"Bà Ba cho một tô hủ tiếu khô không giá", người phụ nữ cất tiếng gọi.
Đang ngủ trưa trên tầng lầu, bà Hồng bật dậy. Tay bà thoăn thoắt trụng bánh canh, xếp từng lát thịt mềm, rắc thêm hành phi. Bà chan nước dùng vào chén riêng, rưới ít hành tươi cho dậy mùi thơm.
Tô hủ tiếu khô bà Hồng chuẩn bị cho các vị khách
Bà đặt vào khay nhựa nhỏ có mắc sẵn dây, thả xuống vị khách đang ngồi chờ bên dưới. Người phụ nữ đón lấy, đem vào bàn thưởng thức. "Tôi đi Mỹ ba năm mới về thăm nhà, cứ nhớ hoài hương vị này", vị khách 65 tuổi nói.
Người ta gọi quán của bà là "hủ tiếu thả" độc lạ nhất Sài Gòn. Bởi lẽ, quầy nấu ăn được đặt ở trên lầu cách mặt đất 5 m. Quán chỉ có vài chiếc ghế, bàn, chứa khay gia vị, trà đá, sức chứa chưa đến 10 người.
Người ta gọi quán của bà là "hủ tiếu thả" độc lạ nhất Sài Gòn vì quầy nấu ăn được đặt trên lầu cách mặt đất 5 m.
Chủ quán là bà Nguyễn Thị Hồng (tên thường gọi là bà Ba) quê Trà Vinh. Nhà bà Hồng nằm ở chung cư nhỏ cạnh chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Bà mở quán năm 2000 chủ yếu bán cho tiểu thương và khách vãng lai đến chợ.
Bà chia sẻ: "Tui học nghề từ ông ngoại. Hủ tiếu mang hương vị miền Tây bởi nước dùng ngọt từ xương ống, cọng hủ tiếu mềm dai, thấm đẫm sốt gia vị, có chút ngọt ngọt". Ban đầu, bà nấu hủ tiếu bán dưới đất, nép trong con hẻm nhỏ ngay bên dưới chung cư mình ở.
4 năm trước, dịch Covid-19 căng thẳng bà mới nghĩ cách "thả" xuống cho khách dùng để tránh tiếp xúc. Dịch vừa dịu lại cũng là lúc sức khỏe bà yếu, chân đau, khớp thì "biểu tình" nên không thể lên xuống tầng lầu để bưng bê cho khách nữa. Bà duy trì cách "thả" hủ tiếu.
Bà Hồng mở quán bán hủ tiếu đã hơn 20 năm
Dụng cụ của bà là khay nhựa đặt vừa hai tô cùng cọng dậy thòng lọng dài tầm 5m. Khách đến sẽ gọi bà nấu xong sẽ thả xuống, sau khi ăn xong họ gom gọn để đặt lên khay, bà kéo lên nhà để rửa.
Do đó, hủ tiếu "thả" chỉ có vài chiếc bàn nhỏ, không có người bên dưới. Khách lần đầu đến cứ tưởng quán nghỉ bán nhưng hàng xóm thường chỉ họ cách gọi tên bà Ba.
Vài năm trước, người con gái làm cho bà biển hiệu nhỏ để người ta dễ tiếp cận hơn. Tuy vậy, bà vẫn giữ được sự mộc mạc của quán. Topping chỉ là thịt heo, thay vì phèo, gan, cật, tôm, bò viên như những quán hủ tiếu khác. Hương vị nguyên bản như 24 năm trước, lúc mở quán.
Bà chia sẻ: "Tôi nghĩ càng đơn giản càng ngon. Khách đến đây thích bởi nước dùng ngọt thanh. Tôi không sử dụng bột nêm mà ưu tiên vị ngọt từ xương". Mỗi tô bà bán giá 30.000 đồng.
Những tô hủ tiếu được chuyển đến tay khách hàng theo cách rất đặc biệt
Bà thường nói vui, khách đến quán là những người nhẫn nại bởi "nhân viên" chỉ có bà cùng cậu con trai 44 tuổi. Họ sẽ phải đợi bà làm từng tô, múc nước dùng nóng, trộn hủ tiếu rồi thả xuống thay, không thể tốc độ nhanh như những quán khác. Mặt khác, bệnh xương khớp khiến bà di chuyển khá chậm nhưng vẫn xuống tầng trệt trò chuyện, thăm hỏi khách.
"Tụi nhỏ đến ăn dễ thương lắm, chịu khó đợi. Tụi nó thấy đông quá thì tự lấy bàn trải ra ngồi hoặc đặt tiền lên khay cho tui kéo lên. Thấy bà già đi chậm nên cũng không hối. Người dân xóm này cũng hiểu, họ thường gọi điện thoại hoặc gọi to tên tôi để mua hàng", bà nói.
Tiệm hủ tiếu nhỏ tồn tại hơn chục năm đã nuôi ba người con của bà Hồng khôn lớn. Họ đã có gia đình và cơ sở làm ăn riêng, muốn bà nghỉ ngơi nhưng bà từ chối. Người phụ nữ mái tóc đã điểm bạc nói quán là niềm vui của bà. Mỗi ngày thấy khách ra vô, được trò chuyện với người này người kia.
"Người già ở không, nằm hoài sẽ bệnh. Tui đặt quầy nấu ở nhà nên có thời gian nghỉ ngơi, ngả lưng mỗi buổi trưa. Lúc trước bán ở dưới thì phải ngồi suốt để trông hàng", bà Hồng nói.
Do đó, bà vẫn duy trì thói quen thức sớm vào 4h30 mỗi sáng. Bà lấy xương ống, thịt tươi ra hầm. Mọi khâu như rửa rau, rửa chén, cắt thịt… đều một tay bà làm. Đúng 6h, vị khách đầu tiên sẽ đến gọi "bà Ba". Cụ bà 72 tuổi lại loay hoay bên quầy tới tận 18h nhưng trong lòng luôn rộn ràng niềm vui.
Bà Hồng tin rằng món ăn ngon được làm bởi những nguyên liệu ngon cùng sự tâm huyết của người nấu. Bà luôn chọn nước mắm loại ngon, xắt ớt cho vào hủ nhỏ, xếp gọn trên bàn. Bà cũng chuẩn bị thêm bình trà đá miễn phí cho khách dùng xong uống. Mỗi lần có tài xế giao hàng đi ngang xin nước, bà thường nói họ lấy thoải mái, kể cả khi không ăn hủ tiếu.
Sài Gòn luôn có những quầy hàng kỳ lạ cùng những con người hào sảng!