Sẽ nhiều khó khăn
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cho rằng ngành ô tô sẽ diễn biến phức tạp trong giai đoạn 2017-2018.
Đối với ô tô lắp ráp trong nước, đặc biệt là xe con sẽ đối mặt với thử thách lớn vào năm 2018 khi thời điểm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về mức 0% và các chính sách mới của Chính phủ sẽ được đưa ra nếu muốn tiếp tục bảo hộ cho ngành ô tô trong thời gian tới.
Tuy vậy, bài toán về gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ gặp khó khăn vì nếu giảm thuế nhập khẩu linh kiện về mức 0% thì ngành công nghiệp phụ trợ trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ linh kiện giá rẻ của Trung Quốc
Theo khảo sát, lượng ô tô nguyên chiếc nhập từ ASEAN đang tăng mạnh, với việc Thái Lan và Indonesia nổi lên là 2 thị trường cung cấp ô tô nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017.
Ngoài ra, thị trường ô tô Việt cũng đang chứng kiến những đợt giảm giá mạnh cho nhiều dòng xe, khiến người tiêu dùng nảy sinh tâm lý tiếp tục chờ đợi vì cho rằng giá ô tô sẽ còn rẻ hơn nữa trong năm 2018.
Đối với tiêu thụ xe tải sẽ tiếp tục chững lại trong năm 2017 do nhu cầu xe tải giảm để đáp ứng quy định siết chặt tải trọng; Bộ Tài chính vừa chính thức nâng thuế nhập khẩu đối với xe tải Trung Quốc lên mức 50% với các xe có tổng trọng lượng tải từ 10-24 tấn, làm giá xe nhập khẩu không còn hấp dẫn.
Động lực cho sức tiêu thụ xe tải trong năm 2017 sẽ đến từ nhu cầu thay xe hết niên hạn sử dụng. Theo Cục đăng kiểm Việt Nam, có 20.000 xe tải sẽ hết niên hạn sử dụng trong năm 2017, tăng 5,3% so với năm 2016.
Thị trường ô tô gặp không ít khó khăn, tuy nhiên so với các nước khác trong khu vực, Malaysia và Thái Lan hiện đang có tỷ lệ 400 xe/1.000 dân và 250 xe/1.000 dân nhưng đang ở giai đoạn bão hòa, trong khi Indonesia trên 50 xe/1.000 dân và Philippines cùng Việt Nam thì sắp ở ngưỡng 50 xe/1.000 dân, cho thấy thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Doanh nghiệp nào sẽ “vững tay lái”?
Theo BSC, nhà đầu tư nên “trung lập” với nhóm cổ phiếu ngành ô tô. Các cổ phiếu ngành ô tô hiện đang được giao dịch với mức P/B trung bình là 3.2 và mức P/E trung bình 7.5, thấp hơn đáng kể so với thị trường chung. BSC khuyến nghị nhà đầu tư chú ý đến các mã cổ phiếu có hưởng lợi từ các chính sách thuế và từ xu hướng tiêu thụ ô tô trong năm 2017.
CTCP ô tô Hàng Xanh (HAX) năm 2016 được xem là một năm thắng lợi đối với lĩnh vực phân phối xe con. Lợi nhuận sau thuế mà HAX đạt 79 tỷ đồng, tăng 172% so với năm trước. Chuyện “ăn nên làm ra” của HAX không chỉ tại khu vực phía Nam, công ty đã tiến ra thị trường miền Bắc với 2 chi nhánh tại Hà Nội.
Nối tiếp thành công năm 2016, quý 1/2017 HAX cũng gặt hái được kết quả kinh doanh thuận lợi. HAX doanh thu đạt 24 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế đạt 28 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ hoạt động kinh doanh “thuận buồm xuôi gió” nên cổ phiếu HAX tính đến ngày 30/5 được đẩy lên mức 64.500 đồng/cp, tăng 58% so với thời điểm đầu năm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT HAX cho biết, HAX đặt kế hoạch năm 2017 với doanh thu 4.300 tỷ đồng tăng 49%, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016. Trong đó, chi nhánh Kim Giang (Hà Nội) mới đi vào hoạt động nhưng đã đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 13 tỷ đồng.
Trái với vẻ lạc quan của HAX, CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2017 khá thận trọng.
Cụ thể, SVC đặt kế hoạch doanh thu 14.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 130 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với năm 2016. Tuy nhiên, tính đến 30/5 thị giá cổ phiếu SVC vẫn ở mức giá cao 51.600 đồng/cp, tăng 7,9% so với thời điểm đầu năm.
Đại diện SVC cho biết, đây đã là kế hoạch khá thách thức, được HĐQT SVC xây dựng trên cơ sở tăng trưởng chung của thị trường ô tô ở mức 10-20%.
Dự báo thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng do tác động của lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN, thông quan và giá áp thuế bị siết chặt, mạng lưới đại lý của các nhà sản xuất gia tăng.
Nếu như ở giai đoạn 2013-2015 đối với doanh nghiệp xe tải được đánh giá là giai đoạn bùng nổ khi nhu cầu của người tiêu dùng cao. Thì đến năm 2016, thị trường xe tải đã bắt đầu bão hòa.
Điển hình, CTCP Ô tô TMT (TMT) quý 1/2017 doanh thu đạt 570 tỷ đồng, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lỗ hơn 12 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh kém khả quan, cổ phiếu TMT tính đến 30/5 đạt 11.800 đồng/cp, giảm 19,2% so với thời điểm đầu năm.
Với CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS), cũng đang gặp không ít khó khăn. Trong quý 1/2017 doanh thu của HHS chỉ đạt 307 tỷ đồng, giảm 38%; lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng, giảm 81,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 30/5 giá của HHS chỉ đạt 4.510 đồng/cp nhưng tăng 20,2% so với thời điểm đầu năm.
Tương tự HHS, “người anh lớn” trong ngành là CTCP Ô tô Trường Hải Thaco (THA). Với vốn lớn, nhiều cơ may ưu đãi, Thaco đã nhanh nhạy đặt “bản doanh” rộng hàng chục héc-ta tại vùng đất cát trắng ở trảng Bà Mù khu kinh tế mở Chu Lai (Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam) - nơi xưa kia là căn cứ đóng quân của quân đội Mỹ.
Trong những năm đầu làm ăn ì ạch, nhiều showroom giới thiệu bán hàng có lúc vắng như chùa bà đanh. Nhưng, thời cơ đã đến, từ năm 2014-2015 rồi 2016, nhờ Taxi Uber và Grab tràn vào Việt Nam, đáp ứng tiện ích và thị hiếu của người tiêu dùng, lượng xe cung cấp cho Uber và Grab ồ ạt.
Thaco bỗng nhiên nổi tiếng như cồn, sản xuất ô tô bùng lên nổi đình nổi đám, công nhân các xưởng lắp ráp xe cả ngày Tết cũng tăng ca, hàng bán đắt như tôm tươi, Hà Nội - TP.HCM nhiều cửa hàng không đủ xe để bán: Qua năm 2017 khi lượng xe cho Uber và Grab tạm bão hòa, Thaco đặt kế hoạch tổng doanh thu cả năm gần 64.000 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 5.063 tỷ đồng, giảm tới 31% so với năm 2016.
Trước dự đoán doanh nghiệp sẽ có những diễn biến khó lường, mỗi doanh nghiệp ô tô phải đối diện thách thức trong tâm thế khác nhau lạc quan hoặc thận trọng.