Ngày 28/7, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đội đua Steelmate Racing chính thức ra mắt. Sau AKA Racing, đây là đội đua thứ hai đại diện cho Việt Nam tham gia giải đua xe đường trường xuyên quốc gia Asia Cross Country Rally (AXCR) 2023. Đội đua sử dụng Toyota Hilux 2015 được điều khiển bởi hai tay đua Phan Triệu Dũng Tâm và Vương Hữu Trí.
Anh Phan Triệu Dũng Tâm (giữa) là tay đua chính của Steelmate Racing tại AXCR 2023.
Cặp mũ bảo hiểm 100 triệu đồng và những thứ "đốt tiền" trong bộ môn thể thao đua xe
Để đủ tiêu chuẩn tham gia giải đua AXCR 2023, chiếc Toyota Hilux đời 2015 đã được nâng cấp rất nhiều phụ kiện theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA), từ hệ thống khung gầm, khung chống lật, phuộc, cho đến hệ thống treo và lốp. Xe do thợ Việt thực hiện từ tháng 4 năm nay, với thời gian thực hiện chủ yếu trong tuần, bởi vào mỗi cuối tuần, xe được mang đi thử nghiệm khả năng vận hành thực tế.
Thay vì sử dụng 4 cây phuộc như xe nguyên bản, xe đua của đội được nâng cấp 8 cây phuộc Profender. Nội thất đã được loại bỏ các chi tiết không cần thiết để xe nhẹ hơn và được trang bị thêm khung chống lật đạt chuẩn FIA. Ghế đua cũng được thay thế bằng loại ghế Racequip với hệ thống dây an toàn 6 điểm chuẩn FIA.
Chiếc Toyota Hilux 2015 tham gia giải đua AXCR 2023 của đội Steelmate Racing.
Tại buổi họp báo, anh Dũng Tâm, cho rằng: "Không có môn thể thao nào trên đời tốn tiền bằng đua xe. Thậm chí áp lực về tiền đôi khi còn lớn hơn áp lực về mạo hiểm".
Anh cho biết, FIA có những quy định, tiêu chuẩn về an toàn trong môn đua xe và đây là thứ “đốt tiền” nhiều nhất. Mũ bảo hiểm, ghế hay dây đai an toàn đều phải có tem FIA, tức là FIA đã kiểm định là đảm bảo an toàn để sử dụng trong hệ thống giải của họ. Những thương hiệu phụ kiện, đồ nâng cấp đạt tiêu chuẩn FIA thì sản phẩm chưa bao giờ rẻ.
Ví dụ như hai chiếc mũ bảo hiểm, đội đua tốn 100 triệu đồng. Hơn nữa, tem do FIA cấp có thời hạn. Cụ thể, mũ bảo hiểm của đội đua hiện tại có thời hạn 5 năm, dùng được 5 mùa giải AXCR. Trường hợp từ giờ đến 2028 mà không dùng đến, thì sau đó cũng không được sử dụng ở các giải đua của FIA.
Dù không tiết lộ chi phí cụ thể, anh Dũng Tâm dùng từ “tiền tỷ” để nói về chiếc xe đua của đội. “Chúng tôi cũng liều vì đây là cuộc chơi lớn và tiền để tham gia bộ môn đua xe không có giới hạn. Ví dụ như chiếc xe đua này, ngày mai đi chạy thử nghiệm nếu không may bị lật hay cháy rụi thì chúng tôi phải tiếp tục bỏ công sức, tiền bạc để làm lại một chiếc tương tự mang đi đua AXCR 2023. Bên cạnh đó là rất nhiều chi phí tốn kém khác”, anh Dũng Tâm nói.
Chọn Toyota Hilux vì bền và dễ tìm phụ tùng
Khi được hỏi vì sao chọn Toyota Hilux, anh Dũng Tâm thẳng thắn: “Giống như chơi bonsai, chọn xe đua phải bắt đầu từ việc lựa chiếc xe có 'phôi' tốt. Vì đây là giải đua khắc nghiệt nhất châu Á, đua một chặng đường rất dài từ Thái Lan tới Lào, nên chúng tôi ưu tiên một mẫu xe bền bỉ và dễ tìm phụ tùng”.
Thứ nhất, Toyota Hilux nổi tiếng bền. Thứ hai, phụ tùng của Hilux có sẵn ở mọi nơi, ở Thái hay ở Lào mua cũng dễ. Và thứ ba, đồ nâng cấp cho Hilux trên thị trường rất sẵn, ví dụ như hai thương hiệu lớn trong môn đua xe rally là Total Chaos và King luôn có sẵn hàng cho mẫu xe này.
Cụ thể hơn về lý do thứ hai, anh Dũng Tâm cho hay: “Với đội đua nhiều tiền, chuyên nghiệp, họ sẽ mua một đống phụ tùng dự phòng và vận chuyển theo đội đua. Còn chúng tôi là đội đua ‘nhà nghèo’, có dự phòng phụ tùng, nhưng chỉ ở mức cơ bản, không thể chuẩn bị nhiều như họ. Những phụ tùng chúng tôi dự phòng dựa theo kinh nghiệm của đội đua AKA Racing và các đội đua Thái Lan truyền lại”.
Anh Trương Quế Vượng, người trực tiếp nâng cấp chiếc Toyota Hilux, cũng chia sẻ: "Vì ưu tiên độ bền, máy móc và rất nhiều bên trong chiếc xe đều nguyên bản. Những gì đội nâng cấp chủ yếu để mang lại sự an toàn cho tay đua và chiếc xe".
“Xe được gia cố lại gầm, che chắn sắt-xi, khung xung quanh, hệ thống treo,... để vượt qua những địa hình khó mà mọi thứ vẫn nguyên vẹn. Đây là điều quan trọng nhất trên xe đua rally. Máy móc thì chúng tôi giữ ‘zin’, vì học hỏi từ các xe vô địch các năm trước, họ cũng giữ ‘zin’ động cơ. Và có một rủi ro khi độ động cơ là, trong trường hợp đang đua gặp trục trặc hay hỏng hóc thì rất khó tìm đồ thay thế. Có những món đồ nâng cấp động cơ phải đặt hàng 2 tháng mới có”, anh nói thêm.
Anh Dũng Tâm tiếp lời: “Đua rally xuyên quốc gia như thế này không phải vào cua, rồi thoát cua thật nhanh. Điều này đương nhiên mang lại lợi thế, nhưng không quá nhiều, mà bền bỉ mới thứ được ưu tiên. Hơn nữa, cái xe hiện tại đã vượt trình độ lái của bản thân tôi rồi. Tôi mới chạy thử được 150 km/h trên đường đất, mà đây là còn là quen đường rồi. Trong khi ở AXCR, ban tổ chức không cho các tay đua biết trước đường chạy. Có lẽ với các tay đua chuyên nghiệp, kỹ năng tốt hơn sẽ cần một chiếc xe mạnh hơn. Còn với tôi, chiếc xe còn nguyên vẹn để về đích là chiến thắng, bất kể hạng mấy. Còn không đến được đích, mọi thứ đều vô nghĩa”.
Về mục tiêu tham gia giải đua lần này, anh Dũng Tâm cho rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là nằm trong Top 20, cao hơn thì vui, nhưng không dám đặt mục tiêu quá xa vì hiểu thực tế rằng, vô địch không dễ. Năm 2022, đội Ralliart vô địch được vì họ có rất nhiều kinh nghiệm và được đầu tư khoảng 3,5 triệu USD, một con số rất lớn”.
Giải đua xe việt dã đường trường AXCR 2023 sẽ diễn ra trong 6 ngày, 13 - 19/8 tại Thái Lan. Đường đua năm nay gồm 6 chặng đua, tổng chiều dài gần 2.000 km, xuất phát từ Pattaya (Thái Lan) đến Pakse (Lào). AXCR được xem là giải đua danh giá hàng đầu châu Á, quy tụ hơn 50 đội đua đến từ các nước trong châu lục như Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia,...
Xem thêm hình ảnh chiếc Toyota Hilux 2015 của đội đua Steelmate Racing: