Clip: Chiếc bè độc đáo được làm từ vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật . Thực hiện: CHÂU ANH
Người có ý tưởng đó là ông Lê Văn Hiếu , ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Ông Hiếu kể hằng ngày thấy vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng xong thường bị quăng bỏ làm cảnh quan nhếch nhác và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Ngày trước, ông thường thu gom vỏ chai này về để bán phế liệu. Cách đây không lâu, trong lúc đợi người đến thu mua, ông thấy con trai cột miệng bao lại rồi quăng xuống sông để tắm như phao.
Ngồi quan sát thấy vỏ chai không chìm, từ đó ông Hiếu nghĩ nếu kết nhiều bao lại cho lớn, rồi cột thêm miếng ván lên làm phương tiện qua lại hai bờ sông có được không.
Ông Hiếu đi tìm nhặt các vỏ chai về kết làm bè.
Nghĩ là làm và ông Hiếu đã thành công với ý tưởng của mình. “Trung bình một chiếc bè nhỏ thì khoảng 700-800 vỏ chai, còn bè lớn thì được làm 1.200-1.500 vỏ, chi phí khoảng 500.000-700.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ của bè” - ông Hiếu cho biết thêm.
Để làm chiếc bè độc đáo này, các vỏ chai nhựa sau khi thu gom về, ông Hiếu rửa sạch sẽ, sau đó bỏ vào một cái túi lưới rồi kết lại chắc chắn để các vỏ chai không rơi ra ngoài. Sau đó, sử dụng miếng ván (lớn, nhỏ tùy theo kích cỡ của bè) đặt lên, cột chắc chắn, vậy là hoàn thành một chiếc bè qua lại hai bờ sông. “Tôi thấy vỏ chai BVTV trên ruộng tràn lan hết làm ô nhiễm môi trường quá nên tôi gom lại, trước thì bán có tiền, giờ không bán nữa thì mình làm bè qua sông ” - ông Hiếu bày tỏ.
Tính đến nay ông Hiếu đã “ xuất xưởng ” khoảng 20 chiếc bè từ vỏ chai nhựa như thế này, những người sử dụng là bà con, họ hàng hoặc hàng xóm của ông.
Nói về phương tiện qua sông từ những chai nhựa bỏ đi này, bà Trần Thị Phỉ (ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp) nhận xét đi cũng rất an toàn. “Bè nhỏ thì đi được bốn người, bè lớn thì đi được 6-7 người, đi qua lại nó vững vàng lắm. Bè này không có nước, kéo qua sông cũng dễ hơn xuồng, đi xuồng bị lắc, còn bè này thì vững hơn” - bà Phỉ chia sẻ.
Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV. Điều này cũng đồng nghĩa mỗi ngày không biết có bao nhiêu vỏ chai thuốc được thải ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Với cách làm của lão nông Hậu Giang này, bà con vừa có thể sở hữu phương tiện qua sông tiện lợi, vừa góp phần giảm tác hại ô nhiễm môi trường.