Nội dung chính
- Phát hiện loài rắn mới trên hòn đảo của Việt Nam
- Loài rắn đang bị đe dọa bởi sự phát triển của ngành du lịch
Loài rắn mới vừa được giới khoa học công nhận
Theo bài viết được đăng tải trên News Observer ngày 5/12, hơn một thập kỷ trước, trong chuyến nghiên cứu tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Nick A. Poyarkov đã bắt gặp một loài rắn kỳ lạ. Ông chia sẻ trên Facebook vào ngày 4/12 rằng những con rắn mảnh mai, bí ẩn này đã hoàn toàn thu hút sự chú ý của ông. Mặc dù không phải là người yêu thích loài rắn, nhưng ông thừa nhận mình đã "phát cuồng" vì chúng.
Niềm đam mê với loài bò sát này vẫn theo đuổi ông suốt nhiều năm sau đó. Đến năm 2023, trong một chuyến khảo sát thực địa trên đảo Hòn Tre, một con rắn tương tự đã được phát hiện. Sau khi hợp tác nghiên cứu với các đồng nghiệp, Poyarkov nhận ra đây là một loài rắn hoàn toàn mới, khác với loài ông từng thấy 15 năm trước. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Herpetozoa vào ngày 4/12.
Loài rắn mới này có tên khoa học là Colubroelaps adleri, hay rắn hổ nước Adler, được đặt theo tên nhà nghiên cứu Kraig Adler của Đại học Cornell (Mỹ). Ông Poyarkov cho biết Adler là người đã tổ chức Đại hội Herpetologists Thế giới và có công lao to lớn trong nghiên cứu các loài động vật lưỡng cư, bò sát trên khắp thế giới khỏi sự lãng quên. Cá thể rắn được tìm thấy gần Trạm nghiên cứu Vịnh Đầm, nằm trong khu rừng khô ven biển hỗn hợp trên Hòn Tre, một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Loài rắn này được mô tả dựa trên một mẫu vật cái duy nhất được thu thập tại độ cao 30m so với mực nước biển. Colubroelaps adleri có thể phân biệt với loài Colubroelaps nguyenvansangi (loài duy nhất khác thuộc chi Colubroelaps) bằng một số đặc điểm hình thái. Đó là kích thước nhỏ hơn, đuôi ngắn, số lượng vảy lưng, bụng, vảy đuôi trên cơ thể có sự khác biệt…
Phát hiện này đánh dấu loài thứ hai được biết đến trong chi Colubroelaps và là ghi nhận đầu tiên của chi này ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ Việt Nam.
Rắn hổ nước Adler thuộc họ rắn nước và không sở hữu nọc độc.
Loài rắn này có vảy lưng xếp thành 14 hàng, có 6 vảy môi trên, vảy môi trên thứ ba và thứ tư nằm ở viền ổ mắt. Loài này cũng có 7 vảy môi dưới, vảy má, 234 vảy bụng, 30 vảy dưới đuôi (tất cả đều chia đôi) và tấm vảy hậu môn cũng chia đôi.
Màu sắc của Colubroelaps adleri cũng khá đặc trưng. Mặt lưng có màu nâu nhạt với một sọc tối hẹp và đứt đoạn dọc theo sống lưng. Hai bên sườn có màu xám đen, không có ánh xanh lam. Mặt bụng có màu trắng nhạt đồng nhất. Đầu có màu đen, mõm, vảy mũi, vảy trước trán, vảy trước mắt, vảy má và hai vảy môi trên phía trước, cũng như phần trước của vảy trên mắt và vảy trán có màu nâu vàng bẩn với các đốm nâu sẫm.
Mẫu vật dùng để mô tả loài có chiều dài gần 16 inch (khoảng 40cm), với phần đuôi tương đối ngắn. Việc tìm thấy loài rắn "cực kỳ khó nắm bắt" này được xem là một may mắn lớn, bởi chúng có lối sống đào hang và rất kín đáo.
Lo ngại về sự tồn tại của loài rắn hiếm này
Các nhà nghiên cứu lo ngại về sự tồn tại của loài rắn hiếm có này do con người. Poyarkov cho biết chưa ai từng ghi nhận loài rắn tương tự bên ngoài đảo Hòn Tre. Hơn nữa, các quần xã rừng ven biển độc đáo ở ven biển Nam Trung Bộ Việt Nam, đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa, đang bị đe dọa nghiêm trọng, chủ yếu do sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng du lịch.
Các nhà nghiên cứu cho rằng "loài rắn nhỏ bé đáng thương này khó có hy vọng tồn tại dưới áp lực ngày càng gia tăng". Đảo Hòn Tre là một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Nhóm nghiên cứu bao gồm Các nhà khoa học Việt Nam và Nga, bao gồm thạc sĩ Nguyễn Văn Tân (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng), Nikolay A. Poyarkov và Andrey M. Bragin (đều thuộc Đại học Quốc gia Moskva, Nga).
Với môi trường sống hạn chế trong khu vực rừng thứ sinh bị xáo trộn nặng nề trên đảo Hòn Tre, loài rắn mới này được cho là loài đặc hữu hẹp của đảo. Các nhà nghiên cứu đề xuất Colubroelaps adleri được xếp vào nhóm Nguy cấp (EN) theo Sách đỏ của IUCN.
Tổng hợp