Nhân dịp "Tây Du Ký" được phát sóng lại trên truyền hình, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài phỏng vấn độc quyền dàn diễn viên của bộ phim kinh điển này.
Đây là tuyến bài được phóng viên Trí Thức Trẻ thực hiện rất công phu từ Bắc Kinh - Trung Quốc, mang đến nhiều góc nhìn thú vị, kiến giải độc đáo và các bí mật chưa từng được hé lộ của những nhân thân thuộc với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả như Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng ...
Người ta thường nói vui rằng: Tây Du Ký 1986 có tới ba Đường Tăng, nhưng chỉ duy nhất Trì Trọng Thụy là lấy được chân kinh, tu thành chính quả.
Quả thực năm ấy, trong khi Uông Việt và Từ Thiếu Hoa lần lượt bỏ vai vì lý do cá nhân, thì chỉ có Trì Trọng Thụy là kiên trì bền bỉ, theo đoàn đóng đến tập phim cuối cùng. Ở ngoài đời, ông cũng là người được kính trọng và ngưỡng mộ nhất trong ba Đường Tăng vì tài năng, sự đức độ và cuộc sống giàu sang, sung túc.
32 năm kể từ ngày đóng Tây Du Ký, Trì Trọng Thụy nay đã là một doanh nhân thành đạt điều hành tập đoàn lớn của gia đình. Ông cũng là Uỷ viên thường trực Hiệp hội doanh nhân Hoa Kiều tại Bắc Kinh, phu quân của nữ đại gia giàu có bậc nhất Trung Quốc - Trần Lệ Hoa.
Đón tiếp chúng tôi tại Bảo tàng gỗ tử đàn lớn nhất Bắc Kinh - cũng là nơi ở của ông, Trì Trọng Thuỵ tâm sự, ông luôn dành cho Việt Nam một tình cảm sâu đậm. Có lẽ vì thế mà câu chuyện giữa chúng tôi và ông cũng trở nên cởi mở và thân tình hơn đã tưởng.
Clip "Đường Tăng" Trì Trọng Thụy gửi lời chào đến khán giả Việt Nam
Trong "Tây Du Ký", tôi là người thứ ba được đảm nhận vai Đường Tăng. Nhiều khán giả lầm tưởng rằng Đường Tăng chỉ do một người đóng thôi, nhưng thực tế có tới 3 diễn viên vào vai này.
Người đầu tiên là Uông Việt, anh ấy đóng được 3 tập thì muốn tham gia một bộ phim điện ảnh khác nên rời đoàn. Sau đó, đạo diễn Dương Khiết tìm được Từ Thiếu Hoa thay thế. Nhưng Từ Thiếu Hoa cũng chỉ đóng được 8 tập rồi rồi từ biệt Tây Du Ký để lên đường đi học đại học.
Đúng lúc đạo diễn Dương Khiết đang vô cùng lo lắng vì chưa tìm được ai vào vai Đường Tăng trong nửa phần phim tiếp theo, thì tôi tình cờ gặp được bà. Với tôi, điều đó giống như một phép màu vậy.
Nghệ sĩ Trì Trọng Thụy đón tiếp với phóng viên Trí Thức Trẻ tại Bảo tàng gỗ tử đàn cũng là nơi ở của ông tại Bắc Kinh.
Tôi nhớ hôm ấy, khi đi lướt qua đạo diễn Dương Khiết trên cầu thang, tôi bất ngờ bị gọi giật lại: "Đứng im". Tôi giật mình đứng lại, thì bà bảo: "Đi, theo tôi vào phòng kia, trong đó có đèn".
Khi đã nhìn rõ dung mạo của tôi, đạo diễn Dương Khiết hỏi: "Cậu ở đoàn nào, sao tôi chưa thấy cậu bao giờ". Tôi đáp bà rằng sau khi tốt nghiệp Học viện Hý kịch Thượng Hải, tôi vẫn luôn ở phim trường, đóng xong 3 bộ phim mới quay về đoàn làm việc, đúng ngày đến lĩnh lương thì tôi gặp bà.
Đạo diễn Dương Khiết liền ướm hỏi tôi: "Cậu có muốn vào vai Đường Tăng không?" Tôi ngạc nhiên: "Tây Du Ký đã chiếu trên tivi được hơn 10 tập rồi, sao giờ chị vẫn phải đi tìm Đường Tăng vậy?".
Bà bảo: "Nửa phần phim còn lại vẫn chưa thể quay, cả đoàn chúng tôi đều đang chờ đợi vì chưa tìm được Đường Tăng". Nghe vậy tôi liền nhận lời luôn: "Ôi, thế sao, tôi rất sẵn lòng".
Nhận lời đóng Đường Tăng, tôi phải đi xuống tóc và lên tạo hình nhân vật. Một tuần sau đó, tôi khoác lên mình tấm áo cà sa, cưỡi Bạch Long Mã theo đoàn phim Tây Du Ký hơn 100 người lên đường đi "thỉnh kinh".
Trải qua nhiều gian khổ và nỗ lực, đoàn phim của chúng tôi cuối cùng đã lấy được "chân kinh", 25 tập phim đã được hoàn thành để gửi đến khán giả.
Khi đảm nhận vai Đường Tăng, tôi cũng bị áp lực. Bởi bộ phim đã lên sóng hơn 10 tập, Đường Tăng của Từ Thiếu Hoa, Uông Việt cũng được khán giả công nhận và yêu mến.
Do đó, để có thể vào vai tốt nhất, tôi phải xem lại tất cả 11 tập phim trước đó, xem các diễn viên đóng Đường Tăng trước mình đã diễn như thế nào, ở họ có khía cạnh gì cần tôi bổ sung, hoàn thiện hơn.
Tôi nhận thấy rằng trong 10 tập phim mà tôi đóng, con đường lấy được chân kinh của Đường Tăng đã ngày một gần hơn. Vì thế con người, tính cách của Đường Tăng cũng có sự thay đổi, biến chuyển.
Ban đầu Đường Tăng còn sợ này sợ kia, nhưng sau khi phải trải qua nhiều gian khó hiểm nguy, Đường Tăng dần trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh hơn, ngày càng có khí chất của một cao tăng Đại Đường.
Trước đây, khi gặp phải yêu quái hay khó khăn gì, Đường Tăng động tí lại gọi: "Ngộ Không, Ngộ Không", nhưng sau này thì không còn như vậy nữa.
Ví dụ trong tập 20, Đường Tăng bị yêu quái bắt đi, nhưng không còn sợ hãi co ro một chỗ như trước kia, mà đi qua đi lại, tỏ ra phiền não: "Hài, sao lại để yêu quái bắt đi rồi". Đó là sự thay đổi trong con người Đường Tăng.
Tôi biết có nhiều khán giả không yêu thích, thậm chí là bực bội, ghét bỏ Đường Tăng vì cho rằng nhân vật này là kẻ nhu nhược, yếu đuối, lại hồ đồ tin lời yêu quái mà nhiều lần trách phạt oan Tôn Ngộ Không.
Nhưng thực sự trong 4 thầy trò, Tôn Ngộ Không là thần, Trư Bát Giới là thần, Sa Tăng cũng vậy, chỉ có mình Đường Tăng là người trần mắt thịt thôi. Vì là người phàm trần nên Đường Tăng đâu phân biệt được người và yêu quái, thế nên mới có chuyện trách lầm Tôn Ngộ Không.
Song tôi cũng thấy mình may mắn vì trong nửa phần phim còn lại, tôi không phải đóng những cảnh mâu thuẫn giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không.
Ví dụ tình tiết Đường Tăng trách mắng Tôn Ngộ Không trong tập Thật giả Mỹ Hầu Vương, hay tình tiết Đường Tăng vì hiểu lầm mà đuổi Tôn Ngộ Không về Hoa Quả Sơn trong tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh đều do Uông Việt và Từ Thiếu Hoa đảm nhận.
Có lẽ vì mối quan hệ giữa Đường Tăng tôi đóng và Tôn Ngộ Không đã hòa hợp và tốt đẹp hơn, nên tôi cũng ít bị khán giả "ghét bỏ" hơn (cười).
Không những thế, các cảnh quay giữa tôi và Lục Tiểu Linh Đồng cũng rất thuận lợi. Chúng tôi thường không phải luyện tập trước mà cứ thế đóng luôn, có nhiều cảnh chỉ cần một đúp là xong.
"Đường Tăng" Trì Trọng Thụy hào hứng tâm sự về vai diễn để đời của ông - Đường Tăng.
Nhờ hóa thân thành Đường Tăng mà tôi ngộ được ra rất nhiều điều. Tiểu thuyết Tây Du Ký vốn xuất phát từ trong truyền thuyết, nguyên mẫu của Đường Tăng là đại sư Huyền Trang.
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn, nhưng thực tế trên đường đi lấy kinh, những kiếp nạn mà đại sư Huyền Trang phải trải qua còn nhiều hơn gấp bội.
Bởi khi đó, ông chỉ có một mình đơn độc Tây du sang Ấn Độ chiêm bái Phật tích và nghiên tầm giáo lý. Con đường mà ông đi chính là con đường tơ lụa nổi tiếng mà chúng ta biết ngày nay.
Trên đường đi, Huyền Trang phải đi qua sa mạc, qua núi tuyết, rất gian truân và hiểm nguy. Nhưng bằng một cách thần kỳ, ông đã vượt qua trăm khó ngàn khổ, đến được Ấn Độ lấy chân kinh trở về.
Tôi cho rằng ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm đến cùng của Đường Tăng là điều hậu thế chúng ta phải học hỏi. Cùng với đó, nghị lực kiên cường, không chịu khuất phục trước gian khó, hiểm nguy của ông cũng khiến người đời sau phải nghiêng mình bái phục.
Sau khi đóng xong phim, các diễn viên Tây Du Ký có tập hợp lại thành một đoàn biểu diễn. Năm 1998, bốn thầy trò chúng tôi từng sang Việt Nam giao lưu, biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi còn nhớ khi đó khán giả Việt Nam cổ vũ màn trình diễn của chúng tôi rất nhiệt tình. Suốt tiết mục, tiếng vỗ tay giòn giã không ngớt. Khi chương trình kết thúc, chúng tôi lên xe về khách sạn. Rất nhiều bạn trẻ đã lái xe máy đi theo sau xe của chúng tôi về đến tận khách sạn.
Khi ấy, ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy đoàn người rất dài, giống như một con rồng lớn vậy. Cảnh tượng đấy đến nay tôi vẫn nhớ mãi không quên.
Sau này tại Bắc Kinh, tôi cũng nhiều lần được mời tham dự các hoạt động của đại sứ quán Việt Nam. Hoạt động nào có thể tham dự tôi đều tích cực tham gia, vì Việt Nam để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Bốn thầy trò chúng tôi thường tham dự các hoạt động này cùng nhau. Chúng tôi còn cùng nhau trò chuyện và dùng bữa với ngài đại sứ Việt Nam.
Nghệ sĩ Trì Trọng Thụy chia sẻ với phóng viên cuốn sách lưu giữ hình ảnh của ông thời đóng Đường Tăng.
Đã 32 năm đã trôi qua kể từ ngày Tây Du Ký lên sóng, khán giả hẳn rất muốn biết hiện tại những diễn viên của đoàn phim năm ấy đang làm gì, sống như thế nào. Thực ra hiện tại, bốn thầy trò chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc.
Tôi, "Tôn Ngộ Không" Lục Tiểu Linh Đồng, "Trư Bát Giới" Lưu Đức Hoa, trước có "Sa Tăng" Diêm Hoài Lễ, nhưng vì sức khỏe yếu anh Diêm Hoài Lễ đã qua đời hơn 10 năm nay rồi, sau này có thêm "Sa Tăng" Lưu Đại Cương đều rất thân thiết với nhau.
May mắn là bây giờ các phương tiện liên lạc cũng thuận lợi hơn trước, có thể gọi điện, nhắn tin bất kể lúc nào. Vì vậy, chúng tôi thường nhắn tin để trò chuyện, thăm hỏi nhau. Chúng tôi cũng tham gia nhiều sự kiện cùng nhau.
Ví dụ cách đây không lâu, "Tôn Ngộ Không" Lục Tiểu Linh Đồng và "Trư Bát Giới" Mã Đức Hoa ra sách, tôi đều đến tham dự họp báo ra mắt. Hai người họ còn khuyên tôi: "Sư phụ cũng nên viết sách đi", nhưng vì hiện tại công việc của tôi bận rộn quá nên vẫn chưa thể thực hiện việc này.
*CÒN TIẾP PHẦN 2...