Đối nghịch chính sách tranh cử Trump - Harris: Viễn cảnh "chia rẽ hơn bao giờ hết" của nước Mỹ

Tiến sỹ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thuý |

Trong khi ông Trump tự hào về các chính sách trong nhiệm kỳ trước và các kế hoạch tới đây, đảng Dân chủ mắc kẹt trong việc thúc đẩy các chính sách của ông Biden.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã tổ chức xong Đại hội đề cử ứng viên Tổng thống và đã chọn ra hai đại diện là bà Kamala Harris và ông Donald Trump cho cuộc đua tháng 11. Theo truyền thống, cả hai đảng đều công bố các chính sách mà họ sẽ theo đuổi nếu đắc cử.

Ông Trump đã chọn cách tiếp cận đúng truyền thống và công bố các chính sách của mình trước khi đại hội diễn ra từ ngày 15 - 18/7. Các chính sách này được công khai rộng rãi trên mạng và phủ sóng kín các phương tiện truyền thông. Ông Trump cũng nhiều lần thảo luận chi tiết về các chính sách này trên trên báo chí và trong chiến dịch tranh cử.

Đối nghịch chính sách tranh cử Trump - Harris và viễn cảnh "chia rẽ hơn bao giờ hết" của nước Mỹ - Ảnh 1.

Ngược lại, lựa chọn của bà Harris là không một lần công khai Cương lĩnh chính sách của mình kể từ khi bà thay thế ông Joe Biden làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Trong suốt 35 ngày vừa qua, bà không tổ chức họp báo cũng không thực hiện phỏng vấn sâu với báo giới. Bà Harris và những người đại diện của bà đã không đưa ra các tuyên bố chính sách chính thức ngoài việc gợi ý một số đề xuất. Các đề xuất chính sách này dường như chỉ mang tính là "bong bóng thử nghiệm" để có thể thu hồi lại nếu không nhận được ủng hộ hoặc gây tranh cãi.

Đại hội của Đảng Dân chủ, diễn ra từ ngày 19 - 22/8, đã bỏ phiếu thông qua Cương lĩnh chính sách 2024. Tuy nhiên thật không may là họ lại công bố Bản cương lĩnh mà ông Joe Biden là tác giả và bà Harris chỉ là người ủng hộ, mặc dù ông Biden đã bỏ cuộc.

Đây là một sự nhầm lẫn rất đáng hổ thẹn! Sau khi công bố, đảng Dân chủ đã cố ý để bản Cương lĩnh theo một cách mà những người quan tâm rất khó tìm kiếm được. Bản Cương lĩnh không hề được đăng tải tên các trang web của chiến dịch Harris hay đảng Dân Chủ, và các phương tiện truyền thông chỉ đăng tải một số đoạn trích.

Quan sát của tôi là ông Trump tự hào về các chính sách đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống trước và các kế hoạch tới đây của mình. Ông muốn cử tri bỏ phiếu ủng hộ các đề xuất này và bầu ông để tiếp tục theo đuổi chúng.

Đối nghịch chính sách tranh cử Trump - Harris và viễn cảnh "chia rẽ hơn bao giờ hết" của nước Mỹ - Ảnh 2.

Đảng Dân chủ thì mắc kẹt trong việc thúc đẩy các chính sách của ông Biden - những chính sách này rất khác với những gì bà Harris thực sự muốn làm. Do đó, đảng Dân chủ đã trì hoãn cho đến khi họ có thể đạt được sự đồng thuận về các chính sách của đảng Dân chủ và bà Harris. 

Vì vậy, bà Harris và đảng Dân chủ đang né tránh truyền thông và cử tri. Một số nhà phê bình cho rằng họ đang cố gắng "câu giờ" và trì hoãn công bố các chính sách của mình. Tại sao lại như vậy? Theo các cuộc thăm dò ý kiến, các chính sách của họ dường như đang vấp phải sự phản đối của phần lớn cử tri.

Cương lĩnh của bà Harris chịu công kích từ cả hai phía

Cương lĩnh của bà Harris là một danh mục mơ hồ với các chính sách cấp tiến, cực tả đặc trưng của chính quyền Biden (2020-2024) và Barack Obama (2008-2016). Sự mơ hồ này cho phép bà Harris và đảng Dân chủ dễ dàng bảo vệ chúng, nhưng lại khiến cử tri không chắc chắn sẽ hiểu được thực chất.

Đối nghịch chính sách tranh cử Trump - Harris và viễn cảnh "chia rẽ hơn bao giờ hết" của nước Mỹ - Ảnh 3.

Hầu hết các chính sách đều được xây dựng để đối nghịch với các chính sách của ông Trump dưới một thông điệp bao trùm là đảng Dân chủ tốt, Donald Trump xấu. Bà Harris và đảng Dân chủ hiện vẫn đang chạy đua với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump (2016-2020), với các chính sách và cá tính của ông. Chiến lược của họ là dồn trọng tâm tấn công vào ông Trump để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi một thực tế là bà Harris và đảng Dân chủ còn chưa đưa ra được các chính sách cụ thể.

Cho đến thời điểm này, Kinh tế và Lạm phát đang là điểm nóng, là những vấn đề mang tính quyết định cho cuộc đua vào Nhà Trắng 2024. Bà Harris và đảng Dân chủ vẫn không thừa nhận rằng các chính sách của họ trong gần 4 năm qua đã tạo ra lạm phát - chi tiêu chính phủ lớn, thâm hụt ngân sách và nợ công, giá xăng dầu cao, xóa nợ cho các khoản vay của sinh viên đại học và các chính sách COVID. Bà Harris vẫn chưa giải thích lý do tại sao bà vốn là người nhiệt tình ủng hộ các chính sách của ông Biden nhưng mới đây lại đột nhiên tách mình ra khỏi các chính sách này.

Đối nghịch chính sách tranh cử Trump - Harris và viễn cảnh "chia rẽ hơn bao giờ hết" của nước Mỹ - Ảnh 4.

Bà đưa ra một đề xuất chính mang dấu ấn cá nhân là chống lạm phát bằng cách áp trần giá đối với thực phẩm. Không có nhà kinh tế nào ủng hộ chính sách này. Việc ấn định giá như vậy sẽ làm méo mó thị trường - cầu và cung - đe dọa đến nền kinh tế. Chính sách này sẽ tạo ra thị trường chợ đen, chế độ phân phối hạn ngạch và tình trạng thiếu hụt. Từ đó sẽ dẫn đến tham nhũng và thông đồng giữa doanh nghiệp và chính phủ. Điều quan trọng là việc kiểm soát giá sẽ không giúp giảm lạm phát.

Ngoài ra, bà Harris tuyên bố sẽ trợ cấp cho dịch vụ chăm sóc trẻ em, chăm sóc y tế, dược phẩm, sở hữu nhà, xây dựng nhà ở, học phí đại học và nhiều dịch vụ khác. Các khoản trợ cấp sẽ tiêu tốn 2 nghìn tỷ đô la hàng năm - thâm hụt ngân sách liên bang hàng năm hiện đã ở mức 2 nghìn tỷ đô la. Tổng nợ công của nước Mỹ đang ở mức 35 nghìn tỷ đô la và vẫn tiếp tục tăng chóng mặt. Bà Harris có kế hoạch tăng mạnh thuế suất đối với những người giàu có và các tập đoàn.

Không có chính sách nào trong số này có nhiều khả năng nhận được đủ số phiếu thuận tại quốc hội để được thông qua và xin nhấn mạnh lại một lần nữa là khả năng để thực hiện được chúng hầu như là con số 0. Việc các chính sách của đảng Dân chủ sẽ được xây dựng như thế nào vẫn đang là một ẩn số.

Về mặt đối ngoại, cả ông Biden và bà Harris đều có xu hướng chống Israel, ủng hộ Iran, ủng hộ Ukraine, ủng hộ Trung Quốc, chống Nga, ủng hộ NATO và ủng hộ Liên minh châu Âu. Các chính sách của ông Trump là ngược lại.

Cương lĩnh của ông Trump là sự mở rộng và phát huy nhiệm kỳ 2016 - 2020

Hai lĩnh vực chính sách quan trọng mà Trump đã thay đổi hướng đi từ nhiệm kỳ 2016-2020 bao gồm Phá thai và An sinh xã hội/Medicare/Obamacare. Ông Trump ủng hộ việc trả lại quyền quyết định chính sách về phá thai cho các chính quyền bang và cho phép các trường hợp phá thai ngoại lệ đối với người mang thai do bị hiếp dâm, loạn luân và việc mang thai ảnh hưởng tới tính mạng của thai phụ. 

Trong các cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa thường thất thế trước các nhóm ủng hộ phá thai. Chính sách này sẽ giúp xoay chuyển tình thế. Đảng Dân chủ thì luôn giữ vững quan điểm hoàn toàn ủng hộ quyền phá thai.

Ông Trump ủng hộ việc duy trì Quỹ An sinh xã hội và Medicare ở mức hiện tại – chiếm 50% ngân sách liên bang - đồng thời giữ nguyên điều kiện độ tuổi hiện tại. Điều này giúp ông củng cố những lá phiếu bầu của nhóm cử tri là người cao tuổi và người đã nghỉ hưu. Ông không tuyên bố bãi bỏ Chương trình chăm sóc y tế của cựu tổng thống Barack Obama. Dảng Dân chủ vẫn tiếp tục đưa thông tin sai rằng ông Trump muốn cắt giảm các chương trình này. Đây vốn dĩ là những chính sách trọng tâm của chính quyền Biden-Harris.

Đối nghịch chính sách tranh cử Trump - Harris và viễn cảnh "chia rẽ hơn bao giờ hết" của nước Mỹ - Ảnh 5.

Cương lĩnh Cộng hòa 2024 cũng nêu rõ rằng ông Trump sẽ:

- Tái áp dụng các chính sách thành công của nhiệm kỳ trước đây để giảm nhập cư bất hợp pháp, đóng cửa biên giới và quản lý tốt hơn vấn đề nhập cư hợp pháp. Trong nhiệm kỳ Biden-Harris, gần 7 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã "bị bắt giữ" và "được thả" vào Mỹ mà không cần hoặc chỉ thẩm tra ở mức tối thiểu; 1,7 triệu người khác vượt biên trái phép vào Mỹ mà không bị bắt.

- Giảm thuế, đặc biệt là thuế đánh vào người lao động và người nghèo, xóa bỏ thuế tiền boa, giảm lạm phát, giảm chi phí sinh hoạt, và tăng cường sức mạnh của đồng đô la Mỹ, chống lại các nỗ lực làm suy yếu đồng tiền này, đồng thời giảm nợ và thâm hụt liên bang. Nhưng giống như bà Harris, ông chưa nói đến việc sẽ thực hiện các chính sách này như thế nào.

- Giảm điều tiết nền kinh tế, bãi bỏ các quy định đang khiến các doanh nghiệp Mỹ thiệt hại 3 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ông sẽ sử dụng các sắc lệnh hành pháp để thực hiện điều này, như cách ông đã làm trong giai đoạn 2016-2020.

- Tăng chi tiêu quân sự và hiện đại hóa quân đội ở mức 1 nghìn tỷ đô la. Hiện tại, ngân sách chi ra để trả lãi cho khoản nợ quốc gia là 700 tỷ đô la, tương đương với tổng ngân sách quân sự! Tuy nhiên, để làm được điều này ông Trump sẽ phải phụ thuộc vào sự chấp thuận của Quốc hội.

- Hủy bỏ lệnh bắt buộc sử dụng xe điện và đưa nước Mỹ trở lại vị thế là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu năng lượng vốn đã bị chính quyền Biden/Harris xóa bỏ. Ông có thể thực hiện điều này bằng cách sử dụng các sắc lệnh hành pháp.

- Thu hồi "Quy chế tối huệ quốc" và tách nước Mỹ khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Cương lĩnh không nhắc đến Israel, Iran, Nga hay Ukraine!

- Xóa bỏ các chương trình "thức tỉnh trước các bất bình xã hội": cấm nam giới thi đấu trong các môn thể thao chỉ dành cho nữ; cấm giảng dạy Thuyết chủng tộc trọng yếu trong trường học; chống chủ nghĩa bài Do Thái; giải thể Bộ Giáo dục liên bang và trao lại thẩm quyền quyết định chính sách giáo dục cho các bang; thúc đẩy quyền tự do ngôn luận. Các chính sách này đều đi ngược lại các chính sách của chính quyền Biden-Harris 2020-2024.

- Thúc đẩy chương trình dân tộc chủ nghĩa: đưa Giáo dục công dân thành chương trình học bắt buộc và cho phép người dân có quyền tự do lựa chọn trường học; tôn vinh lịch sử nước Mỹ; bảo vệ quốc kỳ; áp thuế đối với các quốc gia gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của Mỹ; khuyến khích mua hàng sản xuất tại Mỹ và thuê nhân công người Mỹ; "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Những chính sách này cũng hoàn toàn ngược lại các chính sách của chính quyền Biden/Harris.

- Chấm dứt trình trạng vũ khí hóa Bộ Tư pháp, cơ quan đứng đầu các cuộc tấn công vào ông Trump cả trong nhiệm kỳ 2016-2020 và trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2024. Cương lĩnh không đề cập đến FBI, CIA, Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan khác.

Ý nghĩa đối với cử tri

Nếu cuối cùng bà Harris công bố chi tiết Cương lĩnh chính sách của mình - cụ thể những gì bà mong muốn thực hiện và phương thức thực hiện – thì cử tri sẽ đưa ra được sự lựa chọn rõ ràng giữa bà và ông Trump. Bà Harris và ông Trump không có điểm thống nhất nào!

Có quyền lựa chọn chính là nguyên tắc của nền dân chủ nhưng điều đó cũng gây trở ngại cho việc đạt được đồng thuận để giải quyết các vấn đề của quốc gia. Kỳ bầu cử lần này cho dù người thắng là ai thì nước Mỹ cũng sẽ chia rẽ hơn bao giờ hết.

Đối nghịch chính sách tranh cử Trump - Harris và viễn cảnh "chia rẽ hơn bao giờ hết" của nước Mỹ - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại