Những con chuột đồng đã góp công vào chiến thắng tại Stalingrad của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: RBTH
Những anh hùng nhỏ bé của Stalingrad
Những đóng góp quan trọng và cần thiết của ngựa và chó trong Thế chiến thứ hai thì đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít người biết rằng những loài động vật nhỏ bé hơn nhiều cũng đóng một vai trò quan trọng không kém, trong đó có "đội quân chuột đồng" đã góp phần làm nên chiến thắng trong trận Stalingrad hào hùng.
Theo trang RBTH, “đội quân” nhỏ bé đã chiến thắng Sư đoàn xe tăng số 22 thuộc Quân đoàn Tăng số 48 của Đức Quốc xã.
Năm 1942, mặc dù Tập đoàn quân số 6 khét tiếng của Tướng Friedrich Paulus tiến qua bờ sông Volga và bị đánh chìm thảm hại, lực lượng xe tăng của Quân đoàn Tăng số 48 vẫn trong tình trạng dự bị sẵn sàng.
Trong suốt mấy tháng, những chiếc xe tăng hạng nhẹ Pz. 38, sản xuất tại Séc, nằm im lìm trên cánh đồng, dưới các chiến hào và được che chắn bằng những lớp rơm để bảo vệ khỏi màn sương giá. Nhiên liệu khan hiếm, vì vậy các động cơ xe tăng đều phải tắt máy khi không tham gia hoạt động cần thiết nào.
Tướng Friedrich Paulus, Tư lệnh Tập đoàn quân số 6 Đức Quốc xã. Ảnh: RBTH
Vào ngày 19/11/1942, Hồng quân bắt đầu chiến dịch quy mô lớn có tên “Uranus” bao vây lực lượng của Tướng Paulus. Các cuộc tấn công lớn được phát động nhằm vào hai bên sườn của quân Đức, vốn giao cho lực lượng yếu hơn của Romania. Sư đoàn Tăng số 22 nhận được lệnh nhanh chóng xuất quân và chi viện cho Tập đoàn quân số 3 Romania đang trên đà bại trận.
Và đúng lúc đó thì bất ngờ bắt đầu xảy ra. Một phần lớn lực lượng xe tăng Đức bỗng dưng không nổ máy được, trong khi số khác thì tắt ngúm máy ngay khi vừa khởi động.
Hóa ra, thủ phạm là những chú chuột đồng sống trong những đống rơm mà sư đoàn đã dùng để che xe tăng.
Lũ chuột đã gặm nhấm phần lớn hệ thống dây điện. Do đó, vào đúng thời điểm quan trọng nhất thì những chiếc xe tăng bỗng trở thành đống sắt nằm ì ra trên cánh đồng. Trong 100 chiếc xe thì chỉ có 30 chiếc sẵn sàng chiến đấu.
Xe tăng Pz.38 của Đức Quốc xã, được sản xuất tại Séc. Ảnh: RBTH
Thêm vào đó, sư đoàn lại nhận được lệnh trái ngược từ sở chỉ huy, khiến đà tiến quân chi viện của họ chậm thêm nữa.
Kết quả là Sư đoàn tăng 22 đã không thể phối hợp với Sư đoàn tăng Romania 1 và sau một cuộc chiến kéo dài, đẫm máu chống lại Quân đoàn 1 của Liên Xô gần Peschany, họ đã buộc phải rút lui.
Tuy vậy, nhà sử học Aleksey Isayev lưu ý, những chiếc xe tăng sản xuất tại Séc lỗi thời cũng không thực sự có nhiều cơ hội chống chọi được cuộc tấn công dữ dội của Hồng quân, kể cả khi 100 chiếc tăng cùng tham chiến.
“Nếu chúng ta nhớ rằng phần lớn lực lượng xe tăng của Sư đoàn 22, gồm những chiếc Pz.38, thì ngay cả khi không có những con chuột phá hoại, ta cũng rất nghi ngờ rằng chúng có thể thành công trong trận chiến”, ông Isayev nhận xét.
Đóng góp vào chiến thắng
Người Đức đã thực sự rút được bài học về sự cố chuột phá hoại này. Ngày 5/12/1942, Bộ Chỉ huy Đức đã ban hành một mệnh lệnh yêu cầu “không bao giờ được phép để xảy ra sự cố như vậy nữa và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của thiết bị phải được giám sát liên tục – đặc biệt là xe tăng và bất cứ phương tiện cơ giới nào khác. Tất cả các sư đoàn phải nhận được chỉ thị chuẩn mực”.
Ngay cả Adolf Hitler cũng gián tiếp thừa nhận đóng góp của những con vật gặm nhấm nhỏ bé, cho rằng thất bại của Sư đoàn Tăng 22 đóng vai trò quan trọng trong tổn thất ở Stalingrad.
Trong một sắc lệnh gửi tới Chỉ huy Quân đoàn Tăng số 48, tướng Ferdinand Heim, Hitler tuyên bố rằng: “Thay vì tung mọi nguồn lực có thể để tiếp cận Sư đoàn tăng Romania 1 bằng bất cứ giá nào, Sư đoàn 22 lại hành động chậm chạp và thiếu chắc chắn.
Sự thiếu phối hợp hoàn toàn của Quân đoàn Tăng 48 rất có thể đã gây ra tình huống dẫn đến cuộc di chuyển gọng kìm nhằm vào Quân đoàn 3 Romania. Do đó đã dẫn đến thảm họa mà quy mô và hậu quả khủng khiếp của nó không thể tính được cho đến nay”.