Doanh thu liên tục tăng mạnh qua các năm, vậy các doanh nghiệp FDI mang về lợi nhuận bao nhiêu?

Pha Lê |

Doanh nghiệp FDI tạo ra hơn 1/4 tổng giá trị doanh thu thuần và gần 1/2 tổng giá trị lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp.

Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một bộ phận quan trọng của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam.

Hàng loạt các thương hiệu của tập đoàn lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Samsung, Intel, Microsoft, Toyota, Honda, KFC, Starbucks... đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Hầu hết các tập đoàn này đều đang mong muốn tiếp tục mở rộng và đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Theo theo số liệu của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 về Kết quả hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 do Tổng Cục Thống kê công bố, tính đến hết năm 2020, mặc dù số lượng doanh nghiệp FDI đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 3,3% tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng lại chiếm đến 19,2% vốn sản xuất kinh doanh; 23,0% tài sản cố định và đầu tư dài hạn; 29,8% tổng doanh thu thuần; 48,5% lợi nhuận trước thuế của cả khu vực doanh nghiệp.

Doanh nghiệp FDI thu hút gần 1/5 tổng giá trị nguồn vốn của toàn bộ doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2016, 2017, 2018 cùng chiếm 18,1% tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp; năm 2019 chiếm 18,2%; năm 2020 chiếm 19,2%.

Nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2017 - 2019 và giảm nhẹ năm 2020 (năm 2020 là năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19).

Năm 2020, nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp FDI là 398,9 tỷ đồng, gấp gần 1,2 lần năm 2016 (337,6 tỷ đồng), gấp 9,7 lần bình quân một doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng chỉ bằng 0,08 lần bình quân một doanh nghiệp nhà nước.

Khu vực FDI bổ sung nguồn vốn quan trọng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn; gia tăng năng lực sản xuất; hình thành mối liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đóng góp cho ngân sách nhà nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Doanh thu liên tục tăng mạnh qua các năm, vậy các doanh nghiệp FDI mang về lợi nhuận bao nhiêu? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Về doanh thu, doanh nghiệp FDI tạo ra hơn 1/4 tổng giá trị doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2016 chiếm 27,6% tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp; năm 2017 chiếm 28,1%; năm 2018 chiếm 28,8%; năm 2019 chiếm 28,9%; năm 2020 chiếm 29,8%.

Doanh thu thuần của doanh nghiệp FDI tăng trưởng mạnh qua các năm. Năm 2016 đạt 4.808,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; năm 2017 đạt 5.801,0 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6%; năm 2018 đạt 6.813,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4%; năm 2019 đạt 7.611,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%; năm 2020 đạt 8.154,3 nghìn tỷ đồng, tuy là năm chịu ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn giữ tốc độ tăng là 7,1%, gấp 1,7 lần năm 2016.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp FDI đạt 6.637,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Bình quân tăng 14,1%/năm. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 86,1%, doanh nghiệp liên doanh chiếm 13,9%.

Đồng thời, các doanh nghiệp FDI tạo ra gần 1/2 tổng giá trị lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2016 chiếm 45,9%; năm 2017 chiếm 43,9%; năm 2018 chiếm 42,7%; năm 2019 chiếm 45,6%; năm 2020 chiếm 48,5%.

Lợi nhuận trước thuế bình quân một doanh nghiệp FDI giai đoạn 2016 - 2020 cũng có xu hướng giảm xuống. Năm 2020 đạt 20,8 tỷ đồng, chỉ bằng 0,9 lần năm 2016 (23,3 tỷ đồng), gấp 46,4 lần bình quân một doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng chỉ bằng 0,2 lần bình quân một doanh nghiệp nhà nước.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, số doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2,9% tổng số doanh nghiệp cả nước, gấp 1,7 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015; nhưng lại thu hút số lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng khá lớn với 32,0%, gấp 1,5 lần; nguồn vốn chiếm 18,4%, gấp 2,1 lần; doanh thu thuần chiếm 28,8%, gấp 2,2 lần; lợi nhuận trước thuế chiếm 45,3%, gấp 2,1 lần.

Với kết quả đạt được, khu vực FDI đã khẳng định vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại