Đối phó thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền Việt Nam

B.T sưu tầm, SGK Sử 9 |

Chỉ 10 ngày sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, quân đội của các nước trong ph Đồng Minh, với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật, đã kéo vào nước ta

Tình hình nước ta sau Cách mạng tháng Tám

Chỉ 10 ngày sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, quân đội của các nước trong ph Đồng Minh, với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật, đã kéo vào nước ta.

Từ vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) trở ra Bắc. 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ồ ạt vào Hà Nội và hầu khắp các tỉnh. Chúng kéo theo bọn tay chân nằm trong các tổ chức phản động: Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) với âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, thành lập chính quyền tay sai. 

Trong khi đó, từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, quân Anh đã mở đường cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Lợi dụng tình hình trên, các lực lượng phản cách mạng ở mièn Nam như Đại Việt, Tờ-rốt-kít, bọn phản động trong các giáo phái ngóc đầu dậy làm tay sai cho Pháp, ra sức chống phá cách mạng.

Ở nước ta lúc đó còn 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp, nhưng một bộ phận của chúng đã theo lệnh đế quốc Anh đánh lại lực lượng vũ trang của ta, tạo điều kiện cho thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Đối phó thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền Việt Nam - Ảnh 1.

Thự dân Pháp đổ bộ vào miền Nam tháng 12-1945, hòng tái lập chế độ thuộc địa, đe dọa nền độc lập của chúng ta

Nền độc lập, tự do của nước ta bị đe dọa nghiêm trọng, nhà nước cách mạng lại chưa được củng cố. Nền kinh tế nước ra chủ yếu là nông nghiệp vốn đã nghèo nàn, lạc hậu còn bị chiến tranh tàn phá nặng nề. 

Hậu quả của nạn đói do Nhật-Pháp gây ra cuối năm 1944 đầu năm 1945 vẫn chưa được khắc phục. Tiếp đó, nạn lụt lớn tháng 8-1945 làm vỡ đê 9 tỉnh Bắc Bộ, rồi đến hạn hán kéo dài, làm cho 50% ruộng đất không thể cấy cày được. Sản xuất công nghiệp đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt. Nạn đói mới lại đang đe dọa nghiêm trọng trong đời sống nhân dân

Ngân sách nhà nước lúc này hầu như trống rỗng. Nhà nước cách mạng lại chưa kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương. Thêm vào đó, quân Tưởng tung ra trên thị trường các loại tiền đã mất giá trị, càng làm cho nền tài chính nước ta rối loạn.

Chế độ thực dân, phong kiến để lại những hậu quả rất nặng nề về mặt văn hóa: hơn 90% dân số không biết chữ, các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút...tràn lan.

Bước đầu xây dựng chế độ mới

Ngày 8-9-1945, Chính phủ Lâm thời công bố lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước.

Ngày 6-1-1946, vượt qua mọi hành động chống phá của kẻ thù, lần đàu tiên trong lịch sử dân tộc, hơn 90% cử tri trong cả nước đã nô nức đi bầu cử những đại biểu chân chính của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước. Đồng bào Nam Bộ đã phải đổ máu khi bỏ phiếu.

333 đại biểu khắp Bắc-Trung-Nam, tượng trung cho khối đại đoàn kết toàn dân, được bầu vào Quốc hội. Ngày 2-3-1946, tại phiên họp đầu tiền ở Hà Nội, Quốc hội nhất trí xác nhận thành tích của chính phủ Lâm thời trong những ngày đầu xây dựng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đồng thời lập ra Ban Dự thảo Hiến pháp và thông qua danh sách Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Đối phó thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền Việt Nam - Ảnh 2.

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Sau bầu cử Quốc hội, khắp các địa phương từ tỉnh đến xã ở Trung Bộ và Bắc Bộ đều tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Ủy ban hành chính các cấp được thành lập, thay cho các Ủy ban nhân dân. Bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân bước đầu được củng cố và kiện toàn.

Ngày 29-5-1946, Hội Liên Hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập để tăng cường và mở rộng khối đoàn kết toàn dân.

Để giải quyết nạn đói, đồng bào cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và noi gương Người, lập các hũ gạo cứu đói và không dùng gạo, ngô để nấu rượu, tổ chức "ngày đồng tâm" để có thêm gạo cứu đói.

Việc tăng gia sản xuất được đẩy mạnh

Phong trào thi đua sản xuất được dấy lên ở khắp các địa phương. Diện tích ruộng đất hoang hóa nhanh chóng được gieo trồng các loại cây lương thực và hoa màu. Công nhân, bộ đội, cán bộ, viên chức nhà nước, học sinh, trí thức, công thương v..v.. tự nguyện tổ chức thành từng đoàn, từng đội đi về nông thôn giúp nông dân đắp đê phòng lụt, khai hoang, phục hòa.

Chính quyền cách mạng còn tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho nông dân nghèo: chia lại ruộng đất công theo nguyên tắc công bằng và dân chủ, ra thông tư giảm tô: ra sắc lệnh bãi bỏ thuế thân và các thứ thuế vô lí khác.

Đối phó thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền Việt Nam - Ảnh 3.

Lớp bình dân học vụ nhằm xóa mù chữ

Nhờ có những biện pháp tích cực trên đây, nạn đói đã được đẩy lùi.

Để xóa nạn mù chữ và nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân lao động, ngày 8-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập cơ quan Bình dân học vụ và kêu gọi toàn dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ. Các cấp học đều phát triển mạnh. Nội dung và phương pháp giáo dục bước đầu đổi mới theo tinh thần dân tộc và dân chủ.

Nhằm giải quyết những khó khăn về tài chính, Chính phủ kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân. Hưởng ứng xây dựng "Quỹ độc lập" và phong trào "Tuần lễ vàng" do Chính phủ phát động, đồng bào cả nước hăng hái đóng góp tiền của, vàng, bạc. Ngày 31-1-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh phát hành tiền Việt Nam, đến ngày 23-11-1946, Quốc hội quyết định cho lưu hành tiền Việt Nam trong cả nước

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 9, tr 96-97-98-99-100.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại