Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Rô, ở ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau. Với những sáng chế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống thực tại, ông Rô nhận được giải thưởng cao nhất trong hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ VI, năm 2018 – 2019 vừa mới trao giải cách đây không lâu.
Chiếc máy cày nổi trên mặt nước độc đáo của ông Nguyễn Văn Rô, ở ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau.
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Rô được biết đến với biệt danh "Ông Tư máy cày". Kể từ đó đến nay, ông không ngừng tìm tòi, thử nghiệm và đã sáng chế thành công 5 loại máy cày gồm: máy cày trục đổi đất nuôi tôm quảng canh, máy cày xới đất trồng bồn bồn, máy cày phơi đất phục vụ vùng đất lúa – tôm, máy cày cải tạo môi trường nuôi tôm sau 1 tháng phơi đất, máy cày cải tạo môi trường nuôi tôm sau 5 ngày phơi đất.
Ông Nguyễn Văn Rô cho biết, "đất lúc trước là phơi khoảng 1 tháng, sau thì bà con yêu cầu sau phơi 5 ngày thì cày được mới tốt, do lúc trước thời gian phơi quá lâu mất thời gian của nông dân nên tôi mới chế lại chiếc máy này nổi lên mặt nước, lại đi lại trên bờ được, ở đâu người dân mướn thì cày được hết."
Do yêu cầu khắt khe của người nông dân, tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp khác nhau nên tất cả các loại máy cày ông Rô sáng chế đều chung một đặc điểm gọn nhẹ, ít hao nhiên liệu, cho năng suất hoạt động cao...Điều đặc biệt là chiếc máy cày của ông có thể lội sông, leo bờ dễ dàng, thậm chí là ngồi trên chiếc phao tự chế cũng điều khiển được phương tiện, rất phù hợp với vùng sông nước chằng chịt như Cà Mau.
Ông Khấu Chí Nguyện, Phó chủ tịch UBND Đông Hưng, huyện Cái Nước cho hay, "lúc đầu nguồn thức ăn thiên nhiên có sẵn nên hiệu quả nuôi tôm rất cao. Trong thời gian gần đây, do nguồn đất bị bạc màu nên hiệu quả nuôi tôm rất thấp. Nhưng nhờ vào ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chỗ chú Rô cũng sáng chế ra máy cày để xới đất nên việc nuôi trồng của người nông dân cũng được dễ dàng."
Ông Đoàn Văn Chính, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước nhận xét, "Trong nuôi trồng thủy sản của mình đã nhiều năm qua nên môi trường cạn kiệt thì người dân có nhu cầu đặt hàng chỗ chú Tư với chiếc máy hoạt động mọi địa hình, thời gian tới sẽ cho hiệu quả, năng suất cao nhất".
Được đưa vào sử dụng trong khoảng 1 năm nay chiếc máy cày phao nổi đang là thiết bị mới, hỗ trợ khá tốt trong sản xuất của nông dân nuôi tôm trên địa bàn huyện Đông Hải, mang lại phương thức sản xuất mới, hiệu quả cho nông dân.
Tại Bạc Liêu, với kết cấu độc đáo, chiếc máy cày nổi được trên mặt nước của lão nông Nguyễn Văn Huyền, xã An Trạch A, huyện Đông Hải đang được ngành chức năng huyện đánh giá cao về khả năng hoạt động, phù hợp với địa hình kênh mương phức tạp. Bên cạnh đó, giá của chiếc máy cày này cũng khá rẻ, giao động từ 17 – 19 triệu đồng/chiếc nên khá phù hợp với thu nhập của nông dân.
Trao đổi giữa phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyền cho biết, cái máy này trước kia là cái máy xới, được chế lại có thể hoạt động trong mọi địa hình. Cái máy xới thường khoảng 65 đến 70 kg, ưu điểm của máy này là xới cơ động trên mọi địa hình, cải tạo đất rất tốt, không những vậy còn diệt chết cỏ dại, rong ở dưới đáy áo cũng được cải tạo rất tốt, giúp nuôi tôm rất tốt, mau lớn hơn rất nhiều so với cách làm trước đây.
Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, sau thời gian cày thử nghiệm bằng máy cày mặt trảng trên ao nuôi, việc sản xuất của một số hộ dân trên địa bàn huyện cho hiệu quả khá cao như: tôm phát triển tốt, ít dịch bệnh và đạt năng suất.
Vì vậy, huyện sẽ nhân rộng và hỗ trợ để khuyến khích nông dân trang bị máy cày phao nổi, chủ động cải tạo đất trong quá trình nuôi tôm, giúp nông dân gặt hái nhiều thành công trong sản xuất.
Được biết, hiện nay ông Nguyễn Văn Rô, ông Nguyễn Văn Huyền tiếp tục mày mò cho ra đời "Những đứa con tin thần" của mình nhằm phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân trong và ngoài tỉnh. Trong đó, loại máy cày cải tạo môi trường nuôi tôm sau 5 ngày phơi đất được xem là ứng dụng khoa học kỹ rộng rãi nhất, hiệu quả nhất đối với vùng đất nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến hiện nay trên địa bàn.