Theo New York Times ngày 4/6, kể từ sau sự kiện phục kích xảy ra ở Niger vào mùa thu năm ngoái khiến 4 lính Mỹ thiệt mạng, mới đây bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã yêu cầu đánh giá toàn diện các đơn vị đặc nhiệm đang triển khai trên khắp thế giới.
Đánh giá này có thể sẽ dẫn đến việc cắt giảm một nửa quân số các đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố của Mỹ ở châu Phi trong 3 năm tới.
Đánh giá này là một phần trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, trọng điểm chiến lược này là nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Mỹ có hơn 7.300 đặc nhiệm đang thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có nhiều binh lính thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố ở Yemen, Lybia, Somali và các điểm nóng khác.
Các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng, Mattis và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford lo ngại các đơn vị đột kích quá phân tán.
Cuộc điều tra của Lầu Năm Góc về vụ phục kích ở Niger hồi tháng trước đã cho thấy các đơn vị đột kích tồn tại nhiều vấn đề mạo hiểm.
Hai quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, chính điều này đã thúc đẩy Mattis nhanh chóng quyết định từ bỏ nhiệm vụ chống khủng bố ở châu Phi và tập trung trọng điểm vào các cường quốc trên thế giới.
Theo chiến lược quốc phòng đã được Nhà Trắng công bố hồi đầu năm nay, những thay đổi có thể này là bước chuẩn bị cho quá trình chuyển trọng điểm đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn đến từ Nga và Trung Quốc.
Trong số hơn 7.300 đặc nhiệm Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ ở 92 quốc gia, có khoảng 1.200 đặc nhiệm ở châu Phi.
Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ ở châu Phi nói với báo giới rằng, nếu trong 18 tháng giảm 25%, trong 3 năm giảm 50% thì họ không biết thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố bằng cách nào.
Theo số liệu của cơ quan tác chiến đặc nhiệm thuộc Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ, sẽ duy trì khoảng 700 đặc nhiệm – quân số tương đương hồi năm 2014.
Các quan chức quân sự Mỹ nói rằng, một số binh lính đặc nhiệm này sẽ thực hiện các nhiệm vụ nhằm vào Nga và Trung Quốc, hoặc có thể triển khai luân phiên nhằm giảm áp lực cho lực lượng chống khủng bố ở châu Phi.