Cựu binh Trần Xuân Thế (SN 1963, trú xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An ) cho biết, năm 1977, ông cùng một số người dân đi rừng hái măng, hái thuốc thì bất ngờ phát hiện căn hầm bí mật giữa khu rừng già.
Căn hầm nằm ngay bên bờ suối, cây cối rất rậm rạp. “Lúc phát hiện cửa hang, chúng tôi không ai dám vào, nhưng sau khi lấy hết can đảm, tôi và anh em làm liều để bước vào trong. Cả căn hầm tối mịt chỉ có đàn dơi trú ngụ bay tung tóe”, ông Thế kể.
Qua quan sát, căn hầm hình tròn có chiều cao khoảng 2,5m, đường kính khoảng 3,5m và có độ dày khoảng 20cm. Với diện tích này, một tiểu đội bộ binh khoảng 30 người có thể trú ngụ và sinh hoạt được.
Điều đặc biệt, căn hầm này ẩn trong lòng đất, được ghép bởi loại đá bàn (loại đá ở khe suối), trộn với đất nung. Cứ sau mỗi viên đá to lại kèm theo những viên đá nhỏ với mục đích tăng độ liên kết.
Cả căn hầm được làm rất đẹp, vòng tròn bức tường đá được xếp một cách thứ tự nhìn lên phía trên như một bông hoa sen đang nở, phía dưới nền đất phẳng lỳ.
Phía bên trong, có 3 bếp nhỏ được thiết kế xung quanh tường có đường dẫn lên để thoát khói như "căn bếp Hoàng Cầm" thu nhỏ và có một đường nhỏ để thông không khí.
Theo một số cụ cao niên ở địa phương cho biết, vào thời điểm 1972 - 1973, giặc Mỹ ném bom ở đây rất ác liệt. Lúc ấy tại xã Nghĩa Mai còn có xưởng đại tu, chuyên làm máy mở đường 15 chiến lược nên chúng muốn tàn phá nơi này.
Để tránh khỏi thương vong, tại khu vực bãi 500, bộ đội của ta đã tạo nên nhiều hầm để trú ngụ. Không chỉ nơi đây mà tại rừng già này còn có nhiều căn hầm bí mật nhưng chưa ai phát hiện được.
“Trên địa bàn duy nhất có căn hầm này được người dân phát hiện vào năm 1997. Trải qua thời gian dài nhưng căn hầm này vẫn đang nguyên vẹn. Mặc dù hầm nằm giữa rừng già nhưng chúng tôi đã tuyên truyền người dân cùng chung tay bảo vệ, đồng thời khuyến khích quảng bá trên các kênh để mọi người biết nhiều hơn”, ông Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết.