Nửa cuối năm 2022, hoạt động kinh doanh của HAGL gặp khó khăn do giá heo hơi giảm, khiến cho lợi nhuận không đạt kỳ vọng. Hồi trung tuần tháng 1, nhiều trang thông tin cho biết HĐQT HAGL đã thông qua việc đăng ký mua 650.000 cổ phần trong số 5 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành thêm của Công ty cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai, tổng giá trị 6,5 tỷ đồng.
Sau khi Bapi HAGL hoàn tất phát hành tăng vốn, tập đoàn HAGL sẽ còn sở hữu 3,4 triệu cổ phần, tương đương 34% vốn và không còn là công ty mẹ.
Trong hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, bầu Đức cho biết Bapi HAGL ra đời để tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm HAGL làm ra. “Mà mình tôi thì ôm không xuể, và nói thẳng là làm đến nay tôi chưa thấy hiệu quả dù có sản phẩm riêng biệt”, ông Đức giải thích về kế hoạch bán bớt cổ phần ở Heo Bapi.
Không phải không có những hoài nghi về kế hoạch của bầu Đức, thậm chí nhiều người đã nhắc lại dự án trồng cao su, hay bán phân bò kiếm 1 tỷ đồng/ngày trước đây, nhưng câu chuyện HAGL và bầu Đức đưa ra đã tạo nên sức hút lớn với Heo Bapi. Dù kết quả có đúng như bầu Đức tuyên bố hay không, dễ thấy Heo Bapi vẫn thành công trong việc định vị được thương hiệu trong thị trường nhiều cạnh tranh. Ở khía cạnh truyền thông, đó là thành công lớn của bầu Đức và HAGL.
Nếu nhìn rộng hơn, có thể thấy dù là kinh doanh hay bóng đá , bầu Đức cũng như HAGL luôn rất biết cách “bán” các câu chuyện gắn liền với sản phẩm của mình. Ở đây nếu coi bóng đá là một sản phẩm để bán, thì các CĐV chính là “khách hàng” của HAGL và thứ bầu Đức “bán” cho người hâm mộ là “bóng đá đẹp”.
Xét về thành tích, lứa 1 Học viện HAGL-JMG của bầu Đức gồm các ngôi sao như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh…qua gần 10 năm chỉ ở tốp dưới. Tiền vệ Minh Vương đã có lúc lên trang cá nhân cám cảnh về việc “dành cả thanh xuân để trụ hạng”. Mùa giải 2019, CĐV HAGL thậm chí đã phản ứng với tuyên bố nếu đội bóng không thay đổi, họ sẽ từ bỏ.
Nhưng thực tế cho thấy, HAGL vẫn tạo được sức hút lớn với giới mộ điệu. “Câu chuyện” bầu Đức gắn với đội bóng của ông là thứ bóng đá đẹp, đá cho vui dù dân làng bóng ai cũng rõ, ông Đức là người rất khát thắng.
Hay như mới đây khi ký hợp đồng tài trợ với một nhãn hàng Thái Lan, HAGL cũng khiến vụ việc nổi như cồn thông qua cuộc xung đột với Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Mâu thuẫn được đẩy cao, dù vô tình hay cố ý, vẫn giúp doanh nghiệp Thái Lan hưởng lợi lớn trong cuộc cạnh tranh với chính một thương hiệu Việt ngay trên sân nhà của người Việt.
Với bóng đá, bầu Đức cũng được “định vị” trong mắt CĐV với những tuyên bố thẳng băng, nhắm thẳng vào VFF hay BTC giải. Không phải ý kiến nào của bầu Đức cũng xác đáng, nhưng quan trọng hơn, nó vẫn khiến giới hâm mộ bóng đá “sướng” tai. Nói không quá, bầu Đức và HAGL là bậc thầy trong việc “bán” những câu chuyện gắn liền với các sản phẩm của mình, một nghệ thuật không phải ai cũng giỏi khi làm kinh doanh.