Su-35 sẽ giúp Không quân Ai Cập "tự tin" hơn?
Không quân Ai Cập (EAF) được biết đến với nhiều nguồn cung vũ khí trang bị, tuy nhiên loại tiêm kích hiện đại nhất của họ là F-16 do Mỹ sản xuất lại không trang bị các tên lửa tầm xa.
Điều này được lý giải là do là Mỹ muốn EAF không thể đe dọa và vượt qua sức mạnh của Israel. Việc làm này của Mỹ không khác gì "làm khó" Ai Cập, tức là "bán súng nhưng không bán đạn".
Vào cuối tháng 7/2020, lô tiêm kích đa năng Su-35SE (E miêu tả biến thể giành riêng cho Ai Cập) đầu tiên đã bắt đầu cuộc hành trình từ Viễn Đông Nga đến sông Nile.
Vào ngày 22/7, những hình ảnh về những chiếc Su-35 nói trên đã bị rò rỉ trên mạng xã hội, khi chúng đang được tiếp nhiên liệu tại thành phố Novosibirsk của Nga. Trang "Blog Defence" của Mỹ cho biết, các tiêm kích này được đánh số hiệu từ 9210 đến 9214.
Tiêm kích đa năng Su-35 số hiệu 9214 chuẩn bị bay tới Ai Cập (Nguồn: Twitter).
Ảnh vệ tinh chụp trước đó cho thấy, những chiếc Su-35 đã rời dây chuyền lắp ráp tại Nhà máy chế tạo máy bay Komsomolsk trên sông Amur từ tháng 5 đến tháng 6/2020.
Những bức ảnh mới nhất cho thấy, những chiếc Su-35 này được sơn ngụy trang tương tự MiG-29 được Nga bán cho Ai Cập vào năm 2015.
Khoảng cách từ Komsomolsk đến Novosibirsk là hơn 3.000 km, mặc dù là một chuyến bay đường dài, nhưng Su-35 không mang theo bình nhiên liệu phụ bên ngoài, đồng thời không thấy bất kỳ máy bay tiếp dầu nào bay kèm. Điều này chứng minh Su-35 có tầm bay rất xa.
Lịch sử quân sự Ai Cập đã "sang một trang mới" với Su-35 trùng với thời điểm cuộc xung đột ở Libya đang lâm vào thế bế tắc. Sự xuất hiện của tiêm kích hiện đại này đã khiến "không quân số một Châu Phi" tự tin hơn trước viễn cảnh xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra.
Sở hữu Su-35, EAF được "nâng tầm sức mạnh" ra sao?
Su-35 có lẽ là phiên bản nâng cấp cuối cùng của dòng Su-27 (Flanker) nổi tiếng và có biệt danh riêng là "Super Flanker" (tạm dịch: Kẻ chuyên thọc sườn).
Theo thông tin từ trang "Tạp chí quan sát quân sự" của Mỹ, Su-35 là loại chiến đấu cơ với tính năng kỹ chiến thuật chỉ đứng sau máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Được trang bị động cơ điều khiển vector lực đẩy, radar mảng pha Irbis-E và các thiết bị buồng lái được “thủy tinh hóa”, Su-35 được biết đến như là tiêm kích thế hệ 4++.
Su-35 được nhà sản xuất mô tả là chiến đấu cơ đa nhiệm, có thể đóng vai trò chiếm ưu thế trên không hay không kích các mục tiêu mặt đất, mặt biển bằng những vũ khí ngoài tầm nhìn.
Ai Cập đã trở thành khách hàng nước ngoài thứ hai sở hữu tiêm kích Su-35?
Ai Cập là quốc gia thứ ba được trang bị Su-35 sau Nga và Trung Quốc. Vào tháng 5/2020, Hãng tin ITAR-Tass đưa tin, việc sản xuất lô 5 chiếc Su-35 đầu tiên trong đơn hàng 20 chiếc của EAF diễn ra suôn sẻ.
Theo một số nguồn tin, Ai Cập dự tính sẽ mua từ 24 đến 31 Su-35 từ Nga. Công ty Rosoboronexport, phụ trách xuất khẩu vũ khí của Nga được cho là đã giành được hợp đồng trị giá khoảng 2 tỷ USD và việc giao hàng cho Cairo sẽ hoàn thành trước cuối năm 2023.
Trang "Tuần báo Arab" của Anh nhận xét rằng, Ai Cập đã từng là "đối tác" của Mỹ ở Trung Đông và từng dựa vào vũ khí Mỹ.
Tuy nhiên sau khi cuộc đảo chính năm 2013, mối quan hệ giữa Cairo và Washington dần "lạnh nhạt" và quân đội Ai Cập bắt đầu coi trọng việc đa dạng hóa các nguồn cung vũ khí.
Năm 2015, lần đầu tiên sau 40 năm Ai Cập đã mua vũ khí từ Nga với 48 tiêm kích MiG-29 và sau đó đặt mua 24 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp với tổng trị giá 6,8 tỷ USD.
Vào tháng 5/2020, có thông tin cho rằng Ai Cập đang tìm cách mua vũ khí của Italia và có thể tiêm kích Typhoon đã "lọt vào tầm ngắm".
Ai Cập đưa Su-35 vào trang bị cũng là một biểu hiện của sự gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự của Moscow ở Trung Đông. Lẽ tất nhiên là người Mỹ không thích thú gì điều này.
Vào tháng 11/2019, "Tạp chí Phố Wall" của Mỹ đã nhấn mạnh các đe dọa của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng nếu Ai Cập không hủy bỏ kế hoạch mua Su-35, Washington sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2020, Mỹ đã phê duyệt một kế hoạch trọn gói cho phép nâng cấp số trực thăng vũ trang AH-64 Apache mà Ai Cập đã mua từ Mỹ. Trang "Tin tức quốc phòng" của Mỹ chỉ ra rằng, động thái này cho thấy Mỹ và Ai Cập đã đạt được thỏa hiệp về vấn đề Su-35.
Mỹ và Ai Cập được cho là đã thỏa hiệp về thương vụ Su-35 bằng hợp đồng nâng cấp trực thăng vũ trang AH-64 Apache (Ảnh: Reuter).
Su-35 Ai Cập và cuộc xung đột ở Libya
Trước tình hình bất ổn cả trong và ngoài nước, Ai Cập đã tăng cường sức mạnh quân sự trong thời gian gần đây. Ngoài số Su-35 mới đến, EAF hiện đang có trong trang bị 5 tiêm kích đó là F-16 của Mỹ, MiG-29 của Nga, Mirage 2000 và Rafale của Pháp.
Với nguồn cung vũ khí đa dạng như trên, EAF được cho là sẽ phải "đánh vật" trong công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, cũng như việc phối hợp chỉ huy. Nhưng đánh giá tổng thể, khả năng răn đe quân sự của Ai Cập hiện thuộc hàng cao nhất trong khu vực.
Theo Al-Jazeera, với tư cách là những người ủng hộ các bên đối địch ở Libya, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng gần như ngay lập tức, Ankara tuyên bố rằng Quân đội quốc gia Libya (LNA) ở miền đông của đất nước phải rút lui hoàn toàn.
Điều này mâu thuẫn với các yêu sách của Ai Cập khi quốc hội nước này ủy quyền cho quân đội sẵn sàng vượt biên giới để hỗ trợ LNA khi cần thiết.
Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng nhấn mạnh rằng, Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở miền tây Libya và người bảo trợ Thổ Nhĩ Kỳ, không được phép chiếm Sirte, thành phố cảng chiến lược nằm ở trung tâm của đất nước Bắc Phi.
Nếu Ai Cập can thiệp vào cuộc chiến ở Libya và thậm chí xung đột trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, thì cuộc đối đầu giữa hai lực lượng không quân sẽ đóng vai trò then chốt.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, so với "chủ lực" F-16 Block 20/30/40/50/50+ của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF), Su-35SE vượt trội hơn về các chỉ số quan trọng như khả năng cơ động cũng như vũ khí tầm xa - điều này sẽ giúp EAF có được lợi thế chiến thuật trước TAF.
F-16 Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có bất cứ cơ hội chiến thắng nào trước Su-35 trong trường hợp đấu tay đôi. "Cửa tử" đã mở, xin mời các quý ông!
Xem Su-35 tập trận thả bom