Ngày 1/9/2022 Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam chính thức có hiệu lực thi hành. Điều mà dư luận quan tâm nhất đó là vấn đề an ninh, an toàn khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam được thực hiện thế nào? Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Thiếu tướng Trần Văn Thiện – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10- Bộ Công an) khẳng định, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động, học nghề đã được lựa chọn kỹ từ danh sách phạm nhân, doanh nghiệp, lẫn ngành nghề. Thiếu tướng Thiện cũng cho biết, từ năm 2011-2019, một số trại giam trong Cục C10 đã tổ chức mô hình này, kết quả cho thấy việc học nghề cũng như lao động ngoài trại giam giúp phạm nhân học được nghề ổn định trước khi về tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, cũng giúp phạm nhân có một khoản thu nhất định bổ sung vào mức ăn và phúc lợi khác cho mình. Qua 10 năm cũng chỉ có một phạm nhân trốn khỏi khu lao động về nhà để giải quyết việc gia đình, rồi tự giác quay trở lại chấp hành án.
PV: Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam từ 1/9. Các trại giam thuộc Cục quản lý đã và đang chuẩn bị, triển khai nội dung này như thế nào; có khó khăn, thuận lợi gì, thưa ông?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Thực hiện sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội, hiện đã gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành kế hoạch để triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ nhất, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp thường xuyên, liên tục, chặt chẽ và có hiệu quả giữa các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện và triển khai thi hành Nghị quyết.
Thứ hai, xác định nội dung công việc đầy đủ, cụ thể, thời hạn, tiến độ hoàn thành và kết quả để gắn trách nhiệm thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan tổ chức. Phải có lộ trình thực hiện để đảm bảo đến ngày 1/9/2022, khi Nghị quyết được triển khai, thi hành đầy đủ, thống nhất đồng bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phạm vi, đối tượng điều chỉnh là thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam (Ảnh TTXVN)
Sau khi có kế hoạch triển khai của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an xây dựng kế hoạch triển khai trong Cục C10. Dự kiến, trong thời gian tới, việc triển khai Nghị quyết có một số thuận lợi.
Thứ nhất, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam do Chính phủ trình Quốc hội đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các ĐBQH với số phiếu tán thành rất cao, 467/480 ĐBQH chiếm tỷ lệ 93,78%. Cùng với đó, Dự thảo cũng nhận được sự đồng tình rất cao của đông đảo quần chúng nhân dân.
Hai là, trước đây, trại giam từng có kinh nghiệm liên kết và hợp tác với các DN để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trên cơ sở vận dụng những kinh nghiệm đã có. Đặc biệt, trên quan điểm chỉ đạo của Đảng trong công tác thi hành án phạt tù, do đó, việc tổ chức thực hiện dự kiến rất khẩn trương, thuận lợi, không gặp nhiều lúng túng. Thứ 3, hiện nay nhiều tổ chức DN mong muốn hợp tác với trại giam tham gia mô hình này.
Bên cạnh thuận lợi, tồn tại một số khó khăn như, việc xây dựng khu lao động cho phạm nhân ngoài trại giam phải đảm bảo theo mẫu Bộ Công an, do cơ quan quản lý thi hành án hình sự thẩm định. Do đó, mất nhiều thời gian trước khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, do đây là mô hình thí điểm nên trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc khi áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Cận cảnh phạm nhân làm tóc giả trong trại giam
PV: Những phạm nhân được tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải được lựa chọn như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Việc lựa chọn phạm nhân tham gia lao động, hoạt động hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải dựa trên cơ sở Nghị quyết 54 của Quốc hội. Hiện nay, Bộ Công an cũng đã xây dựng cơ bản hoàn thành Dự thảo Nghị định của Chính phủ. Trong đó, có quy định về tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp dạy nghề ngoài trại giam.
Cụ thể, không đưa ra khu hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a-m khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết 54 Quốc hội khóa XV.
Cụ thể khoản 4 Điều 1 quy định: Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; Phạm nhân đã bị kết án từ 02 lần trở lên; Phạm nhân tái phạm nguy hiểm; Phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng; Phạm nhân có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 07 năm; Phạm nhân là người nước ngoài; Phạm nhân đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Phạm nhân dưới 18 tuổi; Phạm nhân từ đủ 60 tuổi trở lên; Phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại "Kém"; Phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự.
Ngoài ra, để đảm bảo an ninh, an toàn khu lao động hướng nghiệp, dạy nghề, Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ hướng dẫn những trường hợp phạm nhân phạm một trong các tội: sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người đủ 13 đến dưới 16 tuổi; cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện, kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, chống người thi hành công vụ thuộc các trường hợp nhất định theo Bộ Luật Hình sự cũng không được đưa ra lao động, học nghề ngoài trại giam.
Phạm nhân đưa ra các khu lao động, dạy nghề, hướng nghiệp ngoài trại giam phải đảm bảo các điều kiện sau: Thứ nhất, phải có nơi cư trú rõ ràng. Thứ hai, chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ và có ý thức cải tạo tiến bộ.
Phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại phải dưới 7 năm trở xuống. Phạm nhân đó có ít nhất 1 năm liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại cải tạo khá, tốt.
Phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến dưới 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án.
Thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và có ít nhất 9 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại khá hoặc tốt.
Phạm nhân có mức án trên 3 năm đến 7 năm phải có ít nhất 6 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại khá, tốt.
Phạm nhân có mức án 3 năm trở xuống, phải có ít nhất 3 tháng liền kề tại thời điểm xét duyệt được xếp loại khá, tốt.
Đối với phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm nhân không có biểu hiện lệ thuộc ma túy để đưa ra khu lao động, hướng nghiệp ngoài trại giam.
PV: Với điều kiện hiện tại, những ngành nghề và doanh nghiệp thuộc lĩnh nào được lựa chọn để thực hiện thí điểm mô hình này, thưa ông?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Ngành nghề được lựa chọn để thực hiện thí điểm là ngành nghề phổ thông và ổn định, không thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ mức độ 5 trở lên theo Quy định của Thông tư số 11 năm 2020, Thông tư Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 12 tháng 11 năm 2020 về việc ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại.
Trường hợp thuộc danh mục các ngành nghề còn lại trong điều kiện cho phép tổ chức phải cam kết vận hành an toàn cho phạm nhân và phải được cấp phép.
Phạm nhân đưa ra các khu lao động, dạy nghề, hướng nghiệp ngoài trại giam phải đảm bảo các điều kiện có nơi cư trú rõ ràng - chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ - có ý thức cải tạo tiến bộ
PV: Vấn đề an ninh, an toàn khi tổ chức cho người lao động ngoài trại giam rất được quan tâm. Các trại giam của Cục đã có kế hoạch quản lý, giáo dục như thế nào để giúp phạm nhân yên tâm cải tạo, lao động, nhất là khi được lựa chọn lao động ngoài trại giam?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Công tác đảm bảo an ninh, an toàn khi tổ chức mô hình thí điểm là nội dung Bộ Công an đặc biệt quan tâm. Công tác, quản lý giam giữ phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định 133/2020, Nghị định Chính phủ 9/11/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án Hình sự.
Và Thông tư số 09/2020, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 4/2/2020, Bộ Công an đã quy định về phân loại và quản lý giam giữ phạm nhân theo loại.
Thông tư số 76/2019 ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Bộ Công an quy định về hoạt động vũ trang bảo vệ trại giam, cơ sở Giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng và dẫn giải phạm nhân, trại viên, đưa dẫn học sinh.
Căn cứ vào thực tiễn lao động, dạy nghề cho phạm nhân trước đây, và cách thức thành lập cũng như vận hành, quản lý khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề theo Nghị quyết. Có thể khẳng định rằng, việc đảm bảo an ninh, an toàn khi thực hiện thí điểm đưa phạm nhân ra lao động, học nghề là hoàn toàn khả thi.
PV: Trước đây, chúng ta đã có mô hình thí điểm như thế này hay chưa, thưa ông? Ông có thể đánh giá những hiệu quả ban đầu mô hình này?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Trước đây, chúng ta đã có những mô hình này, nhưng không phải diện rộng do công ăn, việc làm ngay trong trại giam không có. Thứ hai, các khu vực trại phía Bắc đất rất chật chội, cằn cỗi. Do đó, lao động về nông nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, cần mở ra các hướng như liên doanh, liên kết với các tổ chức lao động bên ngoài cho phạm nhân học nghề.
Từ năm 2011-2019, một số trại giam trong Cục C10 đã tổ chức mô hình này, kết quả cho thấy việc học nghề cũng như lao động ngoài trại giam giúp phạm nhân học được nghề ổn định trước khi về tái hòa nhập cộng đồng. Thứ hai, phạm nhân có một khoản thu nhất định bổ sung vào mức ăn và phúc lợi khác cho mình.
Qua 10 năm cũng chỉ có một phạm nhân trốn khỏi khu lao động về nhà để giải quyết việc gia đình, rồi tự giác quay trở lại chấp hành án.
PV: Như Thiếu tướng vừa chia sẻ, đã có mô hình đưa phạm nhân ra ngoài lao động. Vậy có vụ việc nào đưa phạm nhân ra ngoài lao động gây bức xúc, hay mất an ninh trật tự tại địa phương chưa?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Qua tổng kết, cả một quá trình gần chục năm tại một số trại, chỉ có duy nhất một phạm nhân trốn về nhà, nhưng sau đó lại lên ngay. Hình thức trốn ở đây không phải trốn thi hành bản án của Tòa, mà bức xúc chuyện gia đình cho nên trốn về để giải quyết.
Cùng với đó, cũng có một hai vụ tai nạn lao động nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng. Phần còn lại ổn định, không có dấu hiệu phức tạp.
PV: Việc cắt cử cán bộ trông coi phạm nhân lao động ngoài trại được bố trí thế nào để đảm bảo an toàn cho DN và người dân lân cận, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động, học nghề vẫn phải có cán bộ bảo vệ, cán bộ quản giáo, trực trại, thậm chí đối với những điểm lao động lớn phải bố trí cả cán bộ Y tế đi cùng.
Cụ thể có nhà giam theo mẫu Bộ Công an, nhà ăn, nơi vui chơi sinh hoạt của phạm nhân. Cũng phải có tivi cho phạm nhân xem buổi tối, sân bóng chuyền, cầu lông để phạm nhân hoạt động thể dục thể thao. Cán bộ cũng vậy, cũng có nhà ở, ăn, sinh hoạt, hội họp. Tất cả những yếu tố này do Doanh nghiệp xây và nó được coi như một mô hình trại thu nhỏ nhưng mềm mại, uyển chuyển hơn.
PV: Một DN được nhận bao nhiêu phạm nhân ra ngoài lao động và tiền công của phạm nhân sẽ được quản lý thế nào?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Chúng tôi khuyến khích các DN nhận được nhiều phạm nhân. Nhưng theo nhận định của chúng tôi, mỗi đơn vị không quá 100 phạm nhân đủ điều kiện ra ngoài. Với những đơn vị DN xin 20-30 phạm nhân chúng tôi không sắp xếp.
Những phạm nhân ra ngoài lao động được tách biệt hẳn, không theo dây chuyền của DN. Nếu có dây chuyền thì phải của chúng tôi và chúng tôi, và chúng tôi quản lý được.
Tiền công của phạm nhân, trong Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định đang xây dựng thì vẫn thực hiện theo Nghị định 133. Cụ thể, kết quả lao động của phạm nhân trừ đi chi phí hợp lý, hợp lệ.
Phần chênh lệch còn lại được phân bổ, trích 13% vào mức ăn cho phạm nhân; trích 22% để lập các quỹ (quỹ phúc lợi 15%, quỹ khen thưởng là 7%); trích 12% để trả lương cho phạm nhân (trong đó 10% để trả lương, 2% chi phí cho những việc tai nạn lao động nếu xảy ra); 50% còn lại được đầu tư cho máy móc, thiết bị, nhà xưởng để quay trở lại tái sản xuất bằng 40%, 10% còn lại để dạy nghề.
Việc này được thực hiện rất minh bạch. Trong 100% tiền lương đó, phạm nhân được hưởng 58%, chỉ có 2% nộp Cục C10 làm quỹ khen thưởng cho toàn lực lượng. Và 40% còn lại là đầu tư cho máy móc, thiết bị, nhà xưởng để quay trở lại tái sản xuất.
Cán bộ ngoài công tác trông coi phạm nhân, còn trở thành những giáo viên dạy chữ, dạy nghề cho phạm nhân
PV: Từ thực tế quản lý trong những năm qua, xin ông đánh giá, việc thực hiện thí điểm theo nghị quyết của Quốc hội lần này có ý nghĩa như thế nào trong cải thiện chế độ cho phạm nhân, nhất là tạo kỹ năng nghề, qua đó giúp phạm nhân hòa nhập tốt hơn khi chấp hành xong thời gian thi hành án?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Nghị quyết này thể hiện quyết tâm của Bộ công an trong vấn đề đảm bảo công ăn việc làm, nhất là nghề nghiệp sau khi phạm nhân hết án trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là Đề án Bộ công an, Cục C10 rất kỳ vọng sẽ triển khai rất tốt để làm sao có rất nhiều doanh nghiệp tham gia, hưởng ứng.
Một là, tạo công ăn việc làm cho phạm nhân, giảm bớt những áp lực trong quản lý, giam giữ phạm nhân.
Hai là, thông qua kết quả lao động, ngoài trại giam, đảm bảo cho phạm nhân có một khoản thu nhập thông qua lao động dạy nghề theo Nghị định 133 của Chính phủ. Phạm nhân sẽ có tiền lương, bổ sung tiền ăn, quỹ phúc lợi, khen thưởng và đề dành cho họ.
Kết quả lao động, ngoài trại giam, đảm bảo cho phạm nhân có một khoản thu nhập thông qua lao động dạy nghề
PV: Vậy, đến thời điểm này, Cục có đánh giá sơ bộ nào về việc phạm nhân được học nghề và áp dụng nghề được học sau khi hoàn thành việc chấp hành án cải tạo, giam giữ không, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Trước đây Thủ tướng Chính phủ có Nghị định 80 quy định về hòa nhập cộng đồng, bây giờ thay bằng Nghị định 49. Trong Nghị định 49 quy định, nếu như một doanh nghiệp nào sử dụng 80% phạm nhân ở các trại sau khi mãn hạn tù về xã hội, sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp bằng 0. Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề này vào trong Nghị quyết. Trong đó, nếu như Doanh nghiệp nào phối hợp với trại giam để đào tạo, dạy nghề, lao động ngoài trại giam sẽ được xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phần tham gia với trại giam. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất hồ hởi. Tôi tin rằng, khi có chính sách khuyến khích như vậy rất nhiều DN tham gia. Còn đánh giá về hiệu quả, chắc chắn phải có. Phạm nhân khi tham gia vào mô hình này, sau khi mãn hạn trở về, chúng tôi sẽ cấp chứng chỉ nghề để có công ăn việc làm luôn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!./.
Nữ phạm nhân tham gia mô hình lao động ngoài trại giam