Nga có kế hoạch chi 2/3 ngân sách quốc phòng năm 2021 để mua và sửa chữa các thiết bị quân sự. Vào cuối năm nay, tất cả các nhánh của lực lượng vũ trang, từ trên biển đến mặt đất và bầu trời, sẽ nhận được 4.700 vũ khí và hệ thống hỗ trợ các loại, theo RBTH.
Vũ khí hạt nhân
Vào năm 2021, quân đội Nga sẽ có 13 hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars và phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard. Các hệ thống này sẽ được triển khai gần Kozelsk, Yasny, Uzhur, Novosibirsk, Yoshkar-Ola và trong khu vực Orenburg (cách Moscow hơn 1.300 km về phía Tây).
Quân đội Nga cũng có kế hoạch nâng cấp sáu bệ phóng silo cần thiết cho Avangard.
Đáng chú ý là vào năm 2021, nước này cũng có kế hoạch sửa đổi các cơ sở thử nghiệm cần thiết cho hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat.
Hạm đội hải quân
Một số lượng đáng kể tàu và tàu ngầm sẽ được bổ sung vào hạm đội. Đặc biệt, hải quân sẽ nhận thêm bốn tàu ngầm (bao gồm hai tàu ngầm hạt nhân Borey-A thuộc dự án 955A với tên lửa đạn đạo Bulava, cũng như một tàu ngầm Yasen-M thuộc dự án 885M. Ngoài ra, để đáp ứng chương trình vũ khí hiện tại của đất nước, 14 tàu ngầm mới của các dự án Borey-A và Yasen-M được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2027.
Hải quân cũng sẽ nhận thêm 6 tàu mới vào năm 2021, cũng như 22 xuồng máy và tàu hỗ trợ. Trong số đó có thêm một tàu khu trục nhỏ thuộc dự án 22350 với tên gọi Đô đốc Golovko và hai tàu hộ tống thuộc dự án 20380 - tàu Zionary và Sharp. Cũng có thông tin cho rằng hạm đội sẽ nhận một tàu phòng thủ chống mìn thuộc dự án 12700 Alexandrite có tên Yakov Balyaev.
Không quân
Khoảng 100 máy bay và trực thăng sẽ được bổ sung cho lực lượng không quân nước này trong năm nay.
Năm 2021, các nhà sản xuất sẽ cung cấp 4 máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 Su-57 mới nhất. Đến cuối năm 2024, số lượng Su-57 trong lực lượng không quân sẽ tăng lên 22 chiếc và đến năm 2028, Bộ Quốc phòng Nga sẽ nhận chuyển giao 76 chiếc loại này.
Cùng với đó, Không quân Nga cũng sẽ nhận được một số máy bay ném bom Su-34 đã được cải biến vào cuối năm 2021.
Nga sẽ có 10 trực thăng vận tải thuộc dòng Mi-8AMTSH-VN, cũng như trực thăng chiến đấu thuộc dòng Mi-28NM đã chiến đấu chống lại lực lượng khủng bố IS ở Syria kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại đây.
Theo các phương tiện truyền thông Nga, chiếc trực thăng này được trang bị động cơ mới, hệ thống điện tử hàng không với hệ thống tìm kiếm và tầm nhìn hoàn hảo cùng khả năng tương tác với máy bay không người lái. Một tên lửa mới có tầm bắn lên tới 25 km cũng đã được phát triển cho trực thăng. Theo kế hoạch, 98 chiếc Mi-28NM sẽ được giao vào năm 2027.
Lực lượng trên bộ
Lực lượng mặt đất sẽ có hơn 400 đơn vị xe bọc thép. Trong số này có xe tăng T-72B3M, T-80BVM và T-90M mới nhất, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và BMP-2 nâng cấp với khoang chiến đấu Berezhok, cũng như xe thiết giáp chở quân BTR-82A.
Các trung đoàn khu vực Moscow sẽ nhận được hơn 200 xe tăng, xe thiết giáp chở quân, xe chiến đấu bọc thép, xe chiến đấu hỗ trợ tăng Terminator (BMPT) và xe công binh. Xe tăng T-14 Armada cũng nằm trong số này.
Ngoài ra, lực lượng RCBZ sẽ nhận được hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A Solntsepek hạng nặng nâng cấp. Theo các nhà phát triển, việc hiện đại hóa đã cho phép tăng tầm bắn và độ chính xác của hỏa lực, cũng như giảm chi phí đạn dược.
Có thông tin cho rằng lực lượng mặt đất cũng sẽ nhận được các đơn vị pháo tự hành Coalition-SV. Số lượng các hệ thống pháo 152 ly này hiện đang được giữ bí mật.
Đơn vị phòng không
Hai trung đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumph và 18 hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S sẽ trở thành một phần của quân đội Nga vào năm 2021. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, năm 2021, họ có kế hoạch hoàn thành thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus mới nhất để biên chế cho quân đội.
Vào cuối năm 2021, kế hoạch xây dựng trạm radar cảnh báo sớm Voronezh ở Vorkuta cũng sẽ được hoàn thành.
Phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard đang là vũ khí bí mật của Nga.
Hướng đi của Nga
Kế hoạch mua thiết bị quân sự năm nay của Nga nằm trong chương trình mua sắm dài hạn sẽ kéo dài đến năm 2027. Bộ Quốc phòng Nga hàng năm nhận được 2,5 nghìn tỷ rúp (khoảng 350 tỷ USD) để cập nhật và bảo trì kho vũ khí của mình.
“Tiêu chí chính của Nga khi mua thiết bị quân sự là trang bị các phương tiện răn đe hạt nhân mới nhất. Mục tiêu chính của chúng tôi là ngăn chặn kẻ thù tiềm tàng tấn công đất nước.
Việc sở hữu vũ khí này khiến kẻ thù phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra những lời đe dọa chống lại chúng tôi”, Viktor Murahovsky, tổng biên tập tạp chí Homeland Arsenal, nói.
Theo ông, Nga có kế hoạch cập nhật đầy đủ các kho vũ khí hạt nhân của mình cho đến giữa những năm 2020.
“Ưu tiên thứ hai của chúng tôi là có được các hệ thống phòng không mới nhất và tiên tiến nhất để bảo vệ vùng lãnh thổ rộng lớn khỏi các cuộc không kích. Quá trình phát triển tên lửa S-500 Prometheus sắp hoàn thành và Nga sẽ trình diễn các đơn vị đầu tiên trong các cuộc tập trận vào cuối năm 2021”, Murahovsky cho biết thêm.
Mua các phương tiện hạt nhân mới nhất để răn đe và hệ thống phòng không công nghệ cao là mục tiêu chính của quân đội Nga trong năm 2021 và những năm tới. Cập nhật tất cả các hệ thống vũ khí còn lại cũng là điều cần thiết, nhưng không quan trọng bằng, chuyên gia này kết luận.