Dưới đây là nội dung bản ghi chú sâu sắc từ vị Chủ tịch Microsoft.
Ghi chú trên Facebook của Bill Gates.
"Cuộc bầu cử tổng thống đã lôi cuốn dư luận cả nước suốt thời gian qua. Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, các cuộc bầu cử sơ bộ thường tập trung nhiều vào tính cách các ứng viên hơn là chính sách họ đưa ra.
Trong khi các đảng còn đang lo tìm kiếm gương mặt đại diện cho họ mùa thu năm nay thì tôi lại hy vọng tất cả các ứng viên, dù ai lên làm Tổng thống cũng sẽ đồng ý với tôi điều này: Sức mạnh không gì sánh nổi của nước Mỹ chính là ở đổi mới sáng tạo.
Khi đầu tư vào đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ cho ra đời nhiều công ty, nhiều việc làm mới, tạo cho người dân một môi trường lành mạnh và an toàn hơn, cứu sống nhiều mạng người cũng như chống lại đói nghèo ở những vùng đất khó khăn nhất trên thế giới.
Đổi mới sáng tạo cũng trao cho các Tổng thống sau này những cơ hội vô giá giúp đỡ người dân của họ trên khắp cả nước cũng như trên toàn thế giới.
Hẳn nhiên năng lực đổi mới sáng tạo của người Mỹ không phải cái gì mới mẻ. Chúng ta đã có nhiều nhà phát minh nổi tiếng suốt hai thế kỷ qua, từ Benjamin Franklin, Margeret Knight cho đến Thomas Edison.
Đến thế chiến thứ hai, nước Mỹ đã đi đầu thế giới về công nghệ ô tô, hàng không vũ trụ, điện tử, y học và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Công thức thành công cũng không hề phức tạp: Đầu tư của chính phủ vào các viện nghiên cứu mang tầm quốc tế giúp sản sinh ra những công nghệ mới được các doanh nhân đưa vào thương mại hóa.
Thứ đáng bàn ở đây là nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, ngày càng có nhiều quốc gia vươn lên cạnh tranh ngôi vị số 1 thế giới của Hoa Kỳ.
Tinh từ năm 2000 cho đến nay, ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc (tính theo tỷ lệ % trên GDP) đã tăng 90%.
Trung Quốc thì gấp đôi số đó. Trong khi đó, ngân sách của chúng ta lại đang dần lao dốc. Thật tuyệt vời khi thấy các nước khác trên thế giới đang nhanh chóng thúc đẩy khoa học công nghệ ở nước họ, nhưng nếu muốn nước Mỹ duy trì vị thế hàng đầu, chúng ta cần thay đổi ván cờ của mình.
Ngân sách cho nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc tăng chóng mặt qua các năm (Đơn vị: % trên GDP).
Tôi từng tận mắt chứng kiến những tác động to lớn của các hoạt động nghiên cứu. Tôi cũng có may mắn được là một học sinh khi kỷ nguyên máy tính bắt đầu khởi sắc những năm 1960.
Thời đó máy tính còn rất đắt đỏ và không phải ai cũng có đặc quyền được sử dụng. Thế nhưng sau thời kỳ cách mạng vi xử lý khởi xướng từ hoạt động nghiên cứu của chính phủ Mỹ, cục diện đã thay đổi hoàn toàn.
Chính cuộc cách mạng này cũng cho phép Microsoft, công ty tôi đồng sáng lập, viết nên những phần mềm biến máy tính trở thành công cụ làm việc thiết yếu.
Rồi sau đó, Internet, cũng là một sản phẩm của các công trình nghiên cứu từ chính phủ Mỹ, được đưa vào và thay đổi thế giới một lần nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu thế giới vẫn có trụ sở tại Mỹ, và các bước tiến công nghệ họ tạo ra vẫn đang dần dần thay đổi mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta.
Dẫn chứng yêu thích của tôi là về sức khỏe. Các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực này đã tạo ra một loạt công việc thu nhập cao tại các trường đại học, các công ty công nghệ sinh học, các phòng thí nghiệm quốc gia cũng như những phương pháp mới chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư.
Sự đầu tư này cũng giúp kiểm soát các đại dịch nguy hiểm như Ebola hay Zika và cứu sống nhiều người tại các nước nghèo.
Từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm xuống hơn một nửa. Tôi nghĩ đây chính là con số thống kê tuyệt vời nhất mọi thời đại, và nước Mỹ xứng đáng nhận được sự tán thưởng cho điều này.
Những năm tới đây sẽ còn có nhiều bước tiến công nghệ đến với chúng ta hơn nữa. Với một chút may mắn chúng ta có thể sẽ xóa bỏ được bệnh bại liệt, một mục tiêu trong tầm tay với vắc xin các nhà khoa học Mỹ đang phát triển hiện nay (Bại liệt sẽ là căn bệnh thứ hai được nhân loại loại bỏ hoàn toàn sau bệnh đậu mùa năm 1979 – trong đó nước Mỹ cũng đóng một vai trò to lớn).
Cũng đã có những tiến triển đáng mừng trong công cuộc đẩy lùi bệnh sốt rét: số lượng người chết vì bệnh này đã giảm hơn 40% từ năm 2000 đến 2012 một phần nhờ nỗ lực của Hoa Kỳ trong các công cụ đột phá như thuốc hay màn ngủ.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các cơ hội này, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu sức khỏe cơ bản cũng như các lĩnh vực đặc thù như vắc xin.
“Kể từ thời Tổng thống Reagan cho đến năm nay, ngân sách dành cho các hoạt động nghiên cứu của DOE chưa hề được tăng lên chút nào.”
Năng lượng cũng là một ví dụ tuyệt vời khác. Các nghiên cứu được chính phủ Mỹ tài trợ đã tìm ra những công nghệ sản xuất năng lượng tối tân.
Những bước tiến mới nhất thuộc về năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cũng được phát triển nhờ ngân sách liên bang. Các nghiên cứu này đã giúp chúng ta thu về những lợi ích to lớn.
Từ năm 1978 đến 2000, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã dành 17,5 tỷ USD (tính theo tỷ giá hiện nay) vào nghiên cứu hiệu quả nhiên liệu hóa thạch, mang lại 41 tỷ USD lợi ích về mặt kinh tế.
Vậy mà kể từ thời Tổng thống Reagan cho đến năm nay, ngân sách dành cho các hoạt động nghiên cứu của DOE chưa hề được tăng lên chút nào.
Nếu đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực này, chúng ta có thể tạo ra rất nhiều việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng cũng như phát triển các công nghệ thay đổi thế giới trong khi chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu, thúc đẩy độc lập về mặt năng lượng giữa các quốc gia và cung cấp năng lượng giá rẻ cho 1,3 tỷ người nghèo vẫn còn đang sống trong tăm tối.
Hiện nay đã có rất nhiều động lực thúc đẩy nghiên cứu năng lượng sạch. Năm ngoái, lãnh đạo 20 nước, trong đó có Mỹ, đã cam kết nhân đôi ngân sách quốc gia cho các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Để tiếp sức thêm cho nỗ lực này, tôi đã thành lập Liên minh Năng lượng đột phá (BEC), một nhóm các nhà đầu tư độc lập cam kết sẽ hỗ trợ các công ty năng lượng sạch. Tổng thống tiếp theo của người Mỹ sẽ có cơ hội được thúc đẩy quá trình này.
Các ông chủ của Facebook, Virgin Group, Amazon và Alibaba cùng tham gia Liên minh Năng lượng đột phá BEC do Bill Gates khởi xướng.
Đầu tư vào các nghiên cứu và phát triển không phải chuyện chính phủ sẽ chọn ra ai thắng ai thua. Chính thị trường sẽ quyết định điều này.
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là đầu tư có giới hạn và mục tiêu rõ ràng nhằm tạo nền tảng cho các doanh nghiệp Mỹ cất cánh.
Đây sẽ là hướng đi cơ bản của các lãnh đạo Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ tới, và nó sẽ chỉ ngày càng quan trọng hơn trong những năm trước mắt.
Cuối hè này, các đảng chính trị sẽ phải lựa chọn lãnh đạo của họ và bắt đầu chạy đua cho cuộc bầu cử tháng 11 năm nay.
Các ứng viên được đề cử sẽ đưa ra tầm nhìn của họ cho nước Mỹ và phát triển lộ trình biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Những tầm nhìn này có lẽ sẽ có nhiều điểm khác nhau hơn là giống nhau.
Nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng dù các vị có định trước tương lai nước Mỹ ra sao thì đổi mới sáng tạo vẫn sẽ luôn là một phần thiết yếu trong tương lai đó."