Doanh thu nghìn tỷ đồng của phòng vé Việt: Không chỉ trông đợi vào Trấn Thành

NGỌC ÁNH - TRỌNG HUY |

Doanh thu của Mai cộng với Nhà bà Nữ (2023) và Bố già (2021) giúp Trấn Thành bước đến vị thế “nắm trùm” doanh thu phòng vé. Tuy nhiên, công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam muốn trở thành mũi nhọn với những bước tiến xa, không thể chỉ trông vào một mình Trấn Thành.

Đạo diễn nghìn tỷ đồng duy nhất

Mùa phim Tết Giáp Thìn 2024, Trấn Thành tiếp tục đứng đầu cuộc đua phòng vé với doanh thu tiến gần mốc 500 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày ra rạp, tạo ra khoảng cách rất lớn với doanh số bộ phim đứng thứ hai là Gặp lại chị bầu (gần 65 tỷ đồng).

Thời điểm rời rạp, Sáng đèn chỉ thu 700 triệu đồng và Trà thu vỏn vẹn gần 1,4 tỷ đồng. Mai giúp Trấn Thành xô đổ mọi kỷ lục của chính mình. Tổng doanh thu ba bộ phim do anh đạo diễn gồm Mai, Bố già và Nhà bà Nữ đã đạt hơn 1.180 tỷ đồng.

Từ đạo diễn tay ngang, Trấn Thành bước đến vị thế “nắm trùm” doanh thu mùa Tết, thậm chí doanh thu phim cả năm, không ai có thể đọ lại, kể cả đạo diễn lâu năm như Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Nhất Trung, Võ Thanh Hòa. Ngay cả người được xem là đối thủ mạnh nhất của Trấn Thành ngoài phòng vé là Lý Hải cũng khó cạnh tranh.

Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt nhận định, các phim của Trấn Thành bắt trúng thị hiếu khán giả Việt. Ngoài đề tài gần gũi với đời sống thường nhật, Trấn Thành cũng “lên tay” qua từng phim. “Cái hay của Trấn Thành đi ra khỏi quỹ đạo chung của thị trường điện ảnh. Phần còn lại gồm các đạo diễn như Vũ Ngọc Đãng, Charlie Nguyễn, Đức Thịnh, Võ Thanh Hòa... vẫn loanh quanh với màu và kiểu phim cách đây vài năm, so với bây giờ không có nhiều sự khác biệt. Do vậy, phim có thể dễ dàng thu về 100 tỷ đồng nhưng không bật lên được”, Phong Việt lý giải.

Với Mai - phim về cuộc đời buồn nhiều hơn vui của mẹ đơn thân U40 - Trấn Thành tiếp tục đảm bảo về chất lượng phim khi anh ngồi ghế đạo diễn cũng như đảm đương nhiều vị trí khác. Khán giả rời rạp chắc chắn không tiếc tiền vé và thời gian để xem phim, dù tác phẩm chưa chạm tới ngưỡng xuất sắc.

Thúc đẩy ngành kinh tế sáng tạo

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và Luật Điện ảnh năm 2022 là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

NGỌC ÁNH

Ông Khánh Dương, người sáng lập đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam nhận định, ê-kíp của Trấn Thành có lẽ cũng tới lúc đạt đến giới hạn kịch trần, nhiều nhà làm phim tài năng sẽ xuất hiện để cùng cạnh tranh, giúp thị trường phim Tết màu mỡ. Tuy nhiên, 1-2 năm tới, điện ảnh Việt khó tìm ra nhân tố nào ganh đua sòng phẳng về doanh thu phim với Trấn Thành.

Không thể trông chờ vào một cái tên

Thành tích của Mai, hay trước đó là Bố già và Nhà bà Nữ phản ánh thực trạng vừa vui vừa buồn. Nếu chỉ trông chờ vào một đạo diễn “nghìn tỷ đồng”, vào mùa phim Tết mỗi năm một lần, nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam liệu tiến xa đến đâu?

GS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình (Cục Điện ảnh) nhận định, những phim có doanh thu cao, được người xem ủng hộ hoàn toàn là tín hiệu vui cho sự phát triển của công nghiệp điện ảnh. Năm 2023, số phim Việt ra rạp chỉ khoảng 10% so với các phim được chiếu rạp nhưng chiếm tới 41% doanh thu thị trường (khoảng trên 1.700 tỷ). Đó là con số ấn tượng.

Doanh thu nghìn tỷ đồng của phòng vé Việt: Không chỉ trông đợi vào Trấn Thành- Ảnh 1.

Trấn Thành xô đổ mọi kỷ lục doanh thu phòng vé Việt nhờ ba tác phẩm ăn khách

“5 phim có doanh thu cao nhất thị trường ở Việt Nam thuộc về phim Việt. Tất nhiên chúng ta luôn mong có nhiều phim thành công, nhiều đạo diễn thành công hơn nữa”, ông Hiệp nói.

Công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam được ví như cánh cửa đã mở. Để tiến vào cánh cửa ấy, GS Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh vai trò của đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh, đồng thời đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới mô hình đào tạo. “Phải làm sao để có nhiều nhà làm phim tồn tại, phát triển trong cơ chế thị trường, có khả năng làm ra những bộ phim có giá trị nhân văn, những hàng hóa đặc thù đáp ứng được nhu cầu tinh thần của người xem. Nhận được sự ủng hộ qua tấm vé của người xem phải là một nội dung sống còn trong mục đích đào tạo điện ảnh”, GS Trần Thanh Hiệp nhận định.

Hướng tới đại chúng

Nhà truyền thông phim điện ảnh giàu kinh nghiệm Ân Nguyễn cho rằng, doanh thu phim cao chứng tỏ phim Việt ngày càng thu hút khán giả trong nước. Những năm sau đại dịch, điện ảnh Việt bùng nổ doanh thu. Từ đó, cụm từ phim trăm tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều, từ Lật mặt 6, Em và Trịnh, Siêu lừa gặp siêu lầy, Chị chị em em 2, Người vợ cuối cùng, Quỷ cẩu…

"Thị trường phim đủ đa dạng cho khán giả lựa chọn, không chỉ phụ thuộc vào Trấn Thành. Nội lực phim quyết định 80% thành công phòng vé. Nội dung yếu thì quảng bá rầm rộ cũng không thể đẩy bộ phim lên. Khi nói đến nội lực, phải tập trung vào độ hấp dẫn của phim với khán giả đại chúng chứ không phải nhà phê bình. Không phải phim nào được nhà phê bình đánh giá cao thì khán giả thích và ngược lại", ông Ân Nguyễn nhận định.

TRỌNG HUY


Đạo diễn Trần Hữu Tấn - thành công mang sê-ri Tết ở làng Địa Ngục lên màn ảnh rộng với cái tên Kẻ ăn hồn - cho rằng, thị trường điện ảnh không thể trông chờ vào một đạo diễn, nên chia đều. “Thị trường và ngành điện ảnh muốn đi lên phải có nhiều tên tuổi và đa dạng hơn trong thể loại phim để cùng tạo niềm tin, sự phát triển cho thị trường. Với nhiều phim Việt thắng áp đảo phim nước ngoài ở rạp nội địa, đây là dấu hiệu tích cực góp phần củng cố niềm tin của khán giả vào phim Việt nói chung và các đạo diễn nói riêng”, đạo diễn Hữu Tấn chia sẻ.

Doanh thu nghìn tỷ đồng của phòng vé Việt: Không chỉ trông đợi vào Trấn Thành- Ảnh 2.

Hà Lệ Diễm gây tiếng vang với phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương - phim Việt Nam đầu tiên lọt Top 15 đề cử Oscar

Từ góc nhìn về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hải Vân nêu các kiến nghị tăng cường sự hiện diện của điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Bà Vân chia sẻ, hằng năm, nhà nước đều dành kinh phí để điện ảnh Việt Nam tham dự các Liên hoan phim (LHP) quốc tế có uy tín như LHP Tokyo, LHP Busan, Chợ phim Hongkong… Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 LHP quốc tế với 330 lượt đầu phim. Điện ảnh Việt Nam cũng gửi phim tham dự các LHP, giải thưởng danh tiếng như Oscar, LHP Cannes, LHP Berlin, LHP Thượng Hải…

Nhiều dấu ấn của điện ảnh Việt Nam được tạo nên tại các LHP quốc tế gần đây, có thể kể đến những tác phẩm xuất sắc như Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm (Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2022), phim Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân…

Nam diễn viên Châu Phi đang gây sốt trong "Đào, phở và piano": Danh tính thật khiến dân mạng trầm trồ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại