GĐ truyền thông Đài quan sát khí hậu Brazil trả lời báo Việt Nam: Tổng thống chỉ đang dùng 'thuốc giảm đau' mà thôi!

Thanh An |

Thảm họa cháy rừng tại Amazon, Brazil hiện đang được xem là vấn đề toàn cầu, nó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nhân loại. Vậy đại diện của Brazil có những quan điểm như thế nào?

"Ở Việt Nam, các bạn cũng có những cánh rừng nhiệt đới tuyệt đẹp như Amazon. Và qua câu hỏi, tôi biết bạn đang hiểu tâm tư của tôi. Tôi đã từng sống ở 1 ngôi làng nhỏ trong rừng Amazon. Tại đó, con người từ chỗ choáng ngợp vẻ đẹp của tự nhiên, họ đã thực sự hạnh phúc trước sự rộng lượng của khu rừng.

Nhưng có một sự thật là phần lớn người Brazil hiện đại đã không còn quan tâm đến Amazon nữa, họ gần như cắt đứt mọi sự kết nối với rừng già. Thế nên họ chẳng buồn để tâm đến thảm họa, dù khu rừng đó có chiếm hơn nửa diện tích đất nước này…" - Claudio Angelo, Giám đốc Truyền thông, Đài quan sát Khí hậu Brazil đã chia sẻ với phóng viên những thông tin đầy bất ngờ từ chảo lửa Amazon.

PV: Xin chào Claudio Angelo, chúng tôi biết tình hình hiện nay khiến công việc của ông trở nên gấp gáp hơn rất nhiều, tuy nhiên vẫn mong ông có thể cập nhật nhanh thông tin về tình hình các vụ cháy rừng Amazon cho đến lúc này?

Ông Claudio Angelo: Cho đến ngày 25/8, đã có 80.000 vụ cháy xảy ra ở Brazil (theo cập nhật mới nhất, tính đến 30/8 con số này là 80.626 vụ). Con số này đã tăng 78% so với năm 2018. Tại các bang của Amazon, đã có đến 57.500 số vụ hỏa hoạn, tăng 104% so với năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 8, đã có 42.000 vụ cháy, 62% trong số này được diễn ra trong quần thể rừng mưa nhiệt đới Amazon.

GĐ truyền thông Đài quan sát khí hậu Brazil trả lời báo Việt Nam: Tổng thống chỉ đang dùng thuốc giảm đau mà thôi! - Ảnh 2.

Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó là cháy rừng.

Qua quan sát, chúng tôi tin rằng hầu hết trong số chúng lại là những khu rừng bị đốn hạ được đốt để dọn đất. Và những vụ cháy đó chính là được con người đốt rừng để tạo ra đất canh tác. Tất cả dữ liệu về các vụ cháy rừng chúng tôi đều cập nhật thường xuyên và sẵn có thông qua trang web của Inpe.

PV: Vậy tác hại của những vụ "đốt rừng để dọn đất" này là gì? Và đâu là nhân tố chính gây ra sự việc trên?

Ông Claudio Angelo: Hành động đốt rừng để dọn đất bùng phát đã khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Brazil trở nên trầm trọng. Thử tưởng tượng xem, 1 quốc gia có đến 60% diện tích là rừng mưa nhiệt đới, vẫn được coi là lá phổi của Trái đất mà lại đứng 7 trên thế giới về mức phát thải CO2. Thực tế, việc phá rừng, đốt rừng đang tạo ra 46% lượng khí thải CO2 cho toàn bộ Brazil.

Oái oăm thay, phần lớn chủ các trang trại và những người thu mua đất vốn không phải là người bản địa ở các khu vực rừng mưa lại là tác nhân chính tạo nên các vụ đốt rừng. Đầu tiên, họ sở hữu các khu rừng bằng nhiều cách. Sau đó, các khu rừng bị đốn hạ để bán gỗ lấy tiền, chờ thời cơ thuận lợi thì họ sẽ tiêu huỷ rừng.

GĐ truyền thông Đài quan sát khí hậu Brazil trả lời báo Việt Nam: Tổng thống chỉ đang dùng thuốc giảm đau mà thôi! - Ảnh 3.

Cách thức diệt rừng phổ biến ở Amazon như sau: Các xe chuyên dụng lớn được huy động đến san phẳng tất cả rồi đốt.

Tờ New York Times đã từng có một nghiên cứu qua hình ảnh vệ tinh, nó cho thấy tốc độ diệt rừng ở Amazon nhanh đến mức nào: "Bạn vừa nhìn thấy một khu rừng mưa, và vài ngày sau đó chỉ còn lại là một đại dương đậu tương".

PV: Tình hình khí hậu ở Brazil hiện nay đang thuận lợi hay khó khăn cho hoạt động dập tắt các khu vực bị cháy?

Ông Claudio Angelo: Thực sự là chẳng thuận lợi chút nào cả. Brazil bây giờ đang là mùa khô, gần như cả đất nước này đều nóng ran hết cả lên. Các cơn mưa dường như biến mất. Và một sự thật là chúng tôi còn chưa bước vào cao điểm của mùa khô. Cao điểm mùa khô ở Brazil là vào tháng Chín. Do đó, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều trước khi nó có thể tốt lên được chút nào đó.

GĐ truyền thông Đài quan sát khí hậu Brazil trả lời báo Việt Nam: Tổng thống chỉ đang dùng thuốc giảm đau mà thôi! - Ảnh 4.

Lượng mưa ít nhất xảy ra vào Tháng 9, trung bình trong tháng này là 94 mm. Vào tháng 6, lượng mưa đạt cực đại, trung bình là 351 mm. Sự thay đổi về lượng mưa giữa các tháng khô nhất và ẩm ướt nhất là 257 mm. Nguồn: en.climate-data.org

Đến giờ vẫn chưa ai thể nói được điều gì về tương lai.

Tổng thống Bolsonaro nói đã cử quân đội đến các khu rừng bị cháy. Nhưng giải pháp này chỉ như dùng thuốc giảm đau mà thôi. Nó có thể giúp giảm đi triệu chứng nhưng không thể trị bệnh tận gốc.

PV: Vậy đánh giá của ông về khả năng chấm dứt thảm họa này là như thế nào? Nó sẽ nhanh chóng hay sẽ còn lâu nữa để dập tắt được các đám cháy?

Ông Claudio Angelo: Vì thời tiết rất thuận lợi cho việc đốt rừng dọn đất, nên thật khủng khiếp khi mà các đối tượng phá rừng ở Amazon đều đang tranh thủ đốt những phần rừng đã bị chặt phá từ nhiều tháng trước. Điều đó mới thực sự là nguyên nhân chính gây nên thảm họa cháy rừng ở Amazon hiện nay.

Hơn thế nữa, năm 2019 được coi là năm mà nạn phá rừng ở Brazil trở nên bùng phát một cách rầm rộ nhờ các chính sách hủy diệt môi trường sinh thái của chính quyền Tổng thống Bolsonaro. Do đó, đến thời điểm này, chẳng có một ai ở Amazon chịu ngừng phá rừng cả. Nó sẽ chỉ dẫn đến một khả năng duy nhất là chắc chắn thế giới sẽ còn nhìn thấy rất nhiều đám cháy tiếp tục bùng lên mạnh mẽ cho đến tận cuối tháng 10, khi Brazil bắt đầu vào mùa mưa.

GĐ truyền thông Đài quan sát khí hậu Brazil trả lời báo Việt Nam: Tổng thống chỉ đang dùng thuốc giảm đau mà thôi! - Ảnh 5.

Tôi cũng muốn lưu ý rằng, biến đổi khí hậu đúng là đã góp phần khiến cho mùa khô ở rừng mưa nhiệt đới Amazon kéo dài hơn và khô hơn so với trước đây. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Brazil. Chúng tôi đã phải đối mặt với những đợt hạn hán nghiêm trọng trong vài năm qua. Những đợt hạn hán mà trước kia thường là phải 100 năm hoặc lâu hơn mới diễn ra một lần. Tuy nhiên, năm nay Brazil chưa phải nếm trải hiện tượng cực đoan nào.

Và do đó, biến đổi khí hậu rõ ràng không phải là thủ phạm của thảm họa cháy rừng Amazon năm nay. Vì thống kê về độ ẩm tương đối của không khí cho thấy, thời tiết 8 tháng qua ẩm ướt hơn năm 2018. Người ta không thể đổ lỗi về các vụ cháy rừng thời điểm này là do biến đổi khí hậu hay do tự nhiên được. Cách duy nhất để giảm số vụ cháy là ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp.

PV: Những giải pháp nào được cho là cần thiết vào lúc này thưa ông?

Ông Claudio Angelo: Phải có áp lực để chính quyền của Tổng thống Bolsonaro thay đổi toàn bộ cách tiếp cận chính sách về môi trường. Tài chính thì không thiếu - họ có 200 triệu đô la Mỹ từ Quỹ Amazon mà họ có thể sử dụng nếu tổng thống thực sự thấy cần thiết. 

Khi có được một nguồn tài chính vững vàng như thế này, chính phủ sẽ có thể dùng ngay để dập lửa và về lâu dài là chi trả cho các hoạt động kiểm tra môi trường. Tuy nhiên, số tiền này đang có nguy cơ bị đóng băng.

Đây lại là một câu chuyện dài. Quỹ Amazon là quỹ do Brazil quản lý, nhưng nguồn tài trợ lại là tiền từ Na Uy và Đức rót vào. Đầu năm nay, chính phủ đã cố thay đổi cấu trúc quỹ để kiểm soát được đầu ra của nguồn tiền. Tuy nhiên, các quốc gia tài trợ đã nói không với điều này. Và kể từ đó, quỹ bị đình lại.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cộng đồng quốc tế cũng cần phải dứt khoát "nói không" với các sản phẩm của Brazil được sản xuất tại các khu vực bị phá rừng bất hợp pháp hoặc các vùng đất bản địa bị xâm chiếm.

GĐ truyền thông Đài quan sát khí hậu Brazil trả lời báo Việt Nam: Tổng thống chỉ đang dùng thuốc giảm đau mà thôi! - Ảnh 6.

Người đàn ông làm việc trong một khu rừng vừa bị đốt và trồng trọt ở Iranduba, bang Amazonas, Brazil ngày 20-8-2019, Ảnh: Bruno Kelly/Reuters

PV: Vậy là các hoạt động thương mại bất hợp pháp hoặc buôn bán các sản phẩm bất hợp phát từ rừng Amazon cũng là tác nhân gây ra thảm họa cháy rừng hiện nay?

Ông Claudio Angelo: Đó là sự thật! Các nhà khoa học nghiên cứu dữ liệu hình ảnh vệ tinh từ các đám cháy trong rừng mưa Amazon cho biết, hầu hết các đám cháy đang cháy trên đất nông nghiệp nơi rừng đã bị chặt phá. Nông dân đốt rừng của họ như một cách giúp đất màu mỡ hơn. Đó là một tập quán lạc hậu lắm rồi mà thật buồn người dân vẫn áp dụng như là một hình thức sản xuất nông nghiệp phổ biến ở Amazon.

Cháy rừng và những đám khói mù mịt ở Brazil. Ảnh: Reuters-Getty

Trong một số trường hợp khác, người ta đốt những khu vực được bao phủ bởi rừng. Họ đốn hạ tất cả cây cối ở một khu vực rừng đã được chọn rồi đốt cây để bón cho đất và sau đó trồng cỏ. Trong trường hợp này, các đám cháy là giai đoạn chuyển đổi đất cuối cùng, nơi rừng được biến thành khu vực chăn nuôi gia súc.

Ở Brazil lúc này đang có rất nhiều chỉ trích hướng đến chính quyền Tổng thống Bolsonaro. Bạn thử tưởng tượng xem, Tổng thống và các thành viên khác trong chính phủ đã thường xuyên tranh luận chống lại các quy định về môi trường và đứng về phía chủ sở hữu đất đai mỗi khi họ vướng mắc với các cơ quan môi trường. 

Họ lập luận rằng: ở Brazil đã tồn tại đủ nhiều các khu vực được bảo vệ như là những vùng rừng nguyên sinh, hay đặc dụng… Họ cũng nói rằng Amazon "cần được phát triển". Giải pháp cho mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Amazon thời điểm này là cắt giảm ngày một nhiều các tiêu chuẩn về môi trường cho các hoạt động đầu tư khai thác khoáng sản, khai thác gỗ và kinh doanh nông nghiệp.

Một dải rừng rậm Amazon vừa bị thiêu trụi và sau đó, được dọn sạch bởi những người khai thác gỗ và nông dân ở Novo Airao, bang Amazonas, Brazil ngày 21 tháng 8 năm 2019. Bruno Kelly / Reuters

Cũng cần lưu ý rằng các cơ quan môi trường hiện tại đã suy yếu và sợ hãi. Ngân sách của Ibama (cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi và chống tội phạm môi trường) bị cắt giảm. Nhân viên bị sa thải. Đáng báo động là đã có nhiều nhân viên môi trường bị trừng phạt vì làm công việc của họ.

Trong khi đó, các sản phẩm chính từ Amazon được xuất khẩu ngày một nhiều hơn là khoáng sản và nông sản. Trung Quốc được xác định là một trong những nhà nhập khẩu đậu tương chính từ Brazil. EU cũng là một đối tác thương mại quan trọng. 

Khi các loại hàng hóa được sản xuất tại các khu vực bị phá rừng bất hợp pháp hoặc các vùng đất bản địa bị xâm chiếm vẫn được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường lớn trên thế giới, thì đừng hỏi vì sao rừng Amazon lại vẫn bị phá, bị đốt và bị cháy!

PV: Claudio, hãy chia sẻ với độc giả của chúng tôi về những cảm nhận của riêng ông về rừng mưa nhiệt đới Amazon?

Ông Claudio Angelo: Trong suốt 25 năm qua, tôi đã luôn dõi theo và viết về Amazon. Thậm chí, tôi đã từng có thời gian sinh sống tại Bang Acre (khu tiếp giáp với biên giới Peru), một khu vực của rừng mưa nhiệt đới Amazon. Bất kỳ ai, cũng sẽ như tôi thôi bị choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ của khu rừng này. 

Các bộ lạc truyền thống ở Amazon đều hạnh phúc trước sự hào phóng và rộng lượng của rừng già. Ở Việt Nam, các bạn cũng có rừng nhiệt đới tuyệt đẹp như vậy, và vì vậy các bạn hiểu những gì tôi đang nói.

GĐ truyền thông Đài quan sát khí hậu Brazil trả lời báo Việt Nam: Tổng thống chỉ đang dùng thuốc giảm đau mà thôi! - Ảnh 9.

Nhưng đáng lo ngại là hầu hết người dân Brazil hiện nay dường như không còn chút kết nối nào với rừng Amazon. Họ coi đó là một thứ gì đó rất xa lạ với họ, mặc dù khu rừng chiếm đến hơn nửa diện tích lãnh thổ của quốc gia.

Trong cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, tôi cho rằng như Amazon chính là trung tâm của thế giới. Nhưng thật đáng buồn. Con người đang không đủ khả năng và quan trọng là không đủ tình yêu, không đủ sự quan tâm đúng mức dành cho nó. 

Vô hình chung, chính con người với những đồng tiền của mình đã biến một Amazon vốn là bể chứa carbon khổng lồ, tức là một giải pháp tuyệt vời cho biến đổi khí hậu trở thành một chảo lửa khổng lồ phát thải carbon, tức là ngọn nguồn khiến cho biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.

PV: Rất cảm ơn những thông tin quý giá mà ông vừa chia sẻ! 

*Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ của Mạng lưới Báo chí Biến đổi khí hậu và Năng lượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại