Khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John S. McCain (DDG 56) của hải quân Mỹ cùng các chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Australia và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã tiến hành đợt tập trận đa phương ở Biển Đông từ ngày 19/10.
Theo thông cáo từ Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, dàn chiến hạm tham gia cuộc tập trận chung ở Biển Đông gồm có tàu khu trục USS John S. McCain của hải quân Mỹ, tàu khu trục JS Kirisame (DD 104) của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cùng khu trục hạm HMAS Arunta (FFH 151) của Hải quân Hoàng gia Australia.
Sự kiện này đánh dấu lần thứ 5 trong năm nay, Mỹ - Nhật – Australia cùng tiến hành hoạt động chung trong khu vực Hạm đội 7 đảm trách.
Thông qua cuộc diễn tập, các bên tham gia sẽ cùng nhau huấn luyện và tổ chức hoạt động chung 3 bên nhằm tăng cường năng lực hoạt động của liên minh trong việc duy trì an ninh hàng hải và sẵn sàng phản ứng trước những tình huống bất ngờ xảy ra trong khu vực.
Hạm đội 7 nhấn mạnh thêm, năng lực hoạt động và hợp tác chuyên nghiệp với các đồng minh và đối tác của hải quân Mỹ là nền tảng cho sự ổn định của khu vực, giúp thúc đẩy nền hòa bình và thịnh vượng của mọi quốc gia.
Chỉ huy tàu HMAS Arunta của Hải quân Hoàng gia Australia là Tướng Troy Duggan cho biết, Australia sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ gắn bó với cả Mỹ và Nhật Bản nhằm đóng góp vào cam kết chung về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an ninh, ổn định và thịnh vượng.
Chỉ huy tàu JS Kirisame của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là Đô đốc Yokota Kazushi cũng nhấn mạnh, “Vì hòa bình và ổn định của khu vực, chúng tôi đang nỗ lực duy trì và phát triển khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Mối quan hệ đối tác vững chắc của chúng tôi chính là nền tảng. Bất chấp dịch Covid-19, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ tăng cường thêm quan hệ với các đối tác trong liên minh”.
“Hoạt động với các đồng minh thân thiết thông qua tập trận mà cụ thể là ở Biển Đông, chúng tôi thúc đẩy tính minh bạch, quy định của luật pháp, tự do hàng hải và hàng không, tất cả các nguyên tắc đảm bảo an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Do đó, tất cả các nước trong khu vực đều nhận được lợi ích”, Chỉ huy khu trục hạm USS John S. McCain, Tướng Ryan T. Easterday chia sẻ.
Trước khi tàu khu trục USS John S. McCain tập trận với hải quân Nhật Bản và Australia trên Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) cũng đã quay trở lại Biển Đông để tập trận cùng các tàu tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG 54) và tàu khu trục USS Halsey (DDG 97).
Trước đó, nhóm tác chiến tàu sân USS Ronald Reagan đã 2 lần tiến hành diễn tập ở Biển Đông trong tháng Bảy và Tám năm nay.
Tham gia đội hình của Hạm đội 7, tàu khu trục USS John S. McCain đang triển khai các sứ mệnh nhằm hỗ trợ quyền tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Hạm đội 7 hiện là lực lượng có số lượng tàu chiến đông nhất trong lực lượng hải quân Mỹ. Ngoài ra, Hạm đội 7 còn tương tác với lực lượng hải quân của 35 quốc gia khác để xây dựng mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy an ninh hàng hải, duy trì sự ổn định và ngăn chặn xung đột.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.
Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm.
Ngoài ra, quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.