Tranh minh họa.
Ai đó từng nói rằng, đời người chính là một chuỗi những câu hỏi trắc nghiệm, chọn đúng hay sai là tùy ở bạn. Vậy vấn đề là làm sao để không tích phải ô sai?
Bạn phải nhìn xa trông rộng một chút, bình tĩnh và dùng lý trí cân nhắc lợi hại. Khi bạn hiểu được thứ gì là quan trọng nhất, tự khắc bạn sẽ tìm được đáp án đúng cho mình.
Nếu không vì một chữ tham, cuộc đời con người hẳn sẽ nhẹ nhõm đi rất nhiều.
Tiếc rẻ đồ độc hại, tổn hại đến sức khỏe
Ông Trương quên cất đồ ăn mua trước đó vào tủ lạnh, lúc nhớ ra để ăn mới phát hiện ra đồ ăn đã hỏng rồi. Ông Trương trước đây từng trải qua những ngày tháng khổ sở nên thường ngày rất tiết kiệm, không nỡ vứt kể cả khi đồ ăn đã ôi thiu. Ông nghĩ rằng đồ ăn sau khi khử trùng bằng nhiệt độ cao thì sẽ không sao nữa, thế là dùng dầu ăn rán lên rồi ăn.
Người nhà khuyên nhủ ông không nên ăn, ăn vào rồi đau bụng, lợi bất cập hại. Thế nhưng ông vẫn kiên quyết không nghe, còn một mực khăng khăng kể cả có vi khuẩn thật thì cũng bị dầu đun chết hết rồi.
Ông còn khẳng định mùi vị đồ ăn rất ngon, không hề có mùi và may là ông chưa vứt đi, chứ không sẽ thật phí của.
Nhưng ông Trương chưa đắc ý được bao lâu thì bụng đã bắt đầu đau.
Mới đầu ông còn cho rằng do tiêu hóa kém, bèn hạn chế ăn uống, bữa nào cũng ăn ít hơn bình thường và uống thuốc hỗ trợ tiêu hóa.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng vài ngày liền dạ dày vẫn đau, không chịu được nữa, ông bèn tới bệnh viện, nào kiểm tra, nào kê đơn mua thuốc, số tiền bỏ ra đắt hơn nhiều so với số thực phẩm hỏng ôi thiu kia. Hơn nữa, không chỉ mất tiền, mà dạ dày đau liền mấy ngày khiến ông Trương đau tới rã rời. Thật là tiền mất tật mang.
Sau bài học lần đó, ông Trương xem ra cũng bớt ngoan cố, dù có tiếc cũng không giữ lại đồ ăn ôi thiu.
Những người như ông Trương trên thực tế không hề ít. Phải công nhận tiết kiệm là thói quen tốt nhưng thực phẩm là để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể con người, nên nếu thực phẩm không có lợi thì hà tất phải ăn?
Đằng sau tâm lý tiếc rẻ có thể còn là sự tham lam. Rất nhiều người đi ăn buffet đều ăn tới no căng, khiến dạ dày quá tải, sợ không tranh thủ ăn nhiều thì sẽ bị thiệt.
Tham bát bỏ mâm
Cô Ngô sau nhiều năm tích cóp được một khoản tiền nhỏ dùng để dưỡng già, nhưng lại thấy để trong ngân hàng không được bao nhiêu, nên luôn canh cánh làm sao để có lãi nhất.
Không vượt qua nổi cám dỗ, cô Ngô bắt đầu sốt sắng lao vào đầu tư các sàn quản lý tài chính. Trong khi hiện nay, các sàn quản lý tài chính điện tử thật, giả khó phân biệt, đại đa số đều mang tính chất đa cấp, mặc dù tiền lãi nhìn qua rất khả quan, nhưng cuối cùng đa phần đều kết thúc dưới hình thức "mô hình ponzi" (Vay tiền của người này trả nợ cho người khác).
Nói thẳng ra là "bạn nhắm vào tiền lãi của họ, họ nhắm vào tiền vốn của bạn", vô cùng mạo hiểm. Nhưng không vượt qua được cám dỗ mang tên lãi cao nên cô Ngô đã đầu tư vào rất nhiều hạng mục.
Quả thực mới đầu, cô cũng kiếm được chút tiền. Nếu lúc đó kịp thời thu hồi tiền thì có lẽ vẫn còn được chút lợi. Nhưng lòng tham kham khiến cô muốn kiếm được nhiều hơn và thế là cô lại tiếp tục đổ thêm vốn liếng, kết quả là tay trắng.
Người ta thường nói rằng "buông dây dài, câu cá lớn". Nhưng ngày nay, kẻ lừa đảo chỉ dùng miếng mồi nhỏ bé, đã có thể bòn rút được số tiền lớn từ trong túi những người tham và cả tin.
Những câu chuyện xảy ra với ông Trương, cô Ngô đều không phải là trường hợp cá biệt. Kiểu tham đũa bỏ mâm như vậy thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hiện nay. Những bi kịch này đều xuất phát từ 1 chữ tham, vì cái lợi trước mắt mà đánh mất những cái lớn hơn.
Tiếc một chút thức ăn thừa, tham tiền lãi cao, cả ông Trương và cô Ngô đều đã phải trả giá bằng sức khỏe và tiền bạc. Và ở ngoài kia, còn biết bao nhiêu người vì chữ tham mà thậm chí còn phải trả giá đắt hơn, bằng cả tính mạng của bản thân mình.