Bản đồ Armenia, Azerbaijan, và khu vực Nagorno-Karabakh trước khi nổ ra cuộc chiến Karabakh lần 2 vào tháng 9/2020. Đồ họa: Drishti IAS.
Bước ngoặt sau gần 30 năm
Đối với những người ít chú ý đến khu vực này thì những diễn biến mới đây quả là nằm ngoài tưởng tượng.
Xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan vốn có những nguyên nhân sâu xa vô cùng phức tạp trong lịch sử (từ thời cổ đại cho đến thế kỷ 20).
Vào đầu thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ đã nổ ra cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần thứ 1 giữa một bên là Armenia và “Cộng hòa Artsakh” tự phong (được Armenia hậu thuẫn) với một bên là Azerbaijan. Khi cuộc chiến này kết thúc vào năm 1994, “Cộng hòa Artsakh” (không được phần lớn quốc tế công nhận) đã kiểm soát trên thực tế toàn bộ khu vực Nagorno-Karabakh (địa bàn có đa số người tộc Armenia sinh sống) và 7 vùng lân cận. Lúc đó, dù không muốn nhưng do thất bại về quân sự nên Azerbaijan đành ngậm ngùi ký vào thỏa thuận ngừng bắn.
Từ năm 1994, dù có thỏa thuận ngừng bắn nói trên, hai bên vẫn xảy ra các cuộc đụng độ dọc “đường kiểm soát thực tế” ở khu vực Nagorno-Karabakh (với những thương vong nhất định cho cả 2 phía). Tuy nhiên, đây chỉ là những va chạm nhỏ lẻ.
Xung đột giữa đôi bên gia tăng mạnh vào năm 2016. Sau cuộc chiến năm đó, tuy Azerbaijan giành thêm một phần nhỏ lãnh thổ nhưng tình hình trên thực địa về cơ bản vẫn giữ nguyên trạng như ngay sau năm 1994.
Trong thời gian từ năm 1994 đến 2019, ngoài việc ráo riết chuẩn bị binh lực, Azerbaijan chủ yếu dựa vào các biện pháp ngoại giao, pháp lý, và tuyên truyền để đòi lại các vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận thuộc về họ nhưng lại do người Armenia chiếm đóng. Nhưng các biện pháp này cũng không mang lại kết quả cụ thể nào cho họ trên thực địa
Thế nhưng đến năm 2020, tình hình diễn biến mau lẹ theo hướng có lợi cho phía Azerbaijan. Nhiều yếu tố thuận lợi cùng hội tụ nơi Azerbaijan: Tình hình nội bộ tương đối ổn định (so với nội tình Armenia), nền kinh tế mạnh hơn, dân số đông hơn đáng kể... Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ra mặt cho Azerbaijan trên nhiều phương diện thì Nga không còn mặn mà ủng hộ Armenia (do Armenia bắt đầu thân phương Tây hơn). Trong lúc đó, Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống quyết liệt. Trên thế giới, đại dịch Covid-19 đang hoành hành nặng nề, kể cả ở Armenia.
Bên cạnh đó, Azerbaijan đã sở hữu được một tập hợp hùng hậu nhiều máy bay không người lái ( UAV ) vũ trang vô cùng lợi hại. Kho UAV của Azerbaijan gồm loại mua của Thổ Nhĩ Kỳ và loại mua của Israel, tất cả đều tỏ ra hiệu quả trên chiến trường. Trái lại, Armenia có số lượng UAV ít hơn hẳn và đó chủ yếu là UAV trinh sát. “Artsakh” thì không có UAV mà chủ yếu dùng vũ khí truyền thống để đối phó với Azerbaijan.
Chớp lấy thời cơ, Azerbaijan đã hành động quyết liệt trên chiến trường.
Hiện trạng mới
Cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh đẫm máu lần 2 nổ ra vào ngày 27/9/2020 và kéo dài trong 44 ngày. Sau một tháng rưỡi, cục diện thay đổi theo hướng nhảy vọt ít người ngờ tới. Nếu Nga không can thiệp thì Azerbaijan đứng trước khả năng tái chiếm toàn bộ lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Trước thực tế đó, Thủ tướng Armenia phải chấp nhận ký thỏa thuận đình chiến vào đêm 9/11/2020 (thỏa thuận có hiệu lực từ rạng sáng 10/11/2020).
Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết bởi Thủ tướng Armenia, Tổng thống Azerbaijan, và Tổng thống Nga. “Cộng hòa Artsakh” không phải là một bên đàm phán và ký kết nhưng lãnh đạo vùng lãnh thổ ly khai này cũng ưng thuận với việc các bên kia ký kết thỏa thuận. Nga đóng vai trò trung gian chắp nối cho việc ký kết cũng như vai trò giám sát việc thực thi thỏa thuận đình chiến này.
Thỏa thuận 9/11/2020 đã cứu nguy cho “Cộng hòa Artsakh”. Tuy nhiên, nó vấp phải sự phản đối của một lượng đông đảo dân chúng Armenia (họ đã biểu tình đòi Thủ tướng Armenia từ chức). Nhưng thực lực hiện tại của Armenia không cho phép giới lãnh đạo Armenia làm khác.
Sau cuộc chiến Karabakh lần 2, Azerbaijan bằng vũ lực đã tái chiếm được bộ phận nhỏ lãnh thổ trong vùng lõi Nagorno-Karabakh và một bộ phận đáng kể lãnh thổ trong 7 vùng cận kề với Nagorno-Karabakh. Thỏa thuận đình chiến 9/11/2020 thừa nhận giữ nguyên trạng những lãnh thổ mà Azerbaijan đã tái chiếm được bằng vũ lực, đồng thời yêu cầu phía Armenia/“Cộng hòa Artsakh” phải trao trả nốt cho Azerbaijan những vùng còn lại trong 7 vùng lân cận đó. Đến tháng 12 này, phía Armenia hoàn thành việc bàn giao đó. Thỏa thuận cũng quy định về việc mở một hành lang đi xuyên qua lãnh thổ Armenia để nối vùng tự trị Nakhichevan (của Azerbaijan) với phần lãnh thổ chính của Azerbaijan. (Nakhichevan nằm ở phía tây của Armenia và trước kia được kết nối với phần chính của Azerbaijan thông qua lãnh thổ Iran).
Như vậy thỏa thuận 9/11 chứa các nội dung rất có lợi cho Azerbaijan và quốc gia này đã vui vẻ đón nhận thỏa thuận đó, coi đây là một thắng lợi lớn của mình. Tuy chưa phải là tất cả nhưng những điều mà dân chúng và lãnh đạo Azerbaijan mơ ước trong bao năm qua giờ đã đạt được. Có lẽ cùng vì lợi ích của Azerbaijan được bảo đảm đáng kể mà thỏa thuận đình chiến lần này bền vững hơn các thỏa thuận ngừng bắn trước đó. Tình hình Karabakh cơ bản yên ổn từ 10/11/2020 đến nay, dù thỉnh thoảng đôi bên có cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận đình chiến.
Có khả năng Nga cũng là một bên hưởng lợi lớn sau cuộc xung đột Karabakh mới nhất này. Việc Nga trì hoãn hành động vào đầu cuộc chiến Karabakh lần 2 đã tạo điều kiện cho Azerbaijan được thỏa mãn các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, đồng thời khiến giới lãnh đạo Armenia ý thức rõ hơn về vai trò thiết yếu của Nga đối với an ninh Armenia. Sau khi thỏa thuận 9/11 được ký, không tốn một viên đạn, bỗng dưng Nga đưa được quân vào vùng núi Nam Kavkaz chiến lược, còn hai nước Armenia và Azerbaijan ít nhiều đều ở vào thế nhờ cậy Nga.
Theo kế hoạch, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga trước mắt sẽ đồn trú ở Nagorno-Karabakh trong 5 năm tới.
Nguy cơ lớn vẫn tiềm tàng
Mặc dù tình hình Nagorno-Karabakh tạm yên nhưng nguy cơ xung đột lớn vẫn hiện hữu tại đây.
Thỏa thuận đình chiến 9/11/2020 không hề đả động đến quy chế chính thức cuối cùng cho vùng Nagorno-Karabakh, mà đây lại là điểm mấu chốt trong xung đột giữa người Armenia và người Azerbaijan. Do thỏa thuận 9/11 để ngỏ vấn đề này và yêu cầu duy trì hiện trạng nên nhiều khả năng “Cộng hòa Artsakh” sẽ tiếp tục tồn tại độc lập trên thực tế dù không được quốc tế công nhận.
Như đã nêu ở trên, hai bên sau ngày 9/11 vẫn thi thoảng tố cáo nhau vi phạm thỏa thuận.
Về phía Azerbaijan, họ đặc biệt khát khao đưa toàn bộ Nagorno-Karabakh về đặt dưới sự quản lý của mình, coi đó là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Azerbaijan. Mục tiêu “giải phóng” mà Azerbaijan nêu ra mới chỉ đạt được một nửa. Và họ đang có nhiều lợi thế để tiến sát mục tiêu này.
Trong khi đó, dân chúng Armenia bất mãn với thỏa thuận đình chiến mà họ xem là bất lợi cho nước họ. Người dân Armenia muốn Nagorno-Karabakh được độc lập cả trên khía cạnh pháp lý. Về lâu dài, họ cũng có thể mong muốn khu vực này sẽ được tích hợp vào Armenia dựa trên góc nhìn lịch sử của họ.
Năm 2021 sẽ tròn 30 năm vùng ly khai Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan. Những điều bất ngờ khác, do vậy, có thể đang ở ngay phía trước./.