Vùng đất Khe Mây, ở xã Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh) có khoảng 364 hộ trồng cam, với diện tích 350 hecta trên tổng số 400 hecta có thể mở rộng. Đây là “thủ phủ” cam tồn tại hàng chục năm nay, thơm ngon nức tiếng.
Ở vùng quê này ai cũng biết đến đồi cam Khe Mây của gia đình ông Đinh Văn Oánh (trú thôn 2, xã Hương Đô) với 2.000 gốc cam được sản xuất theo quy trình khép kín, mỗi năm cho doanh thu trên 6 tỷ đồng. Mặc dù giá cả bán đắt nhất vùng nhưng vẫn ùn ùn người đến mua bởi đây là đối cam được cho là ngon nhất huyện và an toàn.
Ông Oánh kể, cách đây hơn 20 năm ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Phương vào rừng núi Khe Mây khai hoang, cải tạo đất và bắt đầu trồng cam. Ông kể hồi đó có rất nhiều gia đình cũng vào khai hoang nhưng hầu hết đều bỏ cuộc vì không đủ độ kiên trì để bám nghề.
Mỗi cây cam được ông Oánh mắc cho một chiếc màn với giá 150 ngàn đồng. Vào thời gian đậu quả, những quả cam này sẽ ngủ trong màn để tránh sâu bọ đục khoét và để tránh sử dụng thuốc hóa học phun cam, gây hại với sức khỏe người tiêu dùng
Những chiếc màn bị rách, gia đình ông buộc các múi rách lại với nhau để vừa tiết kiệm được chi phí mua màn, vừa đảm bảo sâu bọ không chui vào cam để phá hoại.
Gia đình ông Oánh cho biết, bọ ngựa và các loài thiên địch tự sinh sôi ở vườn. Đây là mô hình vườn rừng nên những con thiên địch này rất có ích, nếu dùng hóa chất sẽ gây hại cho chúng. Bọ ngựa sẽ bắt côn trùng gây hại, ngoài ra còn có nhện sẽ giăng tơ bắt bướm có hại cho cam.
Do cam được “ngủ” trong màn nên sẽ hạn chế được các loài bướm chích hút
Hiện do tuổi cao nên vợ chồng ông Oánh đã truyền nghề cho 3 người con trai của mình, kế nghiệp bố mẹ
Người con cả Đinh Công Hữu Đức tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, về quản lý trang trại thay bố mình
Cam Khe Mây tận dụng được khí trời và nước trời. Gia đình ông từng đưa nước và điện lên núi để phục vụ tưới tiêu nhưng do độ chênh của dốc, điện nước yếu nên lượng nước đưa lên được rất ít
Vườn cam tận dụng nguồn kali tự nhiên từ mùn tro, phân gà ủ lên men. Phân bò và chế phẩm tricodemar ủ hoai mục cung cấp dinh dưỡng và cải tạo đất. Ban đêm vườn cam được bật điện sáng để chống bướm đêm.
Theo ông Oánh, địa hình vườn cam không bằng phẳng mà lồi lõm, nhờ đó tận dụng được khí trời, nước mưa... Ông mua cỏ vetiver về trồng tại vườn để chống xói mòn, tạo độ che phủ. “ Vườn cam phải có độ lồi lõm để tận dụng nước mưa, nhất là vào mùa khô những chỗ trũng sẽ tích được nước mưa. Vì địa hình ở đây đồi núi nên việc đưa nước lên tưới tiêu là rất khó, trong khi nước mưa là đạm của trời”, ông Oánh nói.
Ông nhặt những quả cam thối bỏ vào túi đưa về nhà, tránh hiện tượng gây nấm và côn trùng dẫn dụ phá hoại cam
Cam bắt đầu vào vựa và chín bói vào tháng 9
Cam Khe Mây chín có màu vàng ươm, mọng nước. Cam có vị ngọt thanh.
Trong khi cam ngoài thị trường bán giá 20.000 đồng/kg thì cam của ông Oánh được bán với giá 80.000 đồng/kg. Gia đình ông chủ yếu bán cho các doanh nghiệp làm quà tặng và những khách hàng tin tưởng về độ ngon, sạch. Cam Khe Mây Phương Oánh được đánh giá là đắt nhất huyện nhưng vẫn rất đông người đến mua. Đến nay, số lượng cam chín còn lại rất ít.
Vỏ cam được gia đình tận dụng làm mứt