Cổ nhân dạy rằng cuộc sống mệt mỏi hay hạnh phúc là do bản thân mình quyết định. Để tâm rộng mở, xem nhẹ, bớt truy cầu, trầm tĩnh, buông lỏng mình đúng lúc, chúng ta sẽ loại bỏ được áp lực đè nặng lên mình.
Cuộc sống viên mãn thật đơn giản, không phải vì có được nhiều thứ, mà biết cách bớt đi những thứ không cần thiết.
1. Bớt so đo, tính toán
Một ông lão thường ngày hay câu cá ở bến sông. Ông câu được rất nhiều cá, nhưng mỗi khi câu được ông đều lấy thước ra đo. Điều kỳ lạ là chỉ cần con cá lớn hơn cái thước thì ông liền thả con cá xuống sông.
Dân làng thấy lạ liền hỏi: Người khác đều muốn câu được cá càng lớn càng tốt, tại sao ông lại thả những con cá lớn đi vậy?
"Vì chiếc nồi nhà lão chỉ to ngang với chiều dài cái thước này thôi, nếu cá lớn hơn thì không đựng được", ông lão trả lời.
Ở trên đời, nhiều người dễ dàng để cho ham muốn vô độ chiếm hết tâm trí, nhưng cũng có những người "chỉ cần đủ, không cần nhiều".
Đó chính là thái độ với cuộc sống của ông lão câu cá. Khi biết thỏa mãn thì cuộc sống sẽ luôn thoải mái.
Nhiều người thường tính toán chi li, hơn thiệt từng chút trong cuộc sống. Họ thuộc bảng giá của từng cửa hàng bán lẻ, biết nơi nào bán đồ ăn rẻ nhất, tiệm bánh nào hay giảm giá...
Mỗi lần bước ra cửa, họ đều tính toán kỹ lưỡng, tính xem nói nào giảm giá nhiều hay ít, đến nhà hàng nào sẽ có lợi nhiều hơn...
Nhưng, những lần tính toán, so đo như vậy liệu có mang lại cho họ một bữa ăn vui vẻ thoải mái?
Mỗi việc chúng ta đều quá coi trọng thì sẽ dễ bị chìm trong vũng lầy của sự tính toán, khiến bản thân chỉ nhìn thấy chút lợi ích nhỏ trước mắt mà không nhìn xa, nhìn rộng hơn. Cuộc sống luôn ngập trong căng thẳng, muộn phiền, khó có thể hạnh phúc, thoải mái....
Trong tâm tính toán so đo nhiều bao nhiêu, cuộc sống cũng sẽ mất đi niềm vui và hạnh phúc nhiều bấy nhiêu.
Cung tên lên dây lâu quá, căng rồi sẽ đứt. Con người giữ mãi những mối bận lòng sẽ chẳng bao giờ được sống vui vẻ, bình yên.
2. Bớt tranh luận
Trong cuộc sống, nhiều rắc rối bắt nguồn từ chính thói "vạ miệng". Mọi cuộc xung đột đều do ngữ khí và lời nói bất hảo, từ các tâm chỉ trích và thái độ không suy nghĩ cho người khác mà ra.
Người xưa có câu "Họa đều từ miệng mà ra", lời nói là vũ khí gây sát thương còn kinh khủng hơn cả bom đạn.
Vì thế, đừng nói những lời khích bác, phỉ báng người khác tùy tiện. Vì thế, bạn lắng nghe nhiều hơn, quan sát nhiều hơn và bớt đi những lời không cần thiết, thì sẽ tránh được những xung đột.
Nói chuyện là một nghệ thuật mà không phải ai cũng có thể đạt đỉnh cao.
Có ý thức, chừng mực, cân nhắc những điều nên hay không nên nói ra một cách cẩn thận là điều quan trọng. Đừng nói xấu sau lưng người khác, bởi đó chính là nguồn gốc của những mâu thuẫn, rắc rối.
3. Bớt chỉ đạo người khác
Mỗi người, hãy tự quản tốt công việc của bản thân, đừng lo ôm đồm chuyện của người khác.
Mọi đau khổ đều bắt nguồn từ việc kỳ vọng quá nhiều. Bạn mong muốn người khác làm theo ý mình, khi họ làm khác đi thì cảm thấy rất khó chịu.
Áp đặt ý chí của mình cho người khác sẽ khiến cả bạn và họ đều luôn cảm thấy khó chịu.
Dù có là người thân, bạn đời, con cái thì bạn cũng không thể thay người khác quyết định cuộc sống của họ.
Trong gia đình, đừng quá can thiệp sâu vào đời sống cá nhân của người khác. Hãy để mỗi người có một khoảng không gian riêng, tự do với cuộc sống của mình, có như vậy gia đình mới hòa thuận, yên ấm.