Tổng thống Putin. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10 vừa qua đã lần đầu tiên công khai đề cập tới khả năng thành lập liên minh quân sự Nga - Trung. Cụ thể, trong một diễn đàn trao đổi với các chuyên gia trong nước và nước ngoài về các vấn đề của Nga, ông Putin đã nói rằng hiện tại Moskva chưa cần một liên minh quân sự, nhưng ông không loại trừ khả năng này.
"Về lý thuyết, điều này là hoàn toàn có thể", ông Putin nói.
Tuyên bố nói trên của nhà lãnh đạo Nga đã gây chú ý và khiến Mỹ, phương Tây phải "dè chừng", đặc biệt là khi nó được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quan trọng và chuyển giao quyền lực.
Về vấn đề này, báo Nikkei Asia (Nhật Bản) đã liên hệ với chuyên gia Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Carnegie Moscow và là một chuyên gia hàng đầu của Nga về lĩnh vực ngoại giao để hiểu rõ hơn về hàm ý ẩn sau thông điệp của ông Putin. Ông Trenin cũng là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng về Liên Xô cũ và Nga.
"Ý đồ" thực sự của ông Putin
Ông Trenin nhận định rằng ý định thực sự của ông Putin và Moskva khi đưa ra tuyên bố nói trên không phải nhắm tới Trung Quốc, mà là để "thử lòng" ông Joe Biden - người được Đại cử tri Đoàn xác nhận là tân Tổng thống đắc cử của nước Mỹ - cùng tân chính quyền Mỹ sắp được bổ nhiệm vào đầu năm tới.
Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Carnegie Moscow
Chuyên gia người Nga tin rằng thông qua phát biểu nói trên, ông Putin muốn "phát đi tín hiệu" nhắc nhở Mỹ chớ nên leo thang căng thẳng với Nga và Trung Quốc.
"Mặc dù Nga và Trung Quốc khó có thể thành lập một liên minh quân sự, nhưng ông Putin được trông đợi sẽ liên tục phát đi những tín hiệu nhắc nhở Mỹ nên cảnh giác về khả năng này, và Washington nên thận trọng hơn trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc", ông Trenin nói.
Khả năng Mỹ cải thiện mối quan hệ với Nga và Trung Quốc dưới thời chính quyền Biden được đánh giá là khá thấp. Ông Biden được cho là sẽ đưa ra những tuyên bố cứng rắn về những vấn đề mà chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Donald Trump dường như đã né tránh, như vấn đề nhân quyền và dân chủ hóa, trong khi "tiếp tục áp các đòn trừng phạt kinh tế đối với Nga vì nhiều nguyên do", ông Trenin nhận định rằng Washington sẽ yêu cầu Moskva phải đồng ý với những điều khoản nhượng bộ lớn nếu muốn Mỹ gỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Nga-Trung có bao nhiêu khả năng thành lập liên minh quân sự?
Chuyên gia Trenin cho rằng khả năng Nga và Trung Quốc thành lập một liên minh quân sự cũng rất thấp, bởi nhiệm vụ chính của Moskva là "duy trì vị thế độc lập trên trường quốc tế".
"Nếu căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Trung tiếp tục leo thang nghiêm trọng, khiến thế giới bị chia rẽ thành hai khối, Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia liên minh với Trung Quốc và trở nên phụ thuộc. Kịch bản này chắc chắn không phải là điều Nga mong muốn", Giám đốc Viện Carnegie Moscow bình luận.
Trong khi đó, nếu ông Biden có thể giảm căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, Moskva sẽ rơi vào thế khó: mối quan hệ của Nga và Mỹ - châu Âu sẽ tiếp tục "chua chát", nhưng Trung Quốc sẽ nghĩ lại về việc thắt chặt quan hệ với một nước Nga đang oằn mình hứng đòn trừng phạt của phương Tây. Trong kịch bản này, "Moskva sẽ phải đưa ra những quyết sách khó khăn cả về địa chính trị và kinh tế", ông Trenin nói.
Sau khi thu xếp ổn thỏa tranh chấp biên giới lâu năm ở vùng Viễn Đông, Nga và Trung Quốc đã thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược, và mối quan hệ này được ví như "kỳ trăng mật" của hai nước. Tuy nhiên, ông Trenin lưu ý rằng ông Biden coi mối quan hệ giữa hai nước Nga-Trung Quốc là "không tự nhiên và không bền vững".
Theo đó, tân tổng thống đắc cử Mỹ cho rằng "Trung Quốc chỉ đang lợi dụng Nga", ông Trenin nói.
Về quân sự - quốc phòng, nếu mối quan hệ giữa các nước Mỹ-Trung, Mỹ-Nga tiếp tục xấu đi, một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á có thể xảy ra, cụ thể là trong lĩnh vực tên lửa. "Cuộc cạnh tranh ở châu Á rất có thể sẽ nổ ra khi Mỹ muốn duy trì ưu thế quân sự của mình trước Nga và Trung Quốc", ông Trenin kết luận.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: