Độc lạ cách người trẻ Trung Quốc tiết kiệm tiền: Nhập vai thành "mẹ bầu, cụ bà giàu có và phi tần trong phim"

Trung Hạ |

Họ tưởng tượng mình đang mang thai và nuôi con, giả vờ thức dậy biến thành cụ bà giàu có trong viện dưỡng lão, thậm chí còn 'xuyên không' làm phi tần trong phim cổ trang...

Trên mạng xã hội Trung Quốc, có một nhóm các cô gái đang sống "nhập vai". Mục đích là để tiết kiệm tiền hiệu quả hơn. Theo chi phí của các nhân vật mình đang nhập vai, họ gửi tiền vào tài khoản mỗi ngày.

Thế hệ thanh niên mới ngày càng “nghiện tiết kiệm ”!

Giả vờ đang mang thai và lên kế hoạch nuôi con

Tiểu Đinh, sinh năm 2000, nhân viên văn phòng

Độc lạ cách người trẻ Trung Quốc tiết kiệm tiền: Nhập vai thành mẹ bầu, cụ bà giàu có và phi tần trong phim - Ảnh 1.

Khung cảnh nhìn ra từ từ văn phòng làm việc của Tiểu Đinh

Tiểu Đinh có lẽ là người đầu tiên nghĩ ra trò chơi tiết kiệm tiền bằng cách nhập vai tưởng tượng.

Tiểu Đinh thiết kế một cốt truyện xoay quanh việc “nuôi em bé” hàng ngày và làm theo cốt truyện này để gửi một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng.

Ví dụ, cốt truyện ban đầu là: "Tôi vô tình phát hiện ra mình cảm thấy buồn nôn và chậm đến ngày kinh nguyệt, vì vậy đã bỏ ra 30 NDT (hơn 100 nghìn đồng) để mua ba que thử thai hiệu khác nhau...". Viết xong cốt truyện này, Tiểu Đinh chuyển 30 NDT vào thẻ làm khoản tiết kiệm.

Tiểu Đinh nhận ra tầm quan trọng của việc có tiền trong tay từ rất sớm và đã có thói quen tiết kiệm tiền từ năm cuối đại học. Cô gái học chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Ninh Ba.

Gia đình Tiểu Đinh không thiếu thốn, tuy nhiên sau khi tốt nghiệp cô tự cảm thấy mình không thể xin tiền gia đình được nữa.

Trong thời gian 1 năm sau ấy, Tiểu Đinh vừa làm việc bán thời gian ở nhà vừa suy nghĩ xem mình muốn làm gì. Thu nhập chính đến từ công việc gia sư, cô cũng bán bóng bay và hoa vào ngày lễ tình nhân nhưng đều thất bại. Cô chỉ tìm thấy một công việc gần đây và đã bắt đầu có thu nhập ổn định.

Độc lạ cách người trẻ Trung Quốc tiết kiệm tiền: Nhập vai thành mẹ bầu, cụ bà giàu có và phi tần trong phim - Ảnh 2.

Một góc căn phòng thuê của Tiểu Đinh ở Ôn Châu

Tiểu Đinh đã bắt đầu sử dụng ứng dụng ghi chú thu chi hàng ngày để kiểm soát được dòng tiền ra vào túi.

Bắt đầu từ ngày 17/9, Tiểu Đinh đã đăng một bài lên mạng xã hội mỗi ngày để thể hiện việc “mình đang có thai”. Cùng với đó là những khoản phí phát sinh như ăn uống, khám thai, mua đồ dùng cho mẹ bầu… Và những khoản phí này đương nhiên chỉ thể hiện trên mặt chữ, và cô lấy nó để làm lý do để buộc mình phải gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm.

Phương pháp này thực sự đã giúp Tiểu Đinh tiết kiệm được nhiều tiền hơn trước.

Hơn 60 ngày kể từ bài đăng đầu tiên, Tiểu Đinh đã tiết kiệm được hơn 3.000 NDT (hơn 10 triệu đồng), có lẽ vào khoảng tháng 4 năm sau, cô sẽ sinh con. Tiểu Đinh bắt đầu lên kế hoạch cho việc nuôi dạy con cái, đồng thời tham khảo rất nhiều về chi phí để nuôi lớn một đứa trẻ. Đương nhiên, kế hoạch đó còn phụ thuộc vào thu nhập hiện tại của cô gái.

Tiểu Đinh mới có công việc chính đầu tiên ở Ôn Châu. Đến thành phố mới và sống một mình, ngoài việc đảm bảo nguồn tiết kiệm từ việc “giả vờ mang thai”, cô gái còn phải lên kế hoạch cho cuộc sống hiện tại. Cô đi bộ đến công ty vì đã thuê phòng trọ gần, học cách tự nấu ăn… Mỗi khoản chi đều được ghi chú đầy đủ hàng ngày.

Độc lạ cách người trẻ Trung Quốc tiết kiệm tiền: Nhập vai thành mẹ bầu, cụ bà giàu có và phi tần trong phim - Ảnh 3.

Bữa sáng riêng của Tiểu Đinh

“Trước đây tôi có thể tiêu tiền miễn là nó không vượt quá mong đợi tâm lý của mình, nhưng bây giờ tôi chỉ mua những thứ cần thiết. Ví dụ, trước đây tôi thích mua váy nhưng bây giờ tôi chỉ mua một hoặc hai bộ quần áo hàng ngày là đủ để thay.

Số tiền tiết kiệm được có thể dùng để tôi đi chơi và về lâu dài sẽ là tiền hưu trí.

Tôi thường đến chợ đầu mối Hàng Châu và Nghĩa Ô để quan sát người dân ở đó. Tôi có thể cảm nhận được bầu không khí tiền bạc ở đó. Tôi rất thích nơi này, có thể xem họ mặc cả, học cách làm ăn.

Nhưng nếu tôi không muốn làm công việc này nữa thì sao? Nếu tôi muốn buông xuôi nghỉ ngơi, hoặc nếu muốn bắt đầu kinh doanh nhỏ thì sao? Khoản tiết kiệm là niềm tin và tiền vốn của tôi”, Tiểu Đinh tâm sự.

Tưởng tượng làm phi tần trong phim cổ trang

Diệp Diệp, sinh năm 2004, sinh viên đại học năm thứ hai

Độc lạ cách người trẻ Trung Quốc tiết kiệm tiền: Nhập vai thành mẹ bầu, cụ bà giàu có và phi tần trong phim - Ảnh 4.

Diệp Diệp đang học đại học ở Hàng Châu và thỉnh thoảng tiết kiệm tiền để đi du lịch khắp nơi cùng bạn bè

Lần đầu tiên Diệp Diệp gặp khủng hoảng về tiền bạc là khi còn là sinh viên năm nhất. Một đêm nọ, bạn cùng phòng đột nhiên phải đến bệnh viện vì cấp cứu. Lúc đó bệnh viện cần thanh toán ngay nên những người bạn cùng phòng đã giúp cô ấy trả tiền trước.

Diệp Diệp cảm thấy mình phải dự trữ sẵn một số tiền khẩn cấp và dần hình thành thói quen tiết kiệm tiền.

Một ngày nọ, Diệp Diệp thấy rất thích thú với một bài viết về việc tiết kiệm tiền bằng cách nhập vai, có người giả làm Chân Hoàn để tiết kiệm.

Dựa vào chi phí sinh hoạt cố định hàng tháng ở Hàng Châu là 2.000 NDT (hơn 6,7 triệu đồng), Diệp Diệp quyết định giả làm An Lăng Dung (nhân vật có gia cảnh nghèo khó) trong "Chân Hoàn truyện".

Độc lạ cách người trẻ Trung Quốc tiết kiệm tiền: Nhập vai thành mẹ bầu, cụ bà giàu có và phi tần trong phim - Ảnh 5.

Hình ảnh phi tần trong phim "Chân Hoàn truyện"

Diệp Diệp bắt đầu viết truyện nhập vai khi An Lăng Dung vào cung tranh sủng, mỗi ngày tiêu rất ít tiền, chẳng hạn như gọi xe ngựa là 10 NDT (hơn 33 nghìn đồng)... Chi tiêu bao nhiêu, cô sẽ chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm bấy nhiêu.

Ngoài sự gần gũi về kinh tế, Diệp Diệp còn nhận thấy tính cách hướng nội, nhạy cảm và tự ti ở An Lăng Dung giống như cô.

Từ khi nhập vai thành An Lăng Dung, việc kiên trì tiết kiệm dễ dàng hơn vì rất nhiều người đang chờ Diệp Diệp cập nhật tình hình trên mạng xã hội.

“Những người bình luận đều là con gái, họ đều là sinh viên đại học như tôi hoặc nhân viên bình thường. Họ không có gia thế, cũng không có ngoại hình nổi bật như Chân Hoàn, mọi người đều thích An Lăng Dung. Nhập vào vai diễn này, tôi như nhìn thấy cái bóng của chính mình”.

Chơi trò nhập vai An Lăng Dung, Diệp Diệp có thể tiết kiệm được vài chục NDT mỗi ngày, con số chẳng đáng là bao, nhưng nó là cả vấn đề đối với một sinh viên đại học như cô.

Giả vờ đang dưỡng lão, an hưởng tuổi già sung túc

Thư Minh, sinh năm 1996, có kinh nghiệm 5 năm làm trong ngành truyền thông, mới chuyển sang làm môi giới bảo hiểm

Độc lạ cách người trẻ Trung Quốc tiết kiệm tiền: Nhập vai thành mẹ bầu, cụ bà giàu có và phi tần trong phim - Ảnh 6.

Chỗ ngồi làm việc của Thư Minh

"61 tuổi, không con, chỉ có một con chó, chi tiêu hào phóng...". Việc làm một cụ bà giàu có trong viện dưỡng lão luôn là lý tưởng của cuộc đời Thư Minh.

“Trên thực tế, tôi luôn có chút lo lắng khi nghỉ hưu. Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ phải đối mặt với tình trạng bị cắt lương hoặc không có việc làm. Quan sát bố mẹ, tôi thấy họ không phải lo lắng về điều này vì họ đã nghỉ hưu và có lương hưu cố định, tôi vừa ghen tị vừa lo lắng.

Tôi đã làm việc trong lĩnh vực truyền thông mới được 5 năm. Lúc đầu tôi ở Hàng Châu, sau đó đến Thâm Quyến. Đó là một công việc rất tốn thời gian, dễ dàng bị thay thế bởi AI và những người trẻ tuổi.

Tôi và bạn bè luôn nói rất muốn nghỉ hưu ngay và luôn. Nhưng nếu già đi và không có tiền trong tay, lo lắng sẽ xuất hiện”, Thư Minh nói.

Vì vậy, khi lần đầu tiên Thư Minh nhìn thấy nội dung như "Giả vờ tiết kiệm tiền bằng XX" trên Xiaohongshu (nền tảng đăng tải hình ảnh của Trung Quốc), suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là tại sao không giả vờ tiết kiệm tiền để nghỉ hưu? Vì già đi là điều không thể tránh khỏi, sớm hay muộn nó cũng sẽ đến.

Độc lạ cách người trẻ Trung Quốc tiết kiệm tiền: Nhập vai thành mẹ bầu, cụ bà giàu có và phi tần trong phim - Ảnh 7.

Thư Minh đi ngắm kỳ quan ánh nắng chiếu vào núi tuyết lấp lánh ở Vân Nam

Thư Minh không muốn nhập vai thành một cụ bà truyền thống. Cô muốn trở thành bà lão không có con và nuôi con chó yêu quý của mình, cũng có nhiều sở thích như đi du lịch, chơi mạt chược, trồng cây và nhuộm tóc.

Thư Minh giả vờ mình là cụ bà chuẩn bị đi chơi ở Vân Nam. Thế là cô lên kế hoạch cho việc chuẩn bị như chi 79 NDT cho đôi giày thời trang dành cho người già và 20 NDT cho chiếc khăn lụa hoa xinh đẹp. Thế là cô đã chuyển 99 NDT (hơn 335 nghìn đồng) vào tài khoản tiết kiệm.

Thư Minh đã "giả vờ chu cấp cho việc nghỉ hưu" trong hơn 50 ngày và đã tiết kiệm được hơn 2.000 NDT (hơn 6,7 triệu đồng). Trong quá trình chơi trò này, Thư Minh phát hiện ra rằng tiết kiệm tiền chỉ là hành động thay đổi thứ tự.

“Trước đây, chúng ta luôn tiêu tiền trước rồi mới tiết kiệm số tiền còn lại, nhưng nếu tiết kiệm một số tiền trước rồi mới nghĩ đến việc chi tiêu thì chúng ta sẽ thấy rằng việc tiết kiệm số tiền này sẽ không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta”, Thư Minh nói.

Theo Thư Minh, tiền tiết kiệm là sự bảo đảm cho cuộc sống hạnh phúc, bao gồm cả viện dưỡng lão và khát vọng chu du thế giới của cô sau này.

“Sự đảm bảo này khiến tôi vô cùng an tâm, cũng mang lại rất nhiều sự lựa chọn”.

Nguồn: The Paper

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại