"Đội quân điện tử" vẫn nguy hiểm dù không cần vũ khí. Ảnh: AFP
Kênh DW (Đức) đánh giá thuật ngữ “đội quân điện tử” tại Trung Đông dùng để đề cập đến nhóm người sử dụng danh tính giả, tham gia vào các diễn đàn trên mạng xã hội, internet để đưa ra những thông điệp có ý đồ rõ ràng.
Chuyên gia Mahmoud Ghazayel về thông tin giả trên mạng tại Lebanon đánh giá ở các quốc gia phương Tây, nhiều người tận dụng mạng xã hội để truyền đi thông điệp chính trị hoặc tạo áp lực dẫn đến thay đổi. Ông Mahmoud Ghazayel bổ sung: “Nhưng tại Trung Đông, những người này có thể khiến một ai đó bị sát hại. Thật không may, chúng ta đã chứng kiến nhiều ví dụ về điều này”.
Có lẽ vụ việc đáng chú ý nhất liên quan đến bạo lực mạng là trường hợp của nhà báo người Saudi Arabia, ông Jamal Khashoggi. Nhà báo này bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 10/2018. Trước đó ông đã nhiều lần chỉ trích Riyadh.
Công ty tư vấn an ninh trụ sở tại Mỹ Soufan Group năm 2020 đã thực hiện nghiên cứu trên các mạng xã hội sử dụng tiếng Arab và nhận thấy nhiều đe dọa nhắm đến cố nhà báo Khashoggi đều có nguồn gốc từ Saudi Arabia.
Một ví dụ khác là cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar năm 2017. Khi đó Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Yemen đều cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar kèm cáo buộc rằng nước này hỗ trợ khủng bố. “Đội quân điện tử” đã góp phần củng cố thông điệp này. Tháng 9/2019, Twitter tuyên bố đã loại bỏ 271 tài khoản có mục tiêu ‘tạo chiến dịch thông tin đa diện nhắm đến Qatar và các quốc gia khác như Iran”.
Các lãnh đạo Qatar cho biết trong khủng hoảng ngoại giao năm 2017, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã lan truyền thông điệp chống lại nước này. Ảnh: AFP
Các nhà nghiên cứu nhận định rất khó để tìm ra chính xác được người trả tiền để kiểm soát “đội quân điện tử”. Ông Marc Owen Jones tại Đại học Hamad bin Khalifa (Qatar) đánh giá: “Chúng ta phải đưa ra kết luận họ là ai và thông tin giả họ sản xuất là gì”.
Không chỉ tại Trung Đông, nhiều quốc gia khác cũng tồn tại “đội quân điện tử”. Trong báo cáo năm 2020, tổ chức phi chính phủ Freedom House tại Mỹ cho biết trong 65 quốc gia tham gia khảo sát có tới 39 quốc gia ghi nhận tình trạng chính khách chi tiền thuê cá nhân khác “can thiệp vào các thảo luận trên mạng”.
Nhưng tại Trung Đông lại là câu chuyện khác. Điều này có thể bắt nguồn từ cách người dân tại đây sử dụng mạng xã hội. Họ thường tiếp cận thông tin và tin tức xuất hiện trên mạng xã hội và đây là xu hướng ngày càng tăng mạnh. Theo một nghiên cứu năm 2020, có tới 79% thanh niên Arab trong độ tuổi từ 18 đến 24 tiếp nhận tin tức từ mạng xã hội. Khoảng 2/3 người tham gia nghiên cứu thừa nhận họ tin tưởng vào mạng xã hội.
Trong một khảo sát khác do Viện Reuters thực hiện năm 2020, chỉ có 56% thanh niên Đức và 51% thanh niên Mỹ cùng độ tuổi tiếp nhận thông tin từ Instagram, Snapchat hoặc TikTok.
Chuyên gia Mahmoud Ghazayel kết luận: “Khi được khuyến khích bởi các chính khách và sau đó nhận thấy nền tảng mạng xã hội quản lý lỏng lẻo và thiếu các quy định pháp lý thì ‘đội quân điện tử’ sẽ phát triển mạnh”.