Theo chuyên trang hàng không Avia.Pro, trước căng thẳng ngày một leo thang ở Ladakh, Quân đội Ấn Độ đã điều động một lượng lớn thiết giáp tới khu vực biên giới, trong đó có cả T-90 - dòng xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất của nước này.
Còn theo trang tin Sohu của Trung Quốc, Ấn Độ đưa xe tăng T-90 đến Ladakh vào cuối tháng 5, đồng thời cũng cảnh báo nếu xe tăng Ấn Độ có các hành động khiêu khích chúng sẽ bị phá hủy chỉ trong vài phút.
"Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trên diện rộng, hàng chục chiếc T-90 sẽ bị tiêu diệt", Sohu tự tin tuyên bố.
Xe tăng T-90M "Bhishma" của Ấn Độ. Ảnh: Reddit.
Sohu còn cho biết, Quân đội Ấn Độ đang duy trì hàng chục ngàn binh sĩ (con số này ước tính vào khoảng 20.000) xung quanh khu vực Ladakh, hỗ trợ lực lượng này là hàng trăm xe tăng, bao gồm cả T-90. Có thể nói lực lượng Ấn Độ tại Ladakh đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Các chuyên gia quân sự của Sohu cho rằng, Ấn Độ một lần nữa sử dụng lại chiến thuật mà họ từng áp dụng trong các cuộc đụng độ trước đây ở Ladakh, đó là triển khai số lượng lớn binh sĩ đến khu vực biên giới, trong một thời gian dài nhằm leo thang xung đột, tạo sức ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Tuy nhiên, thứ đang đợi họ chỉ có sự hủy diệt.
Còn theo tờ Swarajya, Ấn Độ sẽ không bị bất ngờ trước một cuộc đối đầu mới ở Ladakh khi New Delhi đã hoàn tất việc xây dựng tuyến phòng thủ xung quanh thung lũng Gallevan, đồng thời triển khai các hệ thống phòng không đến khu vực.
Theo nhận định của Avia.Pro, dù căng thẳng ở Ladakh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khả năng một trong các bên có các hành động khiêu khích dẫn đến xung đột quân sự là điều khó có thể xảy ra, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Còn về sự tự tin của truyền thông Trung Quốc khi tuyên bố dễ dàng hủy diệt xe tăng T-90 Ấn Độ thì cần phải xem xét lại, bởi ngay cả một chiến trường khốc liệt như ở Syria, T-90 còn chưa "trầy da tróc vẩy" trong các tình huống đối đầu trực tiếp với tên lửa chống tăng thì khả năng nó bị phá hủy trong vài phút ngắn ngủi là điều khó có thể xảy ra.
Ví dụ điển hình nhất là đoạn video được hãng tin AMN công bố ngày 31/1, dù bị tên lửa chống tăng của phiến quân đánh trúng tháp pháo nhưng chiếc T-90 của Quân đội Syria (SAA) vẫn tiếp tục di chuyển như “không có chuyện gì xảy ra”.
Xe tăng T-90 của Quân đội Syria dính tên lửa vẫn di chuyển "như không".