“Sản phẩm 293” (“Изделие 293”) là tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn phóng từ trên không dùng cho mục đích vũ trụ, được phát triển bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Khoa học-Sản xuất (NPK) Văn phòng Thiết kế Chế tạo máy KBM.
Thông tin chi tiết về Sản phẩm 293 rất ít, ngoại trừ một số thông số của hệ thống đẩy: 14D812, 14D813, 14S47. Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (РАН) năm 2015, tổ hợp sử dụng nhiên liệu tên lửa rắn hỗn hợp thế hệ mới (SRT), chất oxy hóa không chứa clo cho các chế phẩm tạo khí.
Có thể, công thức SRT bao gồm HNIW (Hexanitrohexaazaisowurtzitane) hay CL-20. Các sản phẩm này là một phần của tổ hợp mới của Nga đang được phát triển trong khuôn khổ dự án R&D Burevestnik.
Hiện tại, thông tin mới nhất về chương trình này chỉ được tìm thấy trong các nguồn mở là từ năm 2008 - một hợp đồng nhà nước đã được ký kết để thực hiện dự án R&D Burevestnik. Động cơ tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn hai tầng để kích nổ tên lửa đánh chặn vệ tinh nhân tạo của Trái Đất đang được phát triển bởi Liên hợp Khoa học-Sản xuất (НПО- NPO) Iskra. Động cơ nguyên mẫu sẽ được sản xuất vào tháng 6/2021.
“Sản phẩm 08” (“Изделие 08”) là một phiên bản của MiG-31 - phương tiện mang và phóng Sản phẩm 293. Có rất ít thông tin về sự khác biệt giữa Sản phẩm 08 và tiền thân của nó, nhưng có những thay đổi trong hệ thống dẫn đường và liên lạc, cũng như một thiết bị phóng mới cho hệ thống treo tên lửa đã được lắp đặt.
Có thể, để đơn giản hóa, máy bay đã được tháo dỡ các hệ thống không cần thiết để thực hiện chức năng của phương tiện mang và nó sẽ không thể thực hiện chức năng của một máy bay đánh chặn.
Mẫu đầu tiên của máy bay MiG-31 (Sản phẩm 08, số hiệu 81) với bộ gá treo tên lửa 14A045 (hay Sản phẩm 293) của tổ hợp chống vệ tinh 14K168 Burevestnik được thử nghiệm ở Ramenskoye vào năm 2019.
Chiếc MiG-31 với một tên lửa giả lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện thông tin sau chuyến bay thử nghiệm ở Ramenskoye vào tháng 9/2018, trong khi có lưu ý rằng các cuộc thử nghiệm máy bay với một tên lửa giả đã được tiến hành từ tháng 2/2018.
Trong năm 2018, việc đánh giá, tính toán và thực nghiệm về tính an toàn khi vận hành của MiG-31 (Sản phẩm 08) với sản phẩm “293” dưới tác động của trường điện từ có nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo - mã “08EMP” - đã được thử nghiệm. Các cuộc thử nghiệm sơ bộ với mẫu chế thử tên lửa dự kiến sẽ được thực hiện sau ngày 5/5/2021.
Sau các cuộc thử nghiệm sơ bộ của mẫu chế thử duy nhất, dự kiến sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm cấp Nhà nước với ba nguyên mẫu của tên lửa - sản phẩm 293. Theo dữ liệu của phương Tây, kể từ tháng 12/2018, NPO Iskra đã tiến hành cải tiên tên lửa - sản phẩm 293, có thể là với động cơ sử dụng loại nhiên liệu rắn mới - “tên lửa 328”.
Tên lửa được treo dưới thân máy bay, trên một bộ phận treo trung tâm cụ thể được thiết kế đặc biệt cho tên lửa này. Về thiết kế, tên lửa này là tên lửa đạn đạo hai giai đoạn với một bộ phận tách rời và một khối đánh chặn vệ tinh cơ động.
Giai đoạn đầu được trang bị bánh lái gấp khí động học. Hệ thống điều khiển và dẫn đường - có thể, việc chỉ định mục tiêu cho tổ hợp chống vệ tinh do Bộ chỉ huy trung tâm kiểm soát không gian vũ trụ (KKP) cung cấp theo dữ liệu từ radar và phương tiện điện quang của KKP.
Tên lửa 14A045 gắn trên MiG-31; Nguồn: militaryrussia.ru.
Theo dữ liệu của hệ thống định vị vệ tinh, việc phóng phương tiện mang đến điểm phóng được thực hiện cùng với nhiều yếu tố, trong đó có dữ liệu của hệ thống dẫn đường vệ tinh.
Thiết bị của hệ thống định vị vệ tinh cho phương tiện mang của hệ thống được phát triển như cấu phần của công tác thiết kế thử nghiệm (OKR) “Burevestnik-M-ASN” của Văn phòng Thiết kế Moscow (MKB) “Compass” theo hợp đồng với Viện nghiên cứu Hóa học và Cơ học FGUP TsNIIHM .
Hệ thống điều khiển tên lửa có thể sử dụng nguyên lý quán tính với hiệu chỉnh đường bay theo dữ liệu của tổ hợp vũ khí chống vệ tinh trên mặt đất, cũng như hiệu chỉnh theo dữ liệu của hệ thống định vị vệ tinh.
Bộ đánh chặn vệ tinh “Burevestnik-M” là một vệ tinh tự dẫn động năng (với đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân) cùng hệ thống điều khiển kết hợp gồm hệ thống điều khiển quán tính, hệ thống điều khiển thiên văn “Burevestnik-M-ASN” do MKB “Compass” phát triển, có kênh hiệu chỉnh vô tuyến từ tổ hợp mặt đất của hệ thống chống vệ tinh.
Các thông số kỹ thuật của tên lửa và tổ hợp - chiều dài tên lửa 9,05m, chiều dài giai đoạn đầu 3,5m, chiều dài giai đoạn hai 3,06m, đường kính thân 1,02m, độ cao quỹ đạo của vệ tinh và vật thể bị đánh chặn 100-500km, bán kính chiến đấu của máy bay mang 1.000km.
Trang bị chiến đấu gồm bộ đánh chặn vệ tinh các mục tiêu không gian “Burevestnik-M” hay “Burevestnik-KA-M”, có thể là loại động học với hệ thống tự dẫn và đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.
Khối đánh chặn vệ tinh sử dụng ắc-quy xạc lithium-ion 4LI-20 do Công ty Cổ phần Saturn phát triển và sản xuất. Đáng lưu ý, tên lửa hành trình có động cơ đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân với tầm bắn không giới hạn, được giới thiệu vào tháng 3/2018 và hiện được gọi là Burevestnik, không liên quan gì đến chương trình tổ hợp chống vệ tinh này, chúng chỉ đơn giản có cùng tên gọi./.