Sáng ngày 16/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm thêm 200 tỷ NDT (28 tỷ USD) tiền mặt vào hệ thống tài chính thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) - giúp giữ lãi suất ở mức ổn định. Động thái này khiến các nhà đầu tư rất bất ngờ bởi chính quyền nước này thường bơm thêm thanh khoản khi các khoản vay trước đó đáo hạn và đợt đáo hạn tới là 5/11.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phải chịu sức ép trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang và tăng trưởng trong nước giảm tốc. Do đó, NHTW đã nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm chi phí đi vay cho các công ty và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong năm nay. Số liệu kinh tế mới được công bố cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã sụt giảm sâu, cả kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu đều đi xuống vào tháng trước.
Becky Liu, trưởng nhóm chiến lược vĩ mô của Trung Quốc tại Standard Chartered, nói về việc Trung Quốc quyết định bơm thêm tiền mặt: "Thị trường không đoán trước được điều này. Có thể họ muốn bơm thêm thanh khoản dài hạn" để đảm bảo nguồn cung đủ mạnh trong mùa nộp thuế vào tháng 10 và để khích thích nền kinh tế vốn đang phải đối mặt với áp lực tăng trưởng.
GDP của Trung Quốc trong các năm và dự đoán cho quý III/2019.
Theo dự kiến Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP trong nước quý III vào thứ Sáu tuần này, có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 6,1% so với năm ngoái. Đây là đà tăng trưởng chậm chạp nhất kể từ năm 1992.
Hơn 400 tỷ NDT khoản nợ trong MLF sẽ đáo hạn vào đầu tháng tới, điều này có thể sẽ tạo điều kiện cho PBOC hạ lãi suất và bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính. NHTW có thể sẽ cắt giảm chi phí cho các khoản nợ xuống 10 điểm cơ bản, còn 3,2% vào cuối năm nay, theo dự đoán từ một cuộc khảo sát Bloomberg thực hiện vào cuối tháng trước.
Frances Cheung, người đứng đầu chiến lược vĩ mô châu Á tại Westpac Banking, nhận định: "Tuy nhiên, phản ứng của thị trường lại là sự yên ắng, có thể là vì Trung Quốc vẫn giữ nguyên lãi suất trong khi xu hướng hạ lãi suất đang diễn ra ở nhiều nơi."