫn trụ vững trên đôi chân của mình, đồng thời dùng chút sức tàn cuối cùng chống trả lại người Đức.
Thảm họa
Pháo đài Osowiec nằm gần thị trấn Bialystok của Ba Lan là "cái gai trong mắt" của người Đức khi lực lượng này bị trói buộc tại đây.
Thiếu úy Vladimir Kotlinsky.
Vào tháng 9/1914, pháo đài chống lại hàng loạt cuộc tấn công của kẻ thù sử dụng máy bay và pháo binh. Sau nỗ lực chiếm lấy thành trì của Nga không thành công, người Đức đã chuyển sang các biện pháp cực đoan hơn.
Vào ngày 6/8/1915, quân Đức bơm khí Chlorine vào pháo đài. Ông Serge Khmelkov, một trong những người bảo vệ pháo đài sống sót sau vụ tấn công bằng khí độc nhớ lại:
"Tất cả những người đứng ngoài đầu cầu của pháo đài đều bị đầu độc, cỏ chuyển sang màu đen, những bông hoa tàn úa rải rác khắp nơi, thịt, bơ, mỡ, rau bị nhiễm độc và không thể sử dụng".
"Pháo đài hoàn toàn không được chuẩn bị để chống lại một cuộc tấn công bằng khí độc. Không có kế hoạch nào, không có nguồn lực để bảo vệ cho cả tập thể và cá nhân đồn trú, trong khi mặt nạ khí ít khi được sử dụng", ông Khmelkov cho biết.
Hầu hết các doanh trại, hầm trú hay lô cốt đều thiếu hệ thống thông gió nhân tạo và thậm chí không được trang bị bất kỳ loại máy tạo oxy nào.
Ba đại đội từ sư đoàn bộ binh 226 đã bị xóa sổ và chỉ có khoảng 100 binh sĩ từ đại đội thứ tư sống sót. Các lực lượng Đức, đeo mặt nạ phòng độc, bí mật phát động cuộc tấn công vào pháo đài, tự tin rằng quân đồn trú sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
"Đội quân tử thần" phản công
Kẻ thù đã phá vỡ phòng tuyến đầu tiên của quân Nga và phá vỡ tường thành của pháo đài Osowiec được bảo vệ kiên cố. Quân Đức bắt đầu tiến vào bên trong pháo đài, nơi những người sống sót thuộc đại đội 13 do Thiếu úy Vladimir Kotlinsky lãnh đạo, tung ra đợt phản công huyền thoại mà ngày nay được biết đến với tên gọi "cuộc tấn công tử thần".
"Tôi không thể mô tả được hết sự phẫn nộ đang bùng cháy trong binh lính khi họ tiến về phía kẻ đầu độc của họ - người Đức. Súng trường hạng nặng, súng máy, mảnh bom, không thể ngăn được sự tấn công đầy giận dữ của những người lính", một người sống sót viết trên tờ Pskov Life năm 1915.
60 người đàn ông bước vào cuộc giao tranh với khuôn mặt được bọc trong những mảnh vải đẫm máu, run rẩy và ho. Họ phun ra những mảnh phổi của mình trên những chiếc áo dính máu đúng theo nghĩa đen. Mặc dù kiệt sức và bị đầu độc, họ đã tiến lên với mục đích duy nhất là nghiền nát người Đức, nhân chứng kể lại.
Người Đức hoàn toàn cảm thấy sốc khi thấy những người lính Nga cận kề cái chết và sự phẫn nộ của họ trong cuộc tấn công. Quân Đức đã chạy trốn trong tình trạng hoảng loạn, bỏ lại súng máy và bị cuốn vào vòng bảo vệ dây thép gai tự lập ra trước đó.
Tận dụng cơ hội này, đại đội 8 và 14 nhanh chóng chiếm lại các tường thành chính, cân bằng tình thế và đưa pháo binh đồn trú trở lại. Người lãnh đạo cuộc tấn công và là vị cứu tinh của pháo đài, Thiếu úy Kotlinsky, đã bị thương nặng và qua đời trong buổi tối hôm đó.
Pháo đài Osowiec thất thủ
Nhưng bất chấp sự dũng cảm của những người lính Nga, pháo đài Osowiec đã bị hủy diệt. Một lần nữa vào tháng 4 và tháng 5/1915, các lực lượng Áo và Đức đã phá vỡ mặt trận của binh sĩ Nga ở Đông Prussia và Galicia.
Pháo đài che giấu sự rút lui chiến lược của các lực lượng Nga cho đến tháng 8, lúc đó việc bảo vệ pháo đài trở nên vô nghĩa. Trong tháng này, quân đồn trú Nga rời khỏi pháo đài.
Dẫu vậy, cuộc phản công của binh sĩ Nga do Thiếu úy Kotlinsky dẫn đầu đã ngăn pháo đài Osowiec rơi vào tay quân Đức và cứu hàng ngàn quân đồn trú tránh khỏi thảm họa. Lịch sử có thể đã đi theo một hướng khác nếu cuộc tấn công của Đức vào ngày 6/8/1915 thành công.