Đối đầu Trung – Mỹ gây nên chạy đua vũ trang ở Đông Á

Thu Thủy |

Ngoại trưởng Mỹ nói về quan hệ Trung-Mỹ: “Cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu khi phải đối đầu”. Cho đến nay, chưa thấy sự hợp tác giữa hai bên, nhưng cạnh tranh quân sự thì đã rất rõ ràng.

Chính quyền Joe Biden nhấn mạnh rằng khi chơi với Trung Quốc, phải “xuất phát từ địa vị của quyền lực”, bao gồm “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. “Quyền lực cứng” nói chung là chỉ sức mạnh quân sự.

Nếu đối đầu Trung-Mỹ là một cuộc chiến kéo dài, thì Mỹ cần phải duy trì ưu thế về sức mạnh quân sự. Những sai lầm trong việc xử lý vấn đề dịch bệnh và kinh tế đã khiến uy tín của ông Biden trong các cuộc thăm dò dư luận giảm mạnh, chính quyền Donald Trump trước đó đã chỉ trích chính sách Trung Quốc của ông Joe Biden là quá mềm yếu.

Mỹ tăng mạnh ngân sách Quốc phòng để duy trì "America First"

Ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018 và không sẵn sàng đàm phán với Nga để gia hạn Hiệp ước giải trừ vũ khí chiến lược mới (New START) đã ký năm 2010; vào tháng 8 năm 2019, Trump thậm chí rút khỏi Hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Liên Xô cũ.

Nguyên nhân ngoài cáo buộc Nga vi phạm hợp đồng còn muốn thoát khỏi những ràng buộc, để Mỹ có thêm không gian phát triển vũ khí nhằm đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy về quân sự.

Đối đầu Trung – Mỹ gây nên chạy đua vũ trang ở Đông Á - Ảnh 1.

Mỹ ngày càng tăng cường sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Ảnh: USNavy).

Sau khi nhậm chức, ông Biden đã cố gắng thay đổi hành động "nghỉ chơi quốc tế" của người tiền nhiệm.

Vào tháng 1 năm nay, ông đã ký luật gia hạn New START mới hết hạn thêm 5 năm, nhưng ông không từ bỏ việc duy trì "America First" về sức mạnh quân sự; chẳng hạn, ông đề xuất ngân sách năm 2022 là 6 nghìn tỷ USD, trong đó 715 tỷ sẽ được sử dụng cho quốc phòng, bao gồm cập nhật vũ khí hạt nhân, tăng cường thiết bị quân sự và công nghệ vũ trụ, v.v ...

Biden đặc biệt nhằm vào Trung Quốc và đã phân bổ hơn 5 tỷ USD cho “Pacific Deterrence Initiative” (Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương).

Trung Quốc hiện đại hóa quân đội trực tiếp đe dọa Mỹ

Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng "Cường quốc tất tiên cường quân” (Một quốc gia mạnh trước hết phải có một quân đội mạnh), vì vậy ông đã mạnh mẽ tiến hành hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Người ta ước tính rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc chiếm khoảng một nửa tổng số tiền chi tiêu của các nước châu Á, khiến sức mạnh quân sự của họ bao phủ toàn bộ khu vực và tạo thành mối đe dọa trực tiếp đối với địa vị chủ đạo truyền thống của Mỹ.

Gần đây, tờ Financial Times của Anh đã khiến quốc tế chú ý khi tiết lộ rằng Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh có khả năng hạt nhân lần thứ hai vào tháng 8 năm nay.

Tốc độ của tên lửa siêu thanh gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh, nhanh hơn và có thể điều khiển được, đồng thời có thể giảm xác suất phát hiện và đánh chặn.

Người ta nói rằng các quốc gia hiện đang dẫn đầu thế giới về các dự án vũ khí siêu thanh là Trung Quốc, Nga và Mỹ; những quốc gia khác như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên và Đức vẫn đang trong quá trình phát triển. Do đó, ông Biden đặc biệt lo lắng về sự phát triển của hệ thống vũ khí tiên tiến của Trung Quốc.

Đối đầu Trung – Mỹ gây nên chạy đua vũ trang ở Đông Á - Ảnh 3.

Với tư tưởng "Cường quốc tất tiên cường quân", sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã chủ trương đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội và Quốc phòng (Ảnh: Dwnews).


Cuộc chạy đua vũ trang Trung-Mỹ đã gây ra một hiệu ứng lan tỏa ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Bắc Á. Do bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan trong khu vực luôn được coi là hai điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chiến tranh.

Động lực của các nước láng giềng tăng cường vũ khí của họ là để đáp trả sự mở rộng quân sự của Trung Quốc hoặc để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và dựa trên nhu cầu của các vấn đề nội bộ và ngoại giao.

Đối mặt mối đe dọa, Nhật cũng gia tăng kinh phí Quốc phòng

Theo các nguồn tin nước ngoài, năm 2020 Nhật Bản đã đặt mua 105 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ với tổng chi phí khoảng 23 tỷ USD, đồng thời chi hàng triệu USD cho các loại vũ khí phóng từ đường không tầm xa.

Nhật Bản hiện đang phát triển một loại tên lửa chống hạm mới có tầm bắn lên tới 1.000 km. Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên vào ngày 8/10, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông sẽ sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia và chương trình quốc phòng, đồng thời sẽ tăng cường an ninh trên biển và năng lực phòng thủ tên lửa.

Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản có thể xúc tiến việc sửa đổi hiến pháp để thay đổi quy định tại Điều 9 của "Hiến pháp Hòa bình" và tăng chi phí quốc phòng của Nhật Bản lên hơn 2% GDP.

Đối đầu Trung – Mỹ gây nên chạy đua vũ trang ở Đông Á - Ảnh 5.

Nhật Bản đã hoán cải tàu đổ bộ trực thăng Izumo thành tàu sân bay đầu tiên có thể dùng cho máy bay F-35 cất, hạ cánh (Ảnh: Dwnews).


Nhật Bản là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ khiến Nhật Bản tổ chức lại sức mạnh quân sự trên danh nghĩa hợp tác "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" để thực hiện ước mơ trở thành một "quốc gia bình thường”, cũng giúp cho Thủ tướng Fumio Kishida tranh thủ được sự ủng hộ của các phần tử cánh Hữu trong nước.

Hàn Quốc chi cho Quốc phòng mức cao kỷ lục

Hàn Quốc là một đồng minh châu Á khác của Mỹ. Trước mối đe dọa từ Triều Tiên, Hàn Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng trung bình hàng năm từ năm 2020 đến năm 2023 là 7,5%.

Tổng vốn đầu tư cho Quốc phòng trong 5 năm dự kiến ​​sẽ đạt 241,8 tỷ USD, đạt mức cao kỷ lục. Hàn Quốc có các vũ khí và trang thiết bị chất lượng cao do Mỹ cung cấp, bao gồm hơn 2.000 xe tăng và hàng trăm máy bay chiến đấu F-5, F-15, F-16 và máy bay ném bom.

Trong kế hoạch Quốc phòng công bố năm ngoái, Hàn Quốc đề xuất kế hoạch đóng 3 tàu ngầm, đã nghiên cứu phát triển thành công tên lửa Hyunmoo-4 với đầu đạn nặng 2 tấn và tầm bắn 800 km.

Vào tháng 9 năm nay, một tàu ngầm của Hàn Quốc đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo, trở thành "quốc gia phi vũ khí hạt nhân đầu tiên" sở hữu loại công nghệ tên lửa này.

Đối đầu Trung – Mỹ gây nên chạy đua vũ trang ở Đông Á - Ảnh 6.

Tháng 9 vừa qua, Hàn Quốc đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (Ảnh: Newskks).


Triều Tiên liên tục có tên lửa mới

Triều Tiên từng là "chiến hữu cũ" của Trung Quốc, và sẽ không chỉ đóng vai trò là "người ngoài cuộc" trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ. Triều Tiên luôn sử dụng "màn trình diễn cơ bắp" của mình để thể hiện sự tồn tại của họ.

Tại lễ duyệt binh vào tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay, Triều Tiên đã lần lượt trình làng các vũ khí mới là tên lửa Pukguksong-4 và tên lửa Pukguksong-5.

Tháng 9 năm nay, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ phóng thử tên lửa, bao gồm tên lửa hành trình tầm xa mới, tên lửa đạn đạo cơ động trên đường sắt, tên lửa siêu thanh và tên lửa đất đối không.

Tại Triển lãm Phát triển Quốc phòng khai mạc ngày 11/10 năm nay, Triều Tiên đã tiết lộ một loại vũ khí mới bị nghi là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Theo Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo được nghi là phóng từ tàu ngầm vào vùng biển phía đông của Bán đảo Triều Tiên vào sáng ngày 19/10. Nếu thông tin trên là sự thật thì đây là lần bắn thử thứ hai loại tên lửa này của Triều Tiên sau 2 năm.

Đối đầu Trung – Mỹ gây nên chạy đua vũ trang ở Đông Á - Ảnh 8.

Tên lửa liên lục địa mới Pukguksong-4 của Triều Tiên (Ảnh: KCNA).


Đài Loan mua vũ khí Mỹ, chú trọng hơn tính hợp lý

So sánh sức mạnh quân sự hiện tại giữa hai bên eo biển cho thấy một khoảng cách rất lớn, nhưng Đài Loan không có nhiều tiền để tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với phía bên kia eo biển.

Cục trưởng An ninh Quốc gia Trần Minh Thông của Đài Loan tuyên bố tại cuộc điều trần trước Viện lập pháp: vì Trung Quốc đại lục không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, "Tất nhiên chúng ta phải chuẩn bị để tự bảo vệ mình. Chúng ta không tìm kiếm chiến tranh, nhưng phải chuẩn bị chiến tranh và tránh chiến tranh".

Đối đầu Trung – Mỹ gây nên chạy đua vũ trang ở Đông Á - Ảnh 9.

Hệ thống tên lửa phòng thủ cơ động Harpoon Đài Loan mới mua của Mỹ (Ảnh: Đông Phương).


Theo hãng tin Anh Reuters, vào năm ngoái Mỹ đã thông qua việc bán nhiều Hệ thống Tên lửa Phòng thủ bờ biển Harpoon và 4 máy bay không người lái cho Đài Loan với tổng giá trị 5 tỷ USD.

Tháng 8 năm nay, Mỹ đã chấp thuận việc bán 40 khẩu pháo tự hành M109A6 kiểu mới cho Đài Loan. Tổng giá pháo và đạn pháo là 750 triệu USD. Ngày 17/9, Đài Loan tuyên bố sẽ chi 8,69 tỷ USD trong 5 năm tới để nâng cấp hệ thống vũ khí và mua nhiều loại tên lửa mới sản xuất trong nước.

Việc mua vũ khí của Mỹ không chỉ để tăng cường khả năng răn đe quân sự của Đài Loan mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại