Đây là hoạt động được tổ chức vào Chủ nhật hàng tuần, tại tiệm cà phê có tên gọi Sài Gòn năm xưa, địa chỉ ở 50 Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Tiệm được chủ nhân là anh Lê Bá Tân gây dựng hơn 1 năm trước đây.
Phía trước cửa tiệm lúc nào cũng đặt sẵn 2 kệ sách: Một kệ là sách tặng miễn phí, ai muốn lấy cũng được; Kệ còn lại để trao đổi, mọi người đem sách của mình tới và nhận lại những cuốn sách khác.
Anh lý giải 2 kệ này được đặt sẵn ra bên ngoài để mọi người tùy ý lựa chọn, chứ nếu đặt vào bên trong sẽ giống như đang ép khách hàng vào uống cà phê hoặc vào mua sách.
"Mình nhớ có một bạn thích bộ ‘Dạy con làm giàu’ quá nên dồn hết sách của bạn ấy qua đổi nguyên cả bộ, nhưng bộ ấy thực ra cũng là do một người khác chia sẻ lại. Một số cô chú, anh chị cũng ủng hộ bằng cách đem sách tặng cho quán.
Mình nghĩ vậy là mình đã tác động một chút đến mọi người, giúp nhiều tựa sách đến được với người đọc hơn thay vì chỉ mang đi tái chế", anh Tân chia sẻ trong một video của ANTV.
Cũng giống nhiều quán cà phê khác, thực đơn của Sài Gòn năm xưa là cà phê, trà thảo mộc và một số món đồ uống do quán tự nấu. Tuy nhiên vào Chủ nhật hàng tuần, khách đến quán chỉ cần mang theo một cuốn sách cũ là sẽ không phải trả tiền đồ uống.
"Vậy là mình vừa có thể trao đổi sách cũ, bán đồ uống và có thể thực hiện nhiều hoạt động về sách, để làm sao cho thật nhiều người cùng thích đọc sách hơn", anh Tân nói.
Anh Lê Bá Tân. Nguồn: Tiệm cà phê sách Sài Gòn năm xưa.
Kinh doanh cà phê sách, con đường không dễ dàng
Sau hơn 1 năm tồn tại, Sài Gòn năm xưa đã trở thành địa điểm quen thuộc của những người yêu sách. Tuy nhiên để đến được ngày hôm nay, quán đã phải trải qua những khởi đầu tương đối gập ghềnh.
Trong một status chia sẻ trên fanpage chính thức, anh Tân tiết lộ đã có thời điểm anh tưởng sẽ phải đóng cửa vì không thể gồng gánh thêm khi tiền đã cạn, trí đã mòn.
"Thực tế không như những gì mình mong đợi, lượng khách tới quán không nhiều vì mình cảm nhận được rằng người dân "sợ" sách, mà đúng vậy, họ sợ thật. Người chung quanh bảo, giờ này ai mà đi đọc sách, nhà nhỏ vậy sách vở gì, ai đi qua cũng coi quán như một cái gì đó xa lạ và rẻ rúm...".
Tưởng chừng mọi thứ đã bế tắc và quán sẽ phải giải thể quán sau ba tháng khai trương thì mọi chuyện bất ngờ thay đổi. Vì không gian quán khá chật cộng thêm buồn phiền chuyện cá nhân, một ngày anh Tân quyết mạng tất cả số sách anh có ra tặng cho mọi người.
Thật bất ngờ hành động nhỏ này đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ khách hàng cũng như các kênh truyền thông. Quán bắt đầu tấp nập vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật. Mặc dù tiền bạc từ việc bán cà phê không đáng là bao nhiêu nhưng anh Tân khẳng định lượng khách tới quán đã trở thành động lực lớn nhất để anh tiếp tục tại thời điểm ấy.
"Đầu óc có minh mẫn sáng suốt mới nghĩ ra được các điều hay, đó là điều mình khẳng định. Chúng mình đã biết cách vận hành quán tốt hơn, các mối quan hệ mới giúp chúng mình xây dựng được những chương trình phù hợp, anh chị chủ nhà thì không thể dễ thương hơn khi ủng hộ chúng mình, có tháng còn không tính tiền nhà luôn, ủng hộ văn hóa đọc hết mức...".
Đến nay, quán đã có được lượng khách hàng ổn định, Ngoài chuỗi sự kiện trả tiền cà phê bằng sách, Sài Gòn năm xưa còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như các chương trình tìm hiểu về văn hóa đọc, văn hóa dân tộc, cộng đồng, các khóa học kỹ năng…
Bản thân anh Tân cũng nhận thêm một số công việc bên ngoài từ đi thỉnh giảng, biên tập, đến nhận quảng cáo… để có thể duy trì công việc kinh doanh giữa đất Sài Gòn hoa lệ.
“Việc xây dựng, tạo nên một cái quán mang tên Sài Gòn năm xưa thì ai cũng có thể làm được, nhưng để nó có một cái hồn như nó cần có thì cần sự đồng điệu của rất rất nhiều trái tim cao quý. Và tụi mình cần những trái tim đồng điệu và yêu quý từ tất cả mọi người yêu sách, yêu văn hóa đọc. Chân thành cảm ơn và hứa sẽ làm tốt hơn những gì có thể", anh Tân chia sẻ.