Tổng thống Nauru, ông Baron Waqa, cho rằng ông Du tìm cách lợi dụng sức mạnh và uy thế của Bắc Kinh để bắt nạt đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương này.
Phản ứng giận dữ của ông Waqa là diễn biến tiếp theo bầu không khí căng thẳng ở diễn đàn mà ông chủ trì hôm thứ Ba, 4/9, khi ông Du Qiwen muốn lên phát biểu diễn văn về biến đổi khí hậu nhưng bị ông Waqa từ chối.
Ông Du cùng đoàn đại biểu Trung Quốc nhanh chóng bỏ ra khỏi phòng họp, sau khi nhà ngoại giao Trung Quốc đi đi lại lại quanh phòng và nhấn mạnh sự bất mãn của ông - tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay.
Tổng thống Waqa cáo buộc ông Du Qiwen cố gắng ra oai và không tôn trọng thực tế rằng các nguyên thủ quốc gia có mặt tại phòng họp đều ở cấp cao hơn ông này và xứng đáng được phát biểu trước.
"Người Trung Quốc đòi hỏi được phát biểu trước trong khi ngài thủ tướng [nước Tuvalu] chuẩn bị phát biểu," ông Waqa nêu thông tin trong cuộc họp báo ngày mùng 4.
"Ông ta (Du Qiwen) khăng khăng và hết sức xấc xược, và đã gây ra một cuộc ồn ào khiến hội nghị bị gián đoạn nhiều phút, trong khi ông ấy chỉ là một quan chức," ông Waqa cho biết.
"Có thể bởi vì ông ta đến từ một đất nước lớn nên muốn bắt nạt chúng tôi."
Xích mích giữa Nauru và Trung Quốc đã phát sinh từ trước hội nghị bởi những lùm xùm trong vấn đề thị thực.
Nauru đã từ chối đóng dấu visa nhập cảnh lên hộ chiếu ngoại giao của các quan chức Trung Quốc, mà chỉ cho phép đoàn Trung Quốc thông quan bằng hộ chiếu cá nhân.
Tưởng như chỉ là mâu thuẫn nhỏ, vụ việc đã khiến Nauru vấp phải đe dọa tẩy chay từ các thành viên PIF - trong đó nhiều nước đang nhận được viện trợ và các khoản vay từ Bắc Kinh.
Nauru - đảo quốc với dân số chỉ có 11.000 người và diện tích hơn 20 km2, là một trong số ít quốc gia đang duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và không thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Chính phủ Trung Quốc khẳng định kiên quyết theo đuổi chính sách "Một Trung Quốc", với Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và sẽ được thống nhất trong tương lai, không loại trừ bằng giải pháp vũ lực.
Căng thẳng ngoại giao ở Nauru một lần nữa thể hiện mức độ nhạy cảm trong vấn đề Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Nước này đã "bơm" khoảng 1.78 tỉ USD viện trợ cho các đảo quốc nhỏ bé ở đây trong giai đoạn 2006-2016.
"Quyền lực mềm" của Trung Quốc gia tăng là hồi chuông cảnh báo với Australia và New Zealand, bởi cả hai nước đều thúc đẩy các chương trình viện trợ của riêng mình nhằm bảo đảm duy trì ảnh hưởng trong khu vực mà họ coi là "sân sau".
Trung Quốc không phải là thành viên PIF nhưng là 1 trong 18 nước được mời dự thảo luận ở hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn này với tư cách "đối tác đối thoại".