Đôi nét về hậu cung đế chế Ottoman

Lê Thái Dũng |

Đế chế Ottoman là một đế chế nổi tiếng trong lịch sử thế giới, tồn tại từ năm 1299 đến năm 1923, nó còn được gọi là Đế chế Osman hoặc là Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ. Hậu cung của đế chế này là một nơi vô cùng cấm kỵ ẩn chứa nhiều bí ẩn mà không mấy người được tỏ tường.

Quy tắc về việc cai trị lãnh thổ

Là một đế chế có lãnh thổ rộng lớn bao trùm từ Nam Âu, Bắc Phi cho đến Tây Á, đế chế Ottoman áp dụng thể chế pháp lý gọi là millet (kiểu lãnh thổ tự trị) với nhiều tỉnh, hay còn được gọi là tiểu quốc, tức các beylik.

Ở đó, các địa phương, bao gồm cả các vùng đất bị Ottoman chiếm đóng, sáp nhập với các dân tộc và tôn giáo khác biệt với đạo Hồi được giao quyền quản lý công việc của chính họ với một sự độc lập đáng kể từ sự kiểm soát của chính quyền trung ương; có địa phương được tự trị mọi việc ngoại trừ cái tên.

Tôn giáo và dân tộc không có sự phân biệt, đế chế Ottoman rộng lượng hơn chấp nhận mọi tôn giáo, dân tộc; thậm chí về mặt tôn giáo còn chính thức công nhận Giáo hội Hy Lạp và giáo khu của giáo chủ và các tổng giám mục, cho phép các giáo đường Chính thống giáo được duy trì tài sản của họ.

Đứng đầu bộ máy chính quyền địa phương là các tiểu vương, hoàng thân, hãn vương, lãnh chúa, tổng trấn..., họ có thể do Sultan Ottoman (hoàng đế của Ottoman) lựa chọn, như các tổng trấn Cơ đốc giáo vùng Balkan hoặc được thừa nhận như Hãn vương người Tatar của Hãn quốc Krym…

Các địa phương thể hiện lòng trung thành và sự phục tùng Sultan Ottoman thông qua việc triều cống vàng bạc, tiền thuế, lương thực và huy động tàu thuyền, kị binh tham gia khi triều đình trung ương phát động chiến tranh.

Cung điện Topkapi - Hậu cung của Đế chế Ottoman

Harem (tức hậu cung) còn gọi là haram, trong tiếng trong tiếng Ả Rập nó có nghĩa là "cấm". Đây là nơi tuyệt mật cấm kị đối với nam giới và cả những phụ nữ bình thường khác bởi chỉ có chủ nhân của đế chế là Sultan Ottoman mới được đặt chân đến, ngoài ra các con trai của Sultan Ottoman cũng được vào nhưng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ; các hoàng tử cũng chỉ được ở đây cho tới năm 16 tuổi.

Hậu cung của Đế chế Ottoman được đặt tại cung điện Topkapi, nó không phải là một khu vực kiến trúc mà hơn thế, nó giống như một thành phố thu nhỏ, là nơi mà nhiều đời vua của đế chế Ottoman sinh sống, nghỉ ngơi, làm việc và trị vì trong suốt mấy trăm năm.

Cung điện Topkapi được xây dựng từ năm 1466 đến năm 1478 theo lệnh của hoàng đế Mehmet II tại khu vực trung tâm của thành phố Constantinople (nay là Thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ), gần eo biển Bosphorus.

Người ta ví Topkapi như một thành phố bởi nó có hàng trăm căn nhà, nhà thờ Hồi giáo, khu vui chơi, khu nghỉ dưỡng và khu vực sinh sống của cung tần, mỹ nữ, thái giám. Riêng khu vực hậu cung, tức là nơi sinh sống của Thái hậu, cung phi, cung nữ… được xây dựng với nhiều phòng ốc trang trí lộng lẫy, trưng bày nhiều vật phẩm quý giá thể hiện sự giàu có, xa hoa của đế chế.

Đôi nét về hậu cung đế chế Ottoman - Ảnh 1.

Những người đẹp trong hậu cung đế chế Ottoman (Hình minh họa)

Tổ chức hậu cung của Đế chế Ottoman

Hậu cung đế chế Ottoman cũng được xây dựng theo các quy tắc của đạo Hồi, đứng đầu hậu cung là mẹ của Hoàng đế, tức Thái hậu với danh hiệu là Valide Sultana hay còn được gọi là Walid. Bà là chủ nhân thật sự của hậu cung chứ không phải là Hoàng đế. Việc tuyển chọn và quyết định ai sẽ hầu hạ đức vua, dù chỉ là một đêm đều do Thái hậu định đoạt.

Về danh hiệu Sultana có thể là tên gọi chung của mẹ, các chị em và các con gái của Hoàng đế.

Cấp bậc thứ 2 trong hậu cung là Bach Kadin (Quý phi), tức vợ chính của Sultan Ottoman; tuy nhiên có tư liệu viết rằng thứ bậc này được gọi là Haseki (Chính cung). Một nguồn tư liệu khác thì cho rằng Bach Kadin gồm 4 người, trong đó chính thất gọi là Haseki sultan, tức là vợ cả của vua.

Tiếp theo là các Gediklik, những thiếu nữ luôn sẵn sàng phụ vụ hoàng đế và những cô gái còn lại được gọi là Odalik.

Theo quy chế, những vị trí dưới Bach Kadin là nhóm phụ nữ đặc biệt, họ được gọi chung là những Iqbal hay Ikbal (sủng thiếp); họ không thể bước lên vị trí của Kadin nhưng họ được chu cấp tiền bạc, có phòng và người hầu riêng.

Trong hậu cung đế chế Ottoman, ngoài những người phụ nữ của Sultan Ottoman sinh sống, còn có các gia nhân, thái giám, cung nữ, nô lệ. Số phụ nữ sống trong hậu cung đếm không xuể và không phải ai cũng có diễm phúc được Sultan Ottoman sủng hạnh dù chỉ 1 lần.

Lực lượng đông đảo nhất trong hậu cung chính là cung nữ nô lệ; theo sử sách họ được tuyển chọn từ hai nguồn: Thứ nhất là từ nguồn cống phẩm của các tiểu quốc, thứ hai là thông qua mua bán từ thị trường nô lệ, mà phần đông trong số họ đến từ châu Âu theo Kito giáo và được cho là có nhan sắc.

Đôi nét về hậu cung đế chế Ottoman - Ảnh 2.

Một cuộc tuyển chọn mỹ nữ vào hậu cung (Hình minh họa )

Quy trình tuyển chọn cung nữ

Quy trình tuyển cung nữ vào Harem (hậu cung) được thực hiện rất khắt khe với 4 vòng chính như sau:

- Vòng đầu tiên là kiểm tra sắc đẹp về dung mạo và hình thể.

- Vòng thứ 2 các thiếu nữ phải trải qua các khám nghiệm sức khỏe gắt gao để thanh lọc những người có rủi ro mang những mầm bệnh nguy hiểm. Để thực hiện việc này, họ được phân loại theo độ tuổi và được kiểm tra bằng các nữ quan khác nhau.

Theo tài liệu của một nhà nghiên cứu người Pháp thì các nữ quan tiến hành các xét nghiệm vệ sinh rất tỉ mỉ để biết xem những thiếu nữ đó có mắc ba căn bệnh chính là bệnh phong, dịch hạch và dịch tả: "Họ thường kín đáo để mấy con chí còn sống lên cổ mà không để cho những cung nữ đó hay.

Bình thường, nếu mấy con chí này vẫn còn sống, có nghĩa là các cô đó không mắc các chứng bệnh trên".

- Vòng kiểm tra giấc ngủ: Những thiếu nữ vượt qua vòng khám sức khỏe sẽ bước vào vòng kiểm tra giấc ngủ. Qua nhiều đêm theo dõi, người ta sẽ xác định một thiếu nữ có giấc ngủ như thế nào, nếu ai có giấc ngủ quá nặng, ngủ ngáy thì giá mua sẽ bị giảm xuống, thậm chí cô gái đó có thể bị trả về, hoặc bị mang ra bán tại chợ nô lệ.

- Vòng cuối cùng là vòng kiểm tra y khoa để kiểm tra sức khỏe nhằm xác minh xem các xét nghiệm trước đó có đúng không và nhất là để kiểm tra xem một cô gái có còn trong trắng hay không. Bởi vì trinh tiết là một giá trị quan trọng của một cung nữ.

Sau khi kết thúc các vòng xét duyệt, những thiếu nữ được lựa chọn sẽ trở thành cung nữ trong hậu cung, được học các quy tắc phục vụ, hầu hạ và nếu không phải là tín đồ Hồi giáo thì họ sẽ phải cải đạo, học kinh Coran, học đọc và viết tiếng Thổ. Các thiếu nữ cũng phải hoàn thiện các kỹ năng chăn gối; kỹ năng cầm, kỳ, thi, họa, vũ đạo và cả những loài hình nghệ thuật khác.

Theo các sử gia, ước chừng hậu cung của các Sultan Ottoman có ít nhất 300 cung nữ và nhiều nhất gồm khoảng 2.000 người.

Đôi nét về hậu cung đế chế Ottoman - Ảnh 3.

Cung nữ (Hình minh họa)

Cuộc chiến chốn hậu cung

Một điều rất đặc biệt là trong xã hội thời đế chế Ottoman ít có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, do đó số phận cung nữ trong hậu cung có thể thay đổi.

Có những cung nữ mà hoàng đế chưa sủng hạnh, ông ta có thể ban tặng cho các vị đại thần hoặc quý tộc độc thân như một phần thưởng. Có những cung nữ may mắn được sự chú ý của hoàng đế cho vào chăm sóc giấc ngủ, nhất là lại hạ sinh cho ngài một đứa con kế thừa xem như đảm bảo được một vận mệnh tuyệt vời.

Chính vì điều đó mà sự cạnh tranh giữa các cung nữ rất là khốc liệt với khát khao có được ân sủng của hoàng đế.

Mỗi người không chỉ tìm cách làm tăng vẻ đẹp của mình mà còn phải học hỏi thêm nhiều hơn nữa về tài đàn hát, nhảy múa, làm thơ và cả tài kể chuyện để giải trí cho người đứng đầu đế chế, thậm chí phải có hiểu biết ít nhiều về chính trị để có thể giúp vua về mặt chính sự.

Tuy nhiên trong cuộc tranh giành ấy vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định, thí dụ những hành động đánh đập hay tìm cách gây tổn hại đến tính mạng một cung nữ đang mang thai của Sultan Ottoman bị coi là cực kỳ nghiêm trọng, cũng giống như người đó đang tìm cách hạ sát chính hoàng đế vậy và án phạt sẽ là tử hình.

Sự thăng tiến về vị trí trong hậu cung phụ thuộc nhiều yếu tố và tài năng của mỗi cung nữ, miễn làm sao tạo được sự hài lòng của Sultan Ottoman để đạt được mục đích cũng như tham vọng của mình.

Những người sinh con cho hoàng đế được coi là gặp may mắn, và mỗi lần sinh con là một lần vị trí được thăng tiến, tuy nhiên muốn đạt đến vị trí cao trong hậu cung thì cung nữ đó phải thoát khỏi thân phận nô lệ khi nhà vua ban bố cho phép nàng trở thành người tự do.

Mỗi cung nữ đều hiểu rằng nhan sắc không thôi cũng chưa đủ mà cần phải có trí tuệ để có thể thu hút được sự chú ý của Thái hậu và nhất là của Hoàng đế. Đó cũng chính là mục tiêu của tất cả các cung nữ trong hậu cung.

Có thể nói cuộc chiến trong hậu cung với những người phụ nữ đấu đá, tranh giành để nhận được ân sủng của nhà vua là cuộc chiến kéo dài bất tận và đầy khốc liệt.

Đôi nét về hậu cung đế chế Ottoman - Ảnh 4.

Trổ tài làm đẹp lòng hoàng đế (Hình minh họa )

Luật lệ kỳ quặc trong lựa chọn người kế vị ngôi vua

Hoàng đế của đế chế Ottoman có truyền thống truyền lại ngôi báu và của cải cho con trai cả nhưng vị trí đó thường dẫn đến các cuộc tranh chấp giữa những người con khác. Thế là một luật lệ kỳ quặc và khủng khiếp được gọi là đạo luật "huynh đệ tương tàn"đã ra đời, tương truyền nó được đặt ra vào năm 1451 dưới thời trị vì của vua Mehmed II.

Điều luật quy định: "Bất kể ngai vàng thuộc về một trong những người con nào của ta, người đó nên giết anh em của mình".

Đại bộ phận các nhà thần học của đế chế đều tán đồng rằng đạo luật phải được thực thi. Có lẽ đây là điều lạ lùng nhất bởi vì các cuộc tranh giành quyền kế vị diễn ra lúc âm thầm, khi công khai với những mánh khóe trong chốn cung đình khốc liệt, nhưng lạ ở chỗ nó tại đế chế Ottoman điều đó lại được thừa nhận thành luật.

Theo truyền thống trong hậu cung đế chế Ottoman, khi các hoàng tử đến tuổi trưởng thành sẽ được giao cai quản một địa phương thì lúc đó người mẹ phải theo con mình đến vùng đất được giao quản lý và chỉ được trở về cung nếu hoàng tử được chọn là người kế vị ngôi vua.

Thế nhưng một người được lựa chọn thì những người khác coi như sẽ gặp tai họa, luật lệ đã quy định như vậy và hoàng tử may mắn sẽ lên ngôi trở thành một Sultan Ottoman, những người anh em lập tức bị bắt giam và giết chết.

Sử sách đã ghi nhận nhiều sự việc đẫm máu liên quan đến luật lệ tàn bạo này, thí dụ như việc vua Mehmed III (1595-1603) đã ra lệnh giết hết 19 anh em của mình; hoặc như vào thời vua Suleiman I – vị vua rất nổi tiếng và tài năng trị quốc, người đã đưa đế chế Ottoman đến đỉnh cao, cũng đã phải chứng kiến cuộc đấu đá tranh giành vị trí kế thừa ngai vàng giữa những người con trai của ông, gay gắt tới mức vua ra lệnh xử tử toàn bộ, chỉ để lại một người duy nhất mà ông lựa chọn.

Chính vì tránh sự tàn sát đẫm máu, nên đến đời vua Ahmed I (1603-1617), người ta lựa chọn một phương án khác, đó là một người lên ngôi thì tất cả những anh em của ông ta sẽ bị giam cầm trong cung cấm cho đến cuối đời, nơi đó được gọi là kafes (cái lồng).

Sống bên cạnh hoàng tử kém may mắn chỉ có thái giám và những cung nữ đã quá tuổi sinh nở để ngăn ngừa họ có hậu duệ hòng làm phản. Trong trường hợp phát hiện một cung nữ mang thai, hoặc sinh ra một bé trai cho hoàng tử bị giam cầm kia thì lập tức sẽ bị xử tử.

Số phận những hoàng tử kia tuy khổ ải nhưng vẫn có chút hi vọng, cơ may có thể sẽ đến khi mà Sultan Ottoman đương tại vị bỗng qua đời hoặc bị truất phế. Lúc này triều đình sẽ lựa chọn người thừa kế ngai vàng trong số những hoàng tử bị giam cầm, và theo luật Ottoman, người kế vị là người đàn ông cao tuổi nhất trong hoàng tộc.

Sau này, có sự sửa đổi lại lại luật cho phép em trai Sultan Ottoman kế vị trong trường hợp con trai của Sultan Ottoman còn quá nhỏ tuổi để có thể nối ngôi vua.

Khi một Sultan Ottoman kế vị thì mẹ ruột vị vua mới ấy sẽ trở thành chủ hậu cung bất kể xưa kia thân phận bà là nô lệ hay tì thiếp.

Tuy nhiên không có tư liệu đề cập đến số phận những người vợ của Sultan Ottoman quá cố, họ bị đuổi về với đời thường, được phép tái hôn với người khác hay bị đưa vào khu vực biệt lập ở hậu cung sống như góa phụ? Hoặc với những người còn trẻ đẹp có bị ép phải trở thành tì thiếp hầu hạ cho Sultan Ottoman kế nhiệm?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại