Mũ bảo hiểm là vật dụng nhằm mục đích bảo vệ phần đầu của người đội khi có va đập lúc đua xe đạp, đi xe máy, ô tô, cưỡi ngựa…..Mũ bảo hiểm còn chỉ đến những loại mũ sắt, mũ cối trong quân đội, các loại mũ bảo vệ người chơi thể thao (bóng bầu dục, bóng chày, khúc côn cầu, trượt tuyết…) hay các loại mũ bảo hộ lao động (xây dựng, khai mỏ…). Tại Việt Nam khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe điện thì bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
Các loại mũ bảo hiểm bị cấm
Đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, mũ bảo hiểm có chức năng bảo vệ vùng đầu và gần như là dụng cụ bảo vệ duy nhất đối với cơ thể khi xảy ra tai nạn. Các loại mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, mũ bảo hiểm giả chắc chắn sẽ không đủ khả năng bảo vệ đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, thậm chí gây chấn thương nặng hơn. Bởi vậy việc chuẩn bị cho mình những chiếc mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn là vô cùng cần thiết.
Theo Điều 1 Thông tư 02/2014/TT-BKHCN Về việc sửa đổi Điều 2 Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 28 tháng 04 năm 2008 Về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” như sau:
“ Điều 1. Sửa đổi Điều 2 Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện ‘Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy’ như sau:
Điều 2. Mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy, xe gắn máy, xe đạp máy, xe máy điện, xe đạp điện và các loại xe tương tự xe mô tô, xe máy, xe gắn máy (sau đây gọi tắt là mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy) sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2008/BKHCN ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ”.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Như vậy, theo quy định trên ta thấy những loại mũ bảo hiểm không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2008/BKHCN ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì bị cấm, không được đưa vào lưu thông trên thị trường.
Mũ bảo hiểm lưỡi trai có bị phạt không?
Hiện nay, trên các văn bản pháp luật không có khái niệm mũ bảo hiểm thời trang hay mũ bảo hiểm lưỡi trai. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta có thể hiểu đó là mũ dạng lưỡi trai với đặc điểm lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng. Loại mũ này với đặc điểm giá thành rẻ, được bày bán tràn lan trên vỉa hè, cửa hàng nên được nhiều người mua, sử dụng.
Theo vào điểm i, k khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: " 2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
i) Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;
k) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật "
Như vậy, theo quy định này, chỉ xử phạt người điều khiển xe máy, người ngồi sau xe máy (khi tham gia giao thông) không đội mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy hoặc có đội nhưng không cài quai.
Những trường hợp có đội mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy và có cài quai (dù là mũ bảo hiểm thời trang, mũ bảo hiểm lưỡi trai hoặc các loại mũ bảo hiểm dành cho mô tô, xe máy kém chất lượng khác) không bị xử phạt.
Các loại mũ bảo hiểm khi đội mà vẫn bị xử phạt là các loại mũ không dành cho người đi mô tô, xe máy như: mũ bảo hộ lao động, mũ bảo hộ trong thể dục thể thao…Tuy không bị xử phạt, nhưng việc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho bản thân rất lớn khi xảy ra va chạm. Vì thế, bạn nên mua các loại mũ bảo hiểm đúng chuẩn để đội cho an toàn.
Hiện nay, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm mô tô, xe máy được quy định tại QCVN 2:2008/BKHCN. Tuy nhiên, để người tiêu dùng tự mình kiểm định chất lượng mũ bảo hiểm xem có chuẩn hay không là rất khó.Tạm thời, bằng mắt thường, chỉ có thể xác định mũ bảo hiểm đạt chuẩn nếu có đủ 03 lớp: Vỏ mũ; Lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ); Quai đeo…