Theo người trồng bưởi ở Hưng Yên cho biết, vào mỗi năm, xu hướng chơi bưởi của những người yêu cây lại khác nhau nên người nông dân phải thật sáng tạo, nắm bắt tâm lý của khách hàng để tạo ra các thế cây chơi ấn tượng với chính bản thân họ. Chỉ có như thế, người trồng bưởi cảnh mới có thể bán được nhiều sản phẩm ra ngoài thị trường.
Anh Hoàng Đình Chính, chủ một vườn bưởi cảnh ở Hưng Yên, chia sẻ, từ tháng 10 Âm lịch, vườn nhà anh đã rục rịch mở cửa đón khách từ khắp nơi về chọn mua bưởi. Cây nào mà khách chọn sẽ được đánh dấu, gắn tên gửi nhà vườn chăm sóc hộ, đến giáp Tết họ mới đến lấy.
Anh Chính chia sẻ: "Mỗi năm nhà tôi lại trồng những chậu bưởi tạo hình theo con giáp của năm đó. Như năm nay, những chú trâu chở bưởi bonsai lại lên ngôi, bắt kịp thị hiếu chơi Tết của khách hàng. Với quan niệm, "con trâu là đầu cơ nghiệp", chúng vốn to khỏe, chăm chỉ nên biểu tượng chú trâu cõng quất bonsai trĩu quả tượng trưng cho mong muốn có sức khỏe dồi dào, tinh thần để "cày cuốc", mang lại nhiều tài lộc, thịnh vượng trong năm mới."
Nhà vườn của anh Chính trông khoảng 50 cây bưởi trâu, nhưng do trồng trong mình con trâu ít đất nên hỏng tới 30-40 cây.
Mỗi cây bưởi trồng trong mình con trâu có giá bán từ 8-10 triệu đồng. Được biết, những cây bưởi trâu này năm nay rất hiếm vì ít người làm. "Làm cây bưởi trồng trong mình con trâu này rất khó khăn, độ hỏng lớn vì vốn dĩ cây bưởi phải trồng ở chỗ nhiều đất, nhưng lên lưng con trâu thì lại ít đất. Cây trồng phải chăm bón theo một chế độ khác những cây trồng bên ngoài hay chậu to", anh Chính nói.
Trên cây bưởi nhỏ được ghép hơn 30 quả bưởi, đặc biệt có quả có chữ tài tượng trưng cho tài lộc đầy đủ trong một năm.
Để có những cây bưởi bonsai dáng thế đẹp rồi trồng trên lưng trâu, mất khoảng 2 năm chăm bón, cắt tỉa. Hiện nay nhà vườn đã bán hết cây trâu cõng bưởi bonsai.