Tại Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2016 tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết hiện hiệp hội đang gặp phải một số khó khăn, thách thức trong đó có các vấn đề liên quan đến lao động.
Cụ thể đó là các bất cập liên quan đến vấn đề mức lương tối thiểu; làm thêm ngoài giờ; quy chế an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội.
Về mức lương tối thiểu hiện nay, JBAV cho rằng từ thực trạng dựa trên các chỉ số kinh tế cũng như sự so sánh với các nước có thể thấy lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng rất cao trong những năm gần đây. So với mức tăng GDP và CPI là cao hơn rất nhiều.
Tính đến năm 2016, so sánh với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, có thể thấy lương tối thiểu vùng của Việt Nam đã gần đuổi kịp các nước có thu nhập cao là Malaysia (209 USD) và Thái Lan (183 USD), cũng như đã ngang bằng với Philippines (157 USD) đối thủ cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với Việt Nam.
JBAV cho rằng quy trình xác định mức lương tối thiểu hiện nay cần có đại diện nhà kinh tế học, nhà khoa học, xã hội học đóng góp ý kiến dựa trên cái nhìn kinh tế vĩ mô và chính sách kinh tế trung và dài hạn.
Thứ hai, căn cứ chính để xây dựng mức lương tối thiểu là nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, việc tính toán nhu cầu sống tối thiểu hiện nay chưa thực sự rõ ràng, còn thiếu các căn cứ khoa học và phương pháp điều tra minh bạch.
Cũng theo JBAV, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh quốc tế khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chi phí lao động là một trong yếu tố quan trọng, quyết định tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu đang dẫn đầu nền kinh tế hiện nay cũng như đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chi phí tiền lương đang thực sự là một gánh nặng to lớn, JBAV khẳng định.
Bên cạnh vấn đề tiền lương, JBAV cũng phản ánh một số kiến nghị liên quan tới quy định về làm thêm giờ.
JBAV cho biết, hiện nay, pháp luật về lao động của Việt Nam đang quy định: không phân biệt ngành nghề, người lao động không làm việc thêm giờ quá 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm.
Tuy nhiên hiệp hội này cho rằng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động thì xây dựng được môi trường lao động có thể phát huy tối đa năng lực sẵn có của người lao động đều rất quan trọng.
"Nhìn từ quan điểm này thì có thể thấy quy định về giới hạn làm thêm giờ như trên đang bất hợp lý đối với người lao động đang làm các công việc đòi hỏi sự sáng tạo", đại diện JBAV nói.
Theo đại diện hiệp hội này, tại Nhật Bản, việc quy định giới hạn làm thêm giờ được quy định cho từng ngành nghề đặc thù đặc thù dựa trên sự hài hòa lợi ích và đồng ý của là người lao động, người sử dụng lao động.
JBAV cho biết rất mong muốn Việt Nam có thể tham khảo hệ thống này để xây dựng quy định mềm dẻo, linh hoạt về làm thêm giờ, đảm bảo quyền lợi của cả người lao động và doanh nghiệp.
Tại VBF 2016, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đề cập đến một số vướng mắc về vai trò, chức năng của quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay về bảo hiểm xã hội và pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp doanh nghiệp vừa phải đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế, sau đó lại phải chi trả cho các chi phí phát sinh bao gồm chi phí y tế, phụ, trợ cấp, bồi thường...
Theo JBAV, đây là sự chồng chéo khi doanh nghiệp phải chi hai lần cho cùng một loại chi phí, trong khi quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lại không được sử dụng hiệu quả, không phát huy hết vai trò, chức năng.