Viglacera xây nhà ở xã hội giá từ 250 triệu đồng
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.252 ha diện tích đất phát triển nhà ở xã hội so với báo cáo năm 2020 (3.359ha).
Từ năm 2021 - 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn. Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội (như tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn...).
Hưởng ứng chương trình nhà ở xã hội, Tổng Công ty Viglacera (VGC) đã triển khai ngay việc đầu tư và đưa vào bàn giao khoảng 5.000 căn hộ nhà ở xã hội, chủ yếu ở TP. Hà Nội. Trong chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, hiện Tổng công ty đang triển khai ở 4 địa phương: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ với quy mô hơn 10.000 căn nhà ở xã hội. Cho tới hiện nay đã có sẵn khoảng 3.000 căn có thể đưa vào sử dụng với giá bán từ 8 - 10 triệu đồng/m2 và giá căn hộ từ 250 triệu đồng đến khoảng 600 triệu đồng.
Cùng với việc tối ưu hóa các giải pháp thiết kế cộng với vật liệu xây dựng tự sản xuất được, doanh nghiệp này cho biết cố gắng đưa ra giá nhà ở tốt nhất cho người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai đến nay, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn trong việc kinh doanh những căn hộ này do các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua.
"Vì vậy, xin được kiến nghị với Thủ tướng là sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội này.
Viglacera cam kết tiếp tục thực hiện tích cực trong chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội và mong muốn được tham gia làm nhiều hơn nữa nhà ở xã hội tại Hà Nội trong thời gian tới mà đây là nhu cầu và mong chờ rất lớn từ người dân", ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera bày tỏ nguyện vọng của tổng công ty trong hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Viglacera đang kinh doanh như thế nào?
Tiền thân của Viglacera là Công ty Gạch ngói Sành Sứ Xây dựng ra đời trên cơ sở sáp nhập 18 nhà máy, xí nghiệp sản xuất gạch ngói đất sét nung, công nghệ lạc hậu, thiết bị chắp vá.
Trải qua nhiều thăng trầm, nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, Viglacera đã trở thành Nhà sản xuất Vật liệu xây dựng và Bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động trên mọi miền đất nước và vươn rộng ra thị trường quốc tế.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, doanh thu thuần của công ty đạt gần 13.194 tỷ đồng, giảm 10% so với 2022 và lãi sau thuế năm 2023 của VGC giảm 39% còn 1.162 tỷ đồng.
Năm 2023, Viglacera, doanh nghiệp đầu tiên tại Châu Á Thái Bình Dương đầu tư dây chuyền sản xuất tấm lớn porcelain và đá nung kết. Viglacera là doanh nghiệp vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam, thuộc top 20 sản xuất Gạch ốp lát và top 30 sản xuất Sứ vệ sinh toàn cầu.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Viglacera lên kế hoạch doanh thu tổng công ty đạt 13.468 tỷ đồng, giảm 14,5% so với mức mục tiêu của năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 ở mức 1.216 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức mục tiêu 1.210 tỷ đồng của năm 2023. Tổng Công ty Viglacera đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ trong năm 2024 lần lượt ở mức 5.000 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,3% và 16% so với mức mục tiêu của năm 2023.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty ước đạt 67% kế hoạch quý 1/2024 và đạt 91% so với cùng kỳ; và lợi nhuận trước thuế ước đạt 14% kế hoạch năm và vượt 128% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ công tác xuất khẩu tháng 2/2024 đạt 2,8 triệu USD, luỹ kế 2 tháng đầu năm 2023 đạt 5,5 triệu USD, vượt 18% so với cùng kỳ. Ước tính trong 2 tháng đầu năm, Viglacera lãi trước thuế khoảng 170 tỷ đồng.
Viglacera đang có kế hoạch đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2022 - 2030 thông qua các dự án như dự án nhà ở công nhân tại KCN Đồng Văn IV, dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung, dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh, hoặc thông qua tham gia đấu thầu các dự án mới tại Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội.