Đối đầu Mỹ - Nga: Tiêm kích tàng hình F-22 "lấy thịt đè" Su-57 PAK-FA, chỉ thế là giỏi?

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến -Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Trong cuộc chiến của hai kẻ tàng hình được coi là mạnh nhất thế giới hiện nay, F-22 Raptor và Su-57 PAK-FA thì ai sẽ là người chiến thắng khi chúng không thể phát hiện ra nhau?

Đối thủ xứng tầm

Hai loại máy bay tàng hình xứng đáng là đối thủ của nhau nhất, đó là chiếc F-22 Raptor và Su-57 PAK-FA (tên cũ là T-50 PAK-FA). Trong đó F-22 đã được đưa vào biên chế của quân đội Mỹ từ năm 2005 và hiện có 178 chiếc đã được trang bị cho lực lượng không quân Mỹ.

Trong khi đó Su-57 thì mới qua giai đoạn thử nghiệm và đưa vào sản xuất loạt. Dự kiến không quân Nga đến năm 2020 sẽ được trang bị 12 chiếc.

Trước tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, F-22 và Su-57 có nhiều đặc tính xuất sắc; cả hai có thể bay với vận tốc siêu âm mà không cần bật chế độ đốt sau với tốc độ nhanh hơn gấp rưỡi tốc độ âm thanh.

Về tốc độ, F-22 có ưu thế hơn Su-57 (F-22 có tốc độ Mach 1.8; Su-57 có tốc độ Mach 1.6). Cả hai đều có thể hoạt động ở độ cao lên đến 19.800 m (65.000 feet), cao hơn F-35 Lightning.

Không chiến trong tầm nhìn, lợi thế thuộc về ai?

Su-57 là loại tiêm kích siêu cơ động, có khả năng thực hiện những động tác bay cực khó như ngoặt gấp, rắn hổ mang Pugachev's.

Điều này đạt được một phần nhờ sử dụng động cơ đẩy vectơ (TVC), miệng xả của động cơ phản lực Saturn AL-41F1S có thể di chuyển độc lập theo các hướng khác nhau để hỗ trợ việc cơ động; do vậy nó đã đem lại khả năng thao diễn tuyệt vời.

F-22 sử dụng động cơ vector hai chiều, chỉ có thể điều khiển lên và xuống, và nó là loại máy bay chiến đấu duy nhất của Mỹ có khả năng điều khiển siêu nhanh. Tuy nhiên nó không thể sánh được với Su-57 về khả năng cơ động.

Đối đầu Mỹ - Nga: Tiêm kích tàng hình F-22 lấy thịt đè Su-57 PAK-FA, chỉ thế là giỏi? - Ảnh 1.

Tính cơ động của máy bay mang lại lợi thế rất lớn trong chiến đấu, đặc biệt là trong không chiến quần vòng hẹp (WVR). Sự cơ động của máy bay sẽ giúp ích rất nhiều cho phi công trong lựa chọn góc tấn công; đồng thời có thể giúp máy bay tránh được tên lửa đang bắn tới.

Tuy nhiên, những động tác như vậy sẽ nhanh chóng tiêu hao lượng nhiên liệu của máy bay mang theo.

Các nhà quân sự Mỹ luôn nêu cao quan điểm tiết kiệm nhiên liệu để kéo dài thêm thời gian hoạt động trên không của máy bay; và trong vấn đề này, ưu thế lại nghiêng về F-22 hơn so với đối thủ Nga.

Về trang bị vũ khí trong tầm nhìn; khi chiến đấu trong tầm nhìn, máy bay chiến đấu tàng hình vẫn dễ bị tấn công bởi các tên lửa dẫn đường hồng ngoại. Nga có ưu thế về tên lửa tầm ngắn R-73 Vympel. Loại tên lửa này được thiết kế để sử dụng trong các cuộc không chiến tầm gần và nó có tính năng tuyệt vời so với các dòng tên lửa cùng loại của Mỹ.

Nó có thể được ngắm bắn qua màn hình hiển thị gắn trên mũ của phi công, cho phép phi công chỉ cần nhìn thấy máy bay đối phương và khóa chết mục tiêu, mà không nhất thiết máy bay phải hướng về phía mục tiêu.

Tuy nhiên, không quân Mỹ cũng đã triển khai loại tên lửa tương đương với R-73 đó là AIM-9X phiên bản cải tiến, được đưa vào trang bị năm 2004 và dự kiến F-22 sẽ có khả năng sử dụng loại tên lửa AIM-9X từ năm 2020.

Đến thời điểm Su-57 được đưa vào trực chiến, thì hai loại máy bay này sẽ được trang bị tên lửa tầm ngắn tương đương như nhau.

Đánh giá về khả năng không chiến trong tầm nhìn, thì ưu thế có phần nghiêng về Su-57 của Nga hơn với lý do đó là khả năng cơ động vượt trội so với F-22.

Không chiến ngoài tầm nhìn, ai là người chiến thắng?

F-22 là một máy bay chiến đấu có khả năng bộc lộ tín hiệu radar rất thấp (khả năng tàng hình – Stealth), chỉ khoảng 0,0001 mét. Trong khi đó, Su-57 có mặt cắt phản xạ tín hiệu radar lớn hơn rất nhiều, đến 0,1 mét ở bán cầu trước.

Ở bán cầu sau, diện tích phản xạ radar của Su-57 PAK-FA đến 1 mét; nguyên nhân là do Su-57 sử dụng động cơ vector có đầu phun ba chiều. Đây là nguyên nhân tăng diện tích phản xạ radar lớn của loại máy bay này.

Đối đầu Mỹ - Nga: Tiêm kích tàng hình F-22 lấy thịt đè Su-57 PAK-FA, chỉ thế là giỏi? - Ảnh 2.

Như vậy, về khả năng che dấu tín hiệu radar, Su-57 kém hơn so với rất nhiều so với F-22. Nhưng cũng không có nghĩa là F-22 có khả năng tàng hình toàn bộ trước Su-57; trong nhiều tình huống Su-57 sẽ vẫn có thể phát hiện được F-22.

F-22 và PAK-FA đều trang bị radar quét mạng pha điện tử tích cực AESA, một khi radar AESA N036 Byeka được trang bị trên Su-57 hoàn thành; nó có khả năng tàng hình, chống nhiễu cũng như chống chế áp điện tử rất tốt.

Hiện tại, các radar trang bị trên F-22 và Su-57 đều có thể phát hiện ra nhau trong phạm vi 50 km, mặc dù điều này vẫn gây tranh luận trong giới quân sự.

Su-57 tự hào với một hệ thống dò tìm hồng ngoại hiện đại (IRST) với phạm vi phát hiện tối đa đến 50 km; F-22 hiện không được trang bị. Trong chương trình nâng cấp được công bố mới đây, F-22 sẽ được trang bị hệ thống IRST, nhưng không sớm hơn năm 2020.

Tuy nhiên, để hệ thống hệ thống dò tìm hồng ngoại của Su-57 phát hiện được F-22 là việc khó khăn khi các các vòi phun động cơ của F-22 được thiết kế để giảm tối đa bức xạ nhiệt. Do vậy, hệ thống dò tìm hồng ngoại của Su-57 khó có cơ hội phát hiện ra F-22 bằng hệ thống này.

Hiện tại, động cơ của Su-57 chưa có được khả năng che chắn bức xạ nhiệt từ loa phụt; nếu F-22 được trang bị hệ thống IRST thì Su-57 sẽ rất dễ bị F-22 phát hiện. Còn hiện tại, chưa có gì có thể khẳng định ai sẽ bị phát hiện trước trong phạm vi ngoài tầm nhìn.

Su-57 cũng được trang bị radar L-band lắp trong cánh, theo lý thuyết sẽ có hiệu quả trong việc xác định vị trí chung của máy bay tàng hình.

Tuy nhiên, khả năng thật của chúng là khá hạn chế; radar không đủ chính xác để khóa mục tiêu và dẫn bắn cho các loại vũ khí trang bị trên máy bay. Đồng thời khi radar này hoạt động sẽ làm lộ vị trí của máy bay.

Hiện nay không quân Mỹ thường lấy các loại máy bay thế hệ 4 như F-15, F-16s để làm mục tiêu tập cho F-22. Để tiêu diệt các loại máy bay thế hệ 4, F-22 luôn sử dụng phương pháp không chiến ngoài tầm nhìn để phát huy tối đa năng lực tàng hình; đồng thời hiện tốt nguyên tắc chiến thuật của không quân hiện đại "thấy trước, bắn trước, thoát ly nhanh".

Nhưng khi F-22 và Su-57 đối đầu, do cả hai đều có khả năng tàng hình cao. Để có thể phát hiện ra nhau thì phải bay gần nhau hơn; lúc này tính cơ động lại được đề cao, và khả năng lại nghiêng về Su-57.

Về vũ khí không chiến ngoài tầm nhìn thì cả Nga và Mỹ đều trang bị cho loại máy bay tàng hình của mình những loại tên lửa không đối không tầm xa, dẫn đường bằng radar tiên tiến. Nga có tên lửa K-77M tiên tiến với tầm bắn lên đến 200 km và Mỹ có tên lửa Scorpion AIM-120D với tầm bắn khoảng 160 km.

F-22 có thể mang sáu tên lửa AIM-120D trong các khoang chứa vũ khí của nó, trong khi Su-57 chỉ có bốn; như vậy Su-57 kém hơn về số lượng vũ khí. Một cuộc đối đầu giữa hai loại này chắc chắn sẽ tiêu thụ nhiều tên lửa để có thể loại bỏ được nhau và ưu thế này lại thuộc về F-22.

Trong không chiến hiện đại, lý luận và thực tiễn đều chỉ ra đó là: Bên nào phát hiện ra đối phương trước và bắn trước thì bên đó sẽ giành phần thắng. Nếu xét toàn thể về tính năng của một loại máy bay tàng hình như F-22 và Su-57 thì lợi thế sẽ nghiêng về F-22 nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu của quân đội Mỹ mới đây cho thấy, việc phát hiện ra tín hiệu của máy bay tàng hình cũng không có nghĩa là tiêu diệt được nhau, bởi vì tín hiệu phản xạ radar của máy bay tàng hình thế hệ 5 rất thấp. Do vậy, khó có thể khóa và dẫn đường chính xác cho các loại tên lửa trên máy bay.

Đối đầu Mỹ - Nga: Tiêm kích tàng hình F-22 lấy thịt đè Su-57 PAK-FA, chỉ thế là giỏi? - Ảnh 3.

Các loại vũ khí mà tiêm kích Su-57 Nga có thể sử dụng.

 Ưu thế về lực lượng?

Trong thời điểm hiện tại, Su-57 chưa phải là đối thủ của F-22 nếu xét về mặt số lượng. Không quân Nga sẽ được bàn giao 12 chiếc vào năm 2020; trong khi đó không quân Mỹ đã được trang bị 178 chiếc F-22 và dây chuyền chế tạo loại máy bay này sẽ sẵn sàng khởi động lại sản xuất nếu thấy cần thiết.

Một số lượng nhỏ Su-57 không đủ thách thức với một lực lượng hùng hậu F-22, thậm chí là cả F-35. Điều này cho phép Mỹ có ưu thế về mặt lực lượng đối với Nga trong lĩnh vực máy bay tàng hình thế hệ 5 ít nhất là 20 năm nữa.

Trong thời điểm hiện tại, chương trình sản xuất Su-57 đã bị thu hẹp đáng kể so với những tuyên bố ban đầu? Điều đó có thể do chính thiết kế của Su-57 còn nhiều mặt chưa hoàn chỉnh, nhất là phần động cơ.

Chi phí phát triển tiếp tục phát sinh với một chương trình đầy tốn kém như vậy; trong khi đó, nền kinh tế Nga đang trong tình trạng suy thoái trong mấy năm gần đây, do chịu sự ảnh hưởng cấm vận của các nước phương Tây và giá dầu thô giảm. Do vậy số lượng sản xuất là bao nhiêu chiếc vẫn là một dấu hỏi lớn với Su-57.

Xem xét từ chính sách quốc phòng của Nga và tình hình kinh tế có thể thay đổi trong tương lai; số lượng máy bay Su-57 có thể sẽ được sản xuất nhiều hơn. Dự án chưa thể kết thúc và đóng cửa dây chuyền sản xuất như F-22 khi chỉ có 12 chiếc Su-57 được chế tạo, trong khi đó chi phí phát triển là rất lớn.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, chắc chắn một điều đó là sẽ có rất ít máy bay loại này được trang bị cho lực lượng không quân Nga; và số lượng đó khó có thể làm thay đổi cán cân lực lượng về không quân giữa Nga và Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại