Doanh nhân Lương Hoàng Anh bao năm nay thầm lặng làm từ thiện. Mỗi năm, chị dùng tiền cá nhân để khám chữa bệnh từ thiện cho 300 trẻ em và các người già neo đơn.
Chị cùng các đoàn bác sĩ đến các vùng khó khăn để khám chữa bệnh cho bà con, tư vấn kiến thức sức khoẻ, gửi tình nguyện viên là sinh viên trường y đến ở với dân để tư vấn về cách phòng chống bệnh tật.
Bên cạnh chăm sóc sức khoẻ, chị cũng đầu tư cho các em nghèo gia đình neo đơn học giỏi, hỗ trợ học hành đến năm 18 tuổi, để các em có cơ hội học hành thành tài.
"Tôi muốn làm việc đó như một trách nhiệm lâu dài với cộng đồng chứ không phải theo phong trào để thỏa mãn lòng từ bi", Lương Hoàng Anh nói.
Đưa con đi để chúng hiểu rõ chúng là những người "bình thường"
- Chị có chia sẻ một số clip đưa con đi làm từ thiện vùng sâu và bắt con đi trên chiếc cầu khỉ mà các em học sinh vùng cao trèo chênh vênh mỗi ngày để đến trường. Chị chia sẻ tại sao lại thế không?
Tôi muốn các con hiểu chúng đang sống trong đất nước còn những mảnh đời bất hạnh ra sao. Để chúng thấy chúng được rất nhiều ưu đãi của cuộc sống và có trách nhiệm chia sẻ và đóng góp cho đất nước sau này.
Chúng phải tập làm tất cả những việc mà những đứa trẻ đồng bào của chúng phải làm, kể cả cuốc đất, cày ruộng giữa trời nắng nóng giữa trưa.
Để chia sẻ được với con người thì đứa trẻ phải hiểu được con người ấy đang trải qua những gì. Chia sẻ mà không thấu hiểu thì sự chia sẻ đó khó có ý nghĩa lớn lao hoặc chia sẻ sai chỗ.
Bây giờ các con tôi mỗi lần thấy đứa trẻ nào mặc quần áo rách chúng lại lấy quần áo của chúng đem cho hết . Hai con gái lớn đi nhiều. Con trai năm nay mới bắt đầu đi. Hè này tính cho con trai ra đảo Lý Sơn sống với trẻ mồ côi 1 tuần.
Chị Lương Hoàng Anh cùng các con trong một chuyến đi thực tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
- Ấn tượng của các con về các bạn mà chúng đã gặp sau mỗi chuyến đi, như thế nào?
Hôm đi Quảng Bình chúng thấy đám trẻ con tắm sông chăn trâu. Về chúng bảo... mấy bạn đó sướng quá. Thật tình con tôi không có khái niệm giàu nghèo.
Trẻ con mà. Nó thấy các bạn đồng trang lứa chăn trâu, tắm sông thì ngỡ vui sướng. Nhưng khi các con ra đồng làm ruộng, cuốc đất, lấy tay trộn phân bò, trộn gio thực sự, giao cho mỗi đứa một buổi sáng một luống tự cuốc tự làm mướt mồ hôi, thì chúng mới hiểu.
Làm xong, chúng hỏi: "Mẹ, ngày nào cũng phải làm như thế này ấy hả?". Tôi nói: "các bạn vừa phải đi học vừa phải làm. Các bạn tự trồng lúa mà ăn chứ lấy đâu ra gạo để ăn.
Con không phải làm như các bạn mà chỉ đi học thì hãy nghĩ đến chuyện học thế nào để sau này mình không trở thành kẻ vô dụng".
Mỗi lần đi về, các con ý thức rất nhiều. Không bao giờ bỏ thừa thức ăn. Và tự lập làm những việc lặt vặt trong nhà. Mấy năm nay, tôi không phải làm bếp, không phải làm việc nhà. Các con tự làm hết. Các con tự lo được, tự làm được tất cả những việc cho chúng nó.
- Một câu hỏi hơi "truy cùng sát tận" chút về "động cơ". Đưa các con đi làm từ thiện nhiều thế, chị có "động cơ" khác không?
Tôi không muốn tặng đời thêm những con người ích kỷ, sống chỉ biết nghĩ cho bản thân hay là những con người được lớn lên trong tủ kính.
Tôi muốn các con phải hiểu, chúng là những người bình thường. Khi mà ăn lộc của cuộc đời phải trả lại cho đời, cũng như hiểu được lẽ công bằng tự thân.
Và trên tất cả, một con người lấy bất cứ cái gì của thiên nhiên thì phải đóng góp lại. Có vay có trả và sống có ích. Chứ cả đời ăn ngon mặc đẹp, đến già chờ chết thì sống làm cái gì? Sống thế khác gì sống thực vật đâu? Sống phải tạo ra giá trị cho cuộc đời chứ?
Các con phải hiểu được sự khổ cực để trân trọng những thứ các con có. Và sự bất hạnh trong cuộc đời không phải là những khái niệm mơ hồ, mà chính là sự đói khổ.
Các con phải hiểu được những người bạn phải ngửa mặt lên trời uống nước mưa để đi học, troè đèo lội suối, leo trên những chiếc cầu khỉ chênh vênh để đến trường.
Phải cho đứa trẻ thấy được chúng phải lớn lên bằng chính chúng chứ không phải thêm cho xã hội những gánh nặng. 90 triệu dân đang è cổ nuôi khá nhiều triệu người chỉ ăn với phá, đó cũng chính là những gánh nặng.
Chị Lương Hoàng Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cho cái ăn không hẳn là điều tốt.
- Mỗi chuyến đi của chị thường kéo dài bao lâu? Và công tác huy động nguồn lực cho từ thiện có gặp nhiều khó khăn không chị?
Tôi đi 4-5 ngày. Huy động cũng không khó khăn lắm. Tôi có mối quan hệ sâu với các bệnh viện và bằng sự tử tế của mình và của họ, chúng tôi có những sự đồng hành đến những nơi mà đồng bào cần chúng tôi.
Khi đến một vùng đất, tôi tìm hiểu rất kỹ nơi đó có những nguy cơ bệnh tật gì, cần những thuốc đặc trị gì.
Các bác sĩ sẽ lên những danh sách lượng người, họ thiếu chất gì cần bổ sung, họ hay mắc bệnh gì khi mà thức ăn bẩn, môi trường ô nhiễm, rồi lên kế hoạch hành động.
Vừa rồi đoàn chúng tôi đi huyện Bình Sơn, Phú Hoà và Lý Sơn, 12 thùng thuốc lớn (loại thùng nửa m3), tất cả các loại thuốc đặc trị. Bác sĩ chịu trách nhiệm các loại thuốc vì đó là chuyên môn của họ, và nhất là hạn sử dụng.
Trong đoàn đó, những trường hợp nào hoàn cảnh qúa khó khăn, tôi sẽ đưa các bé vào Sài Gòn điều trị. Điều này không quá khó vì các bệnh viện cũng rất tạo điều kiện.
Vừa rồi ở Lý Sơn, có 2 bé tự dưng bị mồ côi bởi vì bố mẹ mất cách nhau 1 tháng vì ung thư. Một tháng sau các em đau bao tử quằn quại, tôi đưa vào tầm soát hết và điều trị dứt điểm.
Thông thường một ca tầm soát ung thư hơn 10 triệu đồng nhưng các bác sĩ đều không lấy tiền. Tôi chỉ trả chi phí xét nghiệm tối thiểu cho nhà nước vì cái đó không miễn phí được.
Miễn là bạn có tấm lòng và huy động bằng trách nhiệm. Còn tốn kém thì chẳng đáng bao nhiêu đâu.
-Tại sao chị lại quan tâm đến vấn đề sức khoẻ mà không phải là đồ ăn hay quần áo như không ít đoàn từ thiện khác?
Quan niệm của tôi hơi khác. Khi mà những đứa trẻ quá bé, thì phải có người nuôi. Nhưng cái nuôi này là việc của bố mẹ chúng. Họ phải nghĩ rằng, đẻ con ra được là phải nuôi được.
Cái ăn dành cho những dịp đặc biệt, ví dụ như mùa lũ, có những vùng dân bị cô lập hoàn toàn, họ không biết ăn gì cả. Lúc đó, họ sẽ cần gạo và cá khô để không chết đói. Cho đúng lúc và đúng chỗ và cho một cách có ý thức.
Bên cạnh sức khoẻ, chúng tôi quan tâm đến giáo dục con người. Có những em nghèo quá không có tiền để học, tôi kêu gọi tài trợ. Tuy nhiên, khi các em học dưới mức trung bình, chúng tôi sẽ không tài trợ nữa.
Như thế để các em phải nỗ lực học. Việc học mà không nỗ lực được thì những việc khác trong cuộc đời khó lắm.
-Vâng, nghèo vật chất theo tôi không đáng sợ bằng nghèo nhân cách. Làm từ thiện mà làm cho nhân cách người khác nghèo đi, thì đâu còn là từ thiện!
Bạn mang miếng ăn đến cho người khác khi họ hoàn toàn kiếm được miếng ăn, không phải là điều tốt đâu. Trừ những lúc thiên tai địch hoạ. Còn nữa, cho miếng ăn trong một hoàn cảnh bình thường, phần nào cũng là xúc phạm người được cho.
Người ta nghèo mà mình cứ cho hoài thì người ta càng ngày càng lười. Người ta sẽ không ý thức được giá trị của lao động. Và rồi từ những người nghèo vật chất, vô tình bạn biến họ thành nghèo nhân cách.
Còn nếu bạn chỉ cho họ miếng ăn hay cái áo, bạn phải đảm bảo bạn sống mãi để cho họ mãi. Như vậy, bạn sẽ tự gánh nặng vào vai mình và bạn biến họ từ những người bình thường thành những người vô dụng, ăn bám xã hội.
Vậy theo chị, những "ông Tiên" "Bà Bụt" cũng cần có hiểu biết khi làm từ thiện bên cạnh "tấm lòng"?
Đúng là sống cần một tấm lòng nhưng nó chỉ là trong cách sống. Còn giúp đỡ, và phát triển con người thì phải cần sự hiểu biết. Nếu không, hậu quả sẽ rất kinh khủng.
Tôi nghĩ, nên làm từ thiện để người ta có tương lai, và mang đến cho người ta những thứ mà họ không thể: kiến thức, sức khoẻ và tương lai để họ có cơ hội thoát ra khỏi cái nghèo, cái khổ một cách lâu dài. Họ phải có hiểu biết, có sức khoẻ thì họ sống ở đâu cũng được.
Bạn cho gạo hay cho áo lúc người ta đói, người ta rét là việc tốt. Nhưng bạn chỉ giúp được lúc đấy thôi. Còn giúp kiến thức, thì tự họ sẽ giúp họ và họ còn giúp cho xã hội được. Giống như một làng không đứa trẻ nào biết chữ, có một số em được học chữ, các em sẽ quay lại giúp chữ cho làng.
Ngày xưa Lý Sơn không có em nào học lên cấp 3 cả. Chúng tôi quan tâm đến chuyện này và có các chương trình tặng chữ. Nuôi các em có tiềm năng học hết trung học. Có những em lên đại học. Có kiến thức mới có thể đổi đời được.
Con nuôi của bạn Cường Trần, bị khiếm thính, tốt nghiệp đại học mỹ thuật và giờ vẽ phim hoạt hình, có lương bổng và sống rất ổn. Nếu bạn không đến đúng lúc và không tìm đúng người, thì liệu đứa trẻ này sẽ ra sao khi bố mẹ em mất đi?
Ngay cả con tôi, tôi nói là tôi chỉ nuôi đến 18 tuổi. Các con phải tự làm được một số việc để đến tuổi đó có thể đi làm thêm, vừa đi học vừa đi làm để kiếm sống. Khó khăn lắm thì mẹ mới hỗ trợ.
MC Tạ Bích Loan trong chương trình "60 phút mở". Ảnh cắt từ video.
Chị Tạ Bích Loan và các Tiến sĩ cũng nên góp sức
- Thực ra làm thế nào để dân đủ ăn, đủ mặc, được chăm sóc sức khoẻ, được quan tâm giáo dục là trách nhiệm của nhà nước. Người làm từ thiện chỉ đến với những hoàn cảnh quá đặc biệt thôi chứ nhỉ?
Thì thế. Chúng ta cần xem lại khái niệm từ thiện. Lo cho dân với mặt bằng chung là việc của nhà nước. Chúng ta hãy đến với những nơi, những người quá bất hạnh hoặc họ gặp những vật cản quá lớn trong cuộc sống để mà khó khăn để bước tiếp. Chúng ta gỡ những vật cản đó cho họ.
Sự chia sẻ, bạn hãy đến đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Và hãy nghĩ đến việc bạn đến, để giúp người ta sống tốt hơn.
Những người siêng năng thì khó có thể chết đói. Làm gì cũng được, lương thiện có ăn thì không thể chết đói được. Tôi không thể hình dung ra được ở một địa phương có một làng chuyên đi ăn xin. Nghèo mà không vươn lên, cứ thế thì vòng luẩn quẩn của nghèo đói cứ thế tiếp diễn thôi.
-Là người đi cùng các bác sĩ rất nhiều lần trong các chuyến từ thiện sức khoẻ, chị thấy đồng bào mình đang ăn uống và sống trong môi trường như thế nào?
Rất bẩn. Và sống trong môi trường ô nhiễm nên bệnh tật khá nhiều.
Đảo Lý Sơn hiện bệnh nhân mắc chứng ung thư nhiều lắm. Lượng trẻ mồ côi vì cha mẹ chết ung thư nhiều kinh khủng. Nước giếng mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Họ không có giếng máy hay hệ thống lọc nước. Họ chỉ trông chờ vào độ sạch của nước mưa thôi.
Môi trường bị xâm hại bằng các loại thuốc trừ sâu. Nguồn thức ăn bẩn. Kiến thức chăm sóc sức khoẻ yếu: là những tác nhân khiến bệnh ung thư tăng vọt ở các địa phương.
Có những cái chết đến một cách vô lý do dân còn hạn chế các kiến thức chăm sóc sức khoẻ. Vậy hãy mang những điều đó đến cho họ. Và chăm sóc các hạt giống có tiềm năng ở những vùng khó khăn.
-Và sự góp sức, theo chị có quá bé nhỏ so với những thực tế như chị vừa kể?
Cứ nhỏ sẽ lớn. Một người làm, 10 người làm và 100 người làm, mọi thứ sẽ khác. Các cô diễn viên ca sĩ cũng bớt se sua váy áo, dùng sức ảnh hưởng của mình để thực hiện những chương trình vì đồng bào. Sẽ tốt hơn cho các bạn, và tốt hơn cho đồng bào mình.
Chị Tạ Bích Loan, các tiến sĩ, ca sĩ nữa. Hãy dùng sức ảnh hưởng của mình để làm những việc nhỏ đi, hơn là chỉ ngồi để nói những điều buồn cười.
Dùng kiến thức và cái tâm của mình, dùng kiến thức và cái tâm của người khác, dùng sự tử tế trong mối quan hệ người người, để giúp đồng bào mình. Kiến thức tạo ra kiến thức. Kiến thức tạo ra sức khoẻ.
Rồi tạo điều kiện cho người trẻ sống có ích cũng là một cách làm từ thiện. Tôi chọn các cộng tác viên là sinh viên y khoa, trong tháng hè đến vùng khó khăn để tư vấn kiến thức chăm sóc sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật cho người dân. Các em có thực tế và giúp ích được cộng đồng.
Mỗi tháng hè tôi thuê một sinh viên trường y, trả chi phí 10 triệu/ tháng ra Lý Sơn để dạy bà con vệ sinh phòng dịch, ăn uống, để giảm bớt nguy cơ ung thư.
Sau này, với các trải nghiệm đó, các em cũng dễ xin việc hơn khi vào các bệnh viện lớn. Vừa rồi có mấy sinh viên y, nghỉ hè 22 ngày, đến 22 nhà. Sáng dạy chữ cho trẻ con. Rồi dạy các em cách chăm sóc sức khoẻ, dạy ăn uống vệ sinh phòng dịch: đỡ rất nhiều.
-Chị đã từng đưa con đi sống ở một số nước cũng như đến rất nhiều quốc gia. Giờ đưa con đến các vùng quê nghèo của đất nước mình, chị thấy điều gì?
Tôi cũng thấy ngạc nhiên vì nhiều vùng quê mình, phải dạy cho người dân những kiến thức đã được dạy cách đây 50 năm. Trong khi các nước khác họ đã vượt rất xa chúng ta. Một đất nước mà người dân còn khổ, thiếu những kiến thức tối thiểu thì rất khó mà phát triển được.
Vì đất nước phát triển hay không, người ta nhìn vào những chỉ số an sinh xã hội, những chỉ số trung thực. Những chỉ số được cân đong đo đếm từ những con người cụ thể, từ những số phận con người.