Nghịch cảnh là những mảnh gốm
Tôi được giới thiệu cho một anh bạn người Pháp. Anh có sở thích kì lạ là đi tìm những món đồ bằng gốm đã nứt vỡ hay thậm chí đã tan nát thành nhiều mảnh để "vá" chúng lại.
Người ta thấy chuyện này thật kì quặc, dù anh có giải thích về nghệ thuật Kintsugi của người Nhật thì cũng ít ai thực sự chú tâm đến nó.
Rồi một ngày, anh đăng ảnh những tác phẩm của mình lên trên Facebook, những chiếc bát hay lọ gốm đầy những viền vàng, không có cái nào có vẻ là đồ phế thải, người ta lại quay ra nghĩ rằng những đường viền ấy là họa tiết nguyên bản. Anh kể, để tỉ mẩn ghép những mảnh vỡ ấy, anh đã mất cả 2 năm trời.
Đó là người thật sự thực hành môn nghệ thuật cổ của người Nhật Kintsugi duy nhất mà tôi biết. Kint có nghĩa là vàng, trong khi Tsugi có nghĩa hàn gắn.
Những món đồ hỏng, vỡ sẽ được hàn gắn bằng vàng một cách tỉ mẩn chi tiết, để không chỉ được tái sinh mà còn mang diện mạo mới. Không cái nào giống cái nào.
Thứ vô nghĩa như những thứ bỏ đi bỗng trở nên đẹp đẽ và lấp lánh nhờ thứ vàng được sử dụng trong quá trình phục hồi chúng. Anh bạn tôi tìm đến nghệ thuật này chỉ vì nó đẹp và hợp với tính cách tỉ mẩn, khép kín của mình.
Kintsugi từ góc độ tâm lý
Thoạt nhìn, “Kintsugi – Tái Sinh Vụn Vỡ” của tác giả Tomàs Navarro có thể giống một cuốn sách self-help, nhưng nếu đọc kĩ hơn, bạn sẽ nhận ra rằng mình đang học về một thứ nghệ thuật của sự cân bằng và chữa lành.
Tác giả Tomas Navarro là một nhà tâm lý học tài năng người Tây Ban Nha. Ông đã trò chuyện với rất nhiều người – bệnh nhân cũng có, bạn bè cũng nhiều.
Ông thấu hiểu về muôn hình vạn trạng của nỗi đau, để rồi đúc kết chúng như mô phỏng điển hình của nghệ thuật từ đất nước xa xôi như Nhật Bản.
Cuốn sách về tâm lí nghe có vẻ khô khan, nhưng Tomas biết cách khiến nó trở nên thú vị hơn bằng nghệ thuật kể chuyện và những ví dụ cụ thể, những hoàn cảnh cần được chữa lành, những phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng.
Bằng cách đọc những câu chuyện về tổn thương, mất mát hay vỡ vụn đến cùng kiệt mà một con người bình thường có thể trải qua, người đọc có thể nhận thấy sự tương đồng.
Rằng nếu không phải đối mặt với hoàn cảnh này ở thời điểm này, rất có thể họ đang trải qua hoàn cảnh khác ở một thời điểm khác.
Rằng không có ranh giới giữa những đớn đau tinh thần một khi bạn là một cá thể trong xã hội.
Vì thế, những biện pháp chữa lành được đề cập trong cuốn sách không hề thừa thãi chút nào dù để áp dụng với chính bạn hay với bất cứ ai khác xung quanh bạn.
Hàn gắn là cách tự yêu chính mình
Tôi thích cách tác giả ví von những tổn thương tinh thần chúng ta chịu đựng như những món đồ gốm, bởi điều đó là sự thật – chúng ta là những cá thể mỏng manh.
Đẹp và mỏng manh. Và vì vậy, "cả đồ gốm và cuộc sống đều có thể vỡ ra thành nghìn mảnh, nhưng đó không nên là lý do để ta dừng việc sống thật trọn vẹn, làm việc hết sức và nuôi dưỡng tất cả những hy vọng, ước mơ của ta."
Mỗi chương cuốn sách là một tình huống vụn vỡ: thất nghiệp, mất người thân, bị bệnh nặng, chia tay người yêu… đó đều là những nghịch cảnh có thể cướp đoạt tham vọng sống và kiếm tìm niềm vui của bạn.
Yêu bản thân không đồng nghĩa bạn phải nuông chiều chúng, mà là cho chúng những cơ hội để đứng dậy khỏi vấp ngã, chậm cũng được, miễn là bạn đang đứng dậy. Đó là thông điệp tổng quát nhất trong cuốn sách này.
Thử tưởng tượng bạn đang nâng niu một tác phẩm gốm sứ đã được phục chế, trầm trồ với vẻ đẹp mới của nó, để nó ở nơi có ánh sáng để màu vàng lấp lánh thu hút mọi sự chú ý.
Tôi nghĩ tình yêu chính mình nên giống như vậy, nó khác xa sự hoàn hảo, nó có quá nhiều khiếm khuyết và đã từng mang thân phận là món đồ bỏ đi vô dụng, nhưng trong quá trình chữa lành chính mình, bạn sẽ nhận ra mình mạnh mẽ, thô sơ và khiêm tốn thế nào.