Đọc vị mãnh tướng trong "Tam quốc diễn nghĩa", hiểu 6 cấp độ của kẻ trí: Tào Tháo mới cấp độ 2, ai là số 1?

Như Nguyễn |

Cuốn sách tổng cộng xuất hiện hơn 30 vị chư hầu, những người này, đại khái được chia làm 6 cấp bậc. Con người ở các cấp độ khác nhau cũng sẽ có những kết cục khác nhau.

Kim Dung từng nói: Sức ảnh hưởng xã hội của "Tam Quốc diễn nghĩa" vượt xa giá trị văn học của nó.

"Tam Quốc diễn nghĩa" mô tả tất cả những cảm xúc của người anh hùng và mọi cái lý cái tình trên đời.

Những triết lý sống chứa đựng trong đó vẫn ăn sâu vào lòng người sau hàng nghìn năm.

Cuốn sách tổng cộng xuất hiện hơn 30 vị chư hầu, những người này, đại khái được chia làm 6 cấp bậc.

Con người ở các cấp độ khác nhau cũng sẽ có những kết cục khác nhau.

01

Viên Thuật, cấp 6

Anh em tương tàn.

Thời Tam Quốc, hai anh em Viên Thiệu và Viên Thuật, một người Nam một người Bắc, thực lực mạnh mẽ.

Ngay cả Đổng Trác cũng phải kiêng dè mà nói rằng: "Giết được hai anh em họ Viên, thiên hạ ắt phục."

Tuy nhiên, Viên Thuật là người hẹp hòi, kiêu ngạo và ngông cuồng, thường làm những việc có hại cho người khác, không có lợi cho bản thân.

Khi các chư hầu hợp sức đánh Đổng Trác, Viên Thuật đóng quân ở Nam Dương, phụ trách lương thảo. Lo lắng đồng minh Tôn Kiên công đánh Lạc Dương lập công đầu, Viên Thuật đã từ chối vận chuyển lương thực cho Tôn Kiên, khiến liên quân thất bại trở về.

Sau đó, Viên Thuật cấu kết với Lưu Biểu mưu sát Tôn Kiên.

Nhưng hành động này cũng khiến Viên Thuật mất đi đồng minh quan trọng nhất của mình và bị tấn công từ cả hai phía.

Là con cả trong gia đình, Viên Thuật ghen tị với người em thứ, Viên Thiệu, vì vậy, hắn tung tin đồn rằng Viên Thiệu không phải là hậu duệ của nhà họ Viên, không xứng thống lĩnh quân đội.

Viên Thuật thậm chí còn bí mật liên minh với kẻ thù của Viên Thiệu là Công Tôn Toản, tấn công quân đội của Viên Thiệu.

Cứ như vậy, các đồng minh của Viên Thuật lần lượt ra đi, ngay cả các quân sư của chính Viên Thuật cũng lần lượt đầu quân cho người khác.

Những người như Viên Thuật, thấy người khác thành công lập tức muốn chặn đường họ tiến về phía trước, mà không bao giờ nhận ra rằng chính điều này cũng đang phá hủy con đường phía trước của bản thân.

Cuộc sống là một vòng luân hồi, bạn đối xử với người khác ra sao, thế giới sẽ đối xử với bạn thế đó.

Đọc vị mãnh tướng trong "Tam quốc diễn nghĩa", hiểu 6 cấp độ của kẻ trí: Tào Tháo mới cấp độ 2, ai là số 1?- Ảnh 1.

02

Lữ Bố, cấp 5

Vì chữ "lợi", thanh danh ô uế.

Trần Thọ, tác giả cuốn "Tam Quốc chí", nhận xét về Lữ Bố rằng: "Lữ Bố có sự dũng cảm, nhưng không có cái mưu của người anh hùng, giảo hoạt và chỉ mưu đồ lợi ích."

Lữ Bố dũng cảm, vô song thiên hạ, tuy nhiên, trong dòng chảy của lịch sử, hắn lại từng bước thất bại.

Suy cuối cùng, vấn đề lớn nhất của Lữ Bố là ham cái lợi nhỏ hơn đại nghĩa.

Chỉ vì vàng bạc mỹ sắc, hắn liên tiếp giết cha nuôi Đinh Nguyên và Đổng Trác.

Năm Hưng Bình thứ hai, Lưu Bị nhân từ, thu nhận Lữ Bố đang tuyệt vọng, không ngờ Lữ Bố cấu kết với Viên Thuật, đâm sau lưng Lưu Bị, lợi dụng việc Lưu Bị rời thành chiến đấu với Viên Thuật, hắn chiếm được Từ Châu.

Sau đó, Lữ Bố đồng ý liên hôn với Viên Thuật, con gái cũng đã trên đường đi lấy chồng, nhưng vì nhận được phong thưởng của Hán Hiến Đế mà lập tức nuốt lời.

Lữ Bố có thể phản bội chủ nhân cũ của mình bất cứ lúc nào, hắn cũng có thể thất hứa bất cứ lúc nào, không có tình nghĩa đạo đức, người như vậy khó có thể có kết cục tốt đẹp.

Sau cùng, Lữ Bố bị Tào Tháo bắt, Tào Tháo vốn là người rất trân trọng nhân tài, nhưng khi nghĩ đến số phận Đinh Nguyên và Đổng Trác, ông vẫn quyết định giết Lữ Bố.

"Nhân vô tín bất lập, nghiệp vô tín bất hưng."

Thành tín là nền tảng của một con người.

Những kẻ tư duy ngắn, vì lợi nhuận mà đánh mất uy tín quý giá nhất của mình chẳng khác nào đang tự đào hố chôn mình.

03

Viên Thiệu, cấp 4

Canh cánh việc nhỏ, tiếc thân.

Viên Thiệu tuy chỉ là con thứ của nhà họ Viên, nhưng ông vào triều sớm và có được danh tiếng, nên đã được bầu làm thủ lĩnh liên minh đánh Đổng Trác.

Sau khi Đổng Trác chết, Viên Thiệu sở hữu quân đội với 400.000 lính, là chư hầu mạnh nhất lúc bấy giờ.

Đáng tiếc Viên Thiệu lại là kiểu người đối với việc lớn thì thiển cận, nhưng lại rất để tâm đến những chuyện nhỏ nhặt.

Năm Hưng Bình thứ hai, Hán Hiến Đế chạy trốn đến lãnh thổ của Viên Thiệu.

Quân sư lúc bấy giờ khuyên Viên Thiệu nghênh đón Thiên Tử, ắt sẽ được lợi sau này, nhưng Viên Thiệu lại chỉ một mực lo lắng quyền lực của mình sẽ bị phân tán.

Trong lúc do dự, Tào Tháo sai người đón Hán Hiến Đế đến Từ Đô vào ban đêm.

Nhìn Tào Tháo mượn uy Thiên Tử lệnh các quan thần, hạn chế các chư hầu, Viên Thiệu vô cùng hối hận.

Trong trận Quan Độ, quân sư Hứa Du đã chặn được lá thư thúc giục cung cấp lương thực của Tào Tháo, từ đó biết được rằng Hứa Xương trống rỗng, khuyên Viên Thiệu tấn công Hứa Xương vào ban đêm.

Nhưng Viên Thiệu lúc đó lại chỉ quan tâm đến bệnh tình của con trai út và không có hứng thú chiến đấu, chưa dừng lại ở đó, vì Hứa Du và Tào Tháo là người quen cũ nên Viên Thiệu nghi ngờ Hứa Du là gián điệp, Hứa Du thất vọng, quay sang đầu quân cho Tào Tháo, mọi bí mật quân sự cũng vì vậy mà được tiết lộ.

Sau cùng, một trận hỏa hoạn, đã thiêu rụi tâm huyết cả đời của Viên Thiệu.

Tào Tháo từng nhận xét về Viên Thiệu: Viên Thiệu hèn nhát, không quyết đoán, làm việc lớn nhưng lại tiếc mình, thấy lợi nhỏ liền liều mình, không phải là anh hùng.

Người làm việc lớn có cái nhìn đại cục, người làm việc nhỏ mưu lợi tính công.

Những người có trình độ tư duy cao nghĩ về những chiến lược có tầm nhìn lớn, trong khi những người có trình độ tư duy thấp chỉ lưỡng lự và vướng vào những vấn đề tầm thường.

Khi bạn do dự, chần chừ, người khác đã chạy trước bạn, nắm bắt cơ hội và giành thế chủ động.

Đọc vị mãnh tướng trong "Tam quốc diễn nghĩa", hiểu 6 cấp độ của kẻ trí: Tào Tháo mới cấp độ 2, ai là số 1?- Ảnh 2.

04

Lưu Bị, cấp ba

Cho đi điều gì, nhận lại cái đó.

Lưu Bị tay trắng làm nên sự nghiệp, từ dệt chiếu, bán giày cho đến cai trị, tất cả đều vì Lưu Bị "đắc nhân tâm".

Có thể nói, mỗi bước đi của Lưu Bị đều là minh chứng cho câu nói: Người có tâm thiện, ông trời ắt phù hộ.

Năm Sơ Bình thứ tư, Tào Tháo dẫn trăm vạn quân tấn công Đào Khiêm, lấy cớ báo thù cho cha, đi đến đâu xác chết xuất hiện tới đó.

Bị Tào Tháo uy hiếp, không chư hầu nào dám ra tay cứu viện, chỉ có Lưu Bị, không thể đứng nhìn cảnh dân chúng lầm than, đã dẫn hàng ngàn binh mã từ Thanh Châu tới tương trợ.

Đào Khiêm vô cùng ấn tượng trước đức hành của Lưu Bị và đã ban cho Lưu Bị vùng Từ Châu.

Đó cũng là lãnh thổ đầu tiên của Lưu Bị.

Từ Thứ khi đó là quân sư duy nhất của Lưu Bị, khi Tào Tháo đe dọa tính mạng mẹ của Từ Thứ để ép Từ Thứ gia nhập quân đội của mình, có người đề nghị Lưu Bị cứ kéo dài thời gian, đợi đến khi Tào Tháo giết mẹ Từ.

Nhưng Lưu Bị nhất quyết nói: "Ta không làm được mấy việc vừa bất nhân vừa bất nghĩa đó."

Chính vì Lưu Bị luôn nghĩ đến người khác nên sau này mới có câu chuyện "Từ Thứ về tiến cử Gia Cát" và "Từ Thứ tới doanh trại của Tào Tháo mà không nói một lời".

Trong trận Xích Bích, Từ Thứ làm nội ứng và giúp Gia Cát Lượng hoàn thành kế hoạch đốt cháy quân Tào.

Những người nên được việc lớn không bao giờ bám vào những cái được và mất trước mắt.

Những mất mát tạm thời không đại diện cho kết quả cuối cùng, nếu bạn kiên định với sự vị tha, bạn sẽ xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Lòng người vốn khó đoán, nhưng luôn có rất nhiều quan lại, tướng lĩnh đi theo Lưu Bị.

Dù liên tiếp phải chịu thất bại nhưng Lưu Bị là người có lòng vị tha và chân thành trong mọi việc mình làm, vì vậy ông giành được sự tôn trọng và ghi nhận của mọi người.

Gieo nhân nào gặt quả nấy, khi bạn cho đi sự tử tế, thứ bạn nhận lại sẽ là điều thiện lương.

Khi bạn đưa cho người khác "giọt nước", thứ mà người khác đáp lại rất có thể là cả một "suối nước".

05

Tào Tháo, cấp hai

Biển ôm hết sông, lồng ngực ôm cả thế giới

Trước trận Quan Độ, Trần Lâm được lệnh của Viên Thiệu viết một văn bản mắng mỏ Tào Tháo.

Khi văn bản đến tay Tào Tháo, ông yêu cầu cấp dưới đọc cho mình.

Những lời lẽ ác ý của Trần Lâm khiến người cấp dưới đổ mồ hôi như mưa, sợ Tào Tháo sẽ trách cứ mình.

Tuy nhiên, không ngờ Tào Tháo lại cảm thấy lời kêu gọi này được viết rất hay và ca ngợi Trần Lâm là một nhân tài hiếm có với tài năng văn chương xuất sắc.

Sau khi chiếm được Ký Châu, Tào Tháo không giết Trần Lâm để thỏa cơn hận mà nhận ông vào phục vụ trong phủ.

Giữa biển người rộng lớn, có người cùng chí hướng ắt sẽ có người không chung đường, nếu cứ luôn so đo tính toán, vậy thì kẻ thù chắc chắn sẽ nhiều hơn bạn bè.

Người có thể dung nạp người khác, có tâm có thể dung chứa trăm dòng sông, lòng người đương nhiên sẽ bị ấn tượng.

Sau trận Quan độ, khi kiểm thư của Viên Thiệu, Tào Tháo phát hiện ra rằng nhiều người trong quân Tào đang bí mật cấu kết với Viên Thiệu.

Nhưng thay vì tức giận, ông lại bình tĩnh yêu cầu người của mình đốt những lá thư đó trước mặt mọi người.

Tầm nhìn của Tào Tháo cũng cho phép ông thu phục được một số lượng lớn người dưới.

Người hẹp hòi tính toán trong mọi việc, không thể dung thứ thị phi nên khó nên được việc lớn.

Nếu bạn khoan dung, con đường sẽ ngày càng rộng mở; nếu bạn có tầm nhìn rộng hơn, cuộc sống sẽ trôi chảy và êm đềm hơn.

"Chiều rộng" của tâm trí một người là "chiều cao" của cuộc đời anh ta.

Đọc vị mãnh tướng trong "Tam quốc diễn nghĩa", hiểu 6 cấp độ của kẻ trí: Tào Tháo mới cấp độ 2, ai là số 1?- Ảnh 3.

06

Tư Mã Ý, cấp một

Nhẫn, nhẫn và nhẫn, kẻ chiến thắng cuối cùng.

Từ một quan chức nhỏ trở thành người có quyền lực lớn, Tư Mã Ý đã trải qua 41 năm im lặng và nhẫn nhịn, những gì ông trải qua nói với chúng ta rằng:

Chỉ khi bạn có thể chịu đựng được những gì người khác không thể chịu đựng được, bạn mới có thể đạt được những gì người khác không thể đạt được.

Năm Thái Hòa thứ tư, Gia Cát Lượng lại phái quân Bắc phạt, trên đường đi, quân của ông bất khả chiến bại, liên tiếp thắng trận, kiếm chĩa về thành Trường An.

Tư Mã Ý biết rất rõ Gia Cát Lượng mưu thâm, khó bị đánh bại nên đã áp dụng chiến lược phòng thủ, nhất quyết không xuất quân.

Dù quân Thục có sỉ nhục, mắng mỏ thế nào Tư Mã Ý cũng chịu đựng

Cho dù Gia Cát Lượng dùng váy phụ nữ để hạ nhục mình, Tư Mã Ý vẫn bất động.

Cuối cùng, đối đầu lâu ngày, Gia Cát Lượng làm việc quá sức bị bệnh và qua đời, Tư Mã Ý giành được thắng lợi hoàn toàn.

Tư Mã Ý dựa vào chữ "nhẫn" để giành lấy vị trí số một giữa loạn tam quân.

Vội vã thể hiện tài năng của bản thân trong chốc lát chỉ là cái dũng của một người bình thường.

Người có thể làm được việc lớn thì phải có một chút nhẫn nại, họ giống như nước tĩnh lặng và biển sâu, tưởng chừng như không có sóng nhưng lại tích tụ sức mạnh to lớn.

"Nhẫn" không phải là một loại hèn nhát, mà là một triết lý làm việc.

Trên thế giới này, dù muốn bảo vệ bản thân hay lập nghiệp, bạn cũng phải học cách kiên nhẫn.

Đọc "Tam Quốc diễn nghĩa" không chỉ để thưởng thức những chiến công anh hùng của Tam Quốc hay sống lại hành trình tranh bá của các anh hùng thời xưa, mà còn để nếm trải ý nghĩa đích thực của cuộc sống cũng như trau dồi tư duy trong bức tranh lịch sử đầy biến động.

Giữa dòng chảy của thời gian, giữa những câu chuyện đầy mùi đao kiếm, chúng ta học được cách làm người và làm việc, cách đối nhân xử thế của kẻ trí, để từ đó có thể tiến xa hơn, suôn sẻ hơn trong hành trình cuộc đời của chính mình.

Đây là ý nghĩa lớn nhất của Tam Quốc đối với người đọc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại