Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm vào giữa tháng 3 với Thủ tướng Italy Giuseppe Conti, trước khi chuyến bay của hãng China Eastern Airlines chở vật tư y tế hạ cánh tại Milan, một nội dung được nhấn mạnh là Trung Quốc cam kết phát triển Con đường Tơ lụa Y tế (Jian Khang Sichou Zhilu).
Trên thực tế, điều đó đã được đưa vào Sáng kiến Vành đai và Con đường ít nhất là từ năm 2017, trong khuôn khổ tăng cường kết nối y tế Á - Âu. Đại dịch Covid-19 chỉ tăng tốc thêm quá trình đó. Con đường Tơ lụa Y tế sẽ chạy song song với nhiều hành lang khác của Con đường Tơ lụa trên bộ và Con đường Tơ lụa trên biển.
Tăng cường ảnh hưởng trên mặt trận y tế
Trong tiến trình khẳng định sức mạnh mềm, cho đến nay, Trung Quốc đã cung cấp các thiết bị và trợ giúp y tế liên quan đến Covid-19 cho không dưới 89 quốc gia và còn hơn thế nữa.
Những nước này bao gồm châu Phi (đặc biệt là Nam Phi, Namibia và Kenya, và Alibaba đang tuyên bố sẽ trợ giúp cho tất cả các quốc gia châu Phi); Mỹ Latinh (Brazil, Argentina, Venezuela, Peru); vòng cung từ Đông Á đến Tây Nam Á và Châu Âu.
Những người nhận chính ở châu Âu bao gồm Italy (một trường hợp rất đặc biệt), Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Serbia và Ba Lan. Hầu hết là quyên góp và chỉ một số là giao dịch thương mại - như hàng triệu khẩu trang được bán cho Pháp (và Hoa Kỳ).
Chưa đầy một năm trước, Italy đã trở thành quốc gia G7 đầu tiên ký bản ghi nhớ chính thức gia nhập Vành đai và Con đường dù có sự không đồng tình của Washington và nhiều đồng minh châu Âu.
Hiện tại, Italy đang được Trung Quốc hỗ trợ trên rất nhiều mặt trận, không chỉ ở cấp chính trị cao nhất mà còn thông qua Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, các hiệp hội Trung Quốc - Italy, các công ty công nghệ/ hậu cần Trung Quốc và sự đóng góp từ Alibaba, Huawei, ZTE và Lenovo. Hiện tại có ba đội y tế Trung Quốc ở Italy.
Tất cả điều này liên quan đến bức tranh Vành đai và Con đường quy mô lớn hơn, bao gồm các khoản đầu tư vào Genova và Trieste, hai cảng chính và các điểm nút Vành đai và Con đường trong tương lai.
Nhắm đến mô hình kinh tế mới
Cuộc tiến công tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc lúc này được hiệu chỉnh cẩn trọng để bù đắp sự tê liệt hiện tại của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc hiện đang làm việc quá giờ để cung cấp cho nhiều nơi trên thế giới các loại thuốc và các mặt hàng chăm sóc sức khỏe và luôn luôn suy tính theo khuôn khổ Vành đai và Con đường.
Điều đó nói lên tình hình thực tế là rất nhiều quốc gia đang rất cần có bước tiến phát triển và cơ sở hạ tầng cùng với nhu cầu về các hệ thống và chăm sóc y tế tốt.
Và mục tiêu đó đang được nhắm đến, khi dịch Covid-19 phần nào được kiểm soát tại nội địa và nền kinh tế Trung Quốc đang hướng đến phục hồi hoàn toàn, Vành đai và Con đường được khởi động lại: điều Bắc Kinh cho rằng sẽ giúp xây dựng một mô hình kinh tế mới công bằng hơn và vì lợi ích của Global South (thuật ngữ được sử dụng để đề cập tới các nước kém phát triển hơn chủ yếu ở Nam bán cầu).
Con đường Tơ lụa Y tế đang phát huy hiệu lực khi Trung Quốc, Nga và Cuba đang gửi các nhóm bác sĩ và chuyên gia virus học cũng như các máy bay có thiết bị y tế đến Italy. Trung Quốc cũng gửi thuốc, bộ dụng cụ xét nghiệm và vật tư đến Iran.
Trung Quốc hiểu được tình hình nguy hiểm khi khi Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến Italy và sự kết nối song phương.
Với đội ngũ sản xuất lành nghề, rẻ hơn, Trung Quốc đã thu hút các nhà mốt Italy lớn đến gia công sản phẩm tại nước này, và hầu hết là ở Vũ Hán. Mối liên hệ giữa hai bên – đã có từ nhiều thập kỷ - đang duy trì kết nối cả hai chiều. Các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu đến miền bắc Italy vào đầu những năm 1990. Họ đã mua một chuỗi các nhà máy; cải tạo chúng; tạo ra các thương hiệu Made in Italy của riêng họ; và đưa hàng chục ngàn thợ may Trung Quốc lành nghề đến làm việc trong các nhà máy này. Có rất nhiều chuyến bay trực tiếp từ Vũ Hán đến Lombardy - để phục vụ ít nhất 300.000 người Trung Quốc đã di chuyển vĩnh viễn đến Italy để làm việc trong các nhà máy do người Trung Quốc mở để sản xuất và hàng hóa là Made in Italy (Sản xuất tại Italy).
Theo Asia Times, Con đường Tơ lụa Y tế có thể sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nước ven bờ Đại Tây Dương, cho rằng Bắc Kinh khai thác đại dịch này để "gây bất ổn", làm suy yếu châu Âu và nhằm cải thiện hình ảnh của Trung Quốc, của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này được thấy rõ khi Mỹ đang chỉ trích cách Trung Quốc chậm chạp đối phó với đại dịch ở thời điểm ban đầu và việc virus corona gây ra dịch bệnh Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Nhưng dù mục đích sâu xa của Trung Quốc là gì thì vào thời điểm hiện tại, 89 quốc gia đang nhận được sự giúp đỡ và thiết bị y tế từ Trung Quốc đều cho rằng chúng rất cần thiết và điều quan trọng nhất lúc này là đối phó thành công và chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19.