Gần đây, liên tiếp các thương hiệu, chuỗi cửa hàng thời trang của Việt Nam dính vào các nghi án cắt mác, phù phép hàng nhập khẩu thành hàng Việt.
Như VnEconomy đã đưa tin vụ việc 4 tấn quần áo đang cắt mác ngoại dán nhãn Việt, vừa qua Quản lý Thị trường Hà Nội đã mời đại diện của chuỗi NEM, IFU lên làm việc.
Chuỗi cửa hàng Seven.AM của nam diễn viên Hải Anh cũng dính bê bối cắt mác Trung Quốc, nhiều khách hàng tố.
Quản lý thị trường Hà Nội đã tạm giữ 9.000 sản phẩm để điều tra, làm rõ. Hiện các cửa hàng của Seven.AM đã đóng cửa, IFU cũng đóng cửa trangweb và fanpage của công ty. Trước đó, các vụ việc cắt mác như Khaisilk cũng gây rúng động trong dư luận.
Từ gia dụng, quần áo, giày dép đến thiết bị điện tử
Về tình trạng gian lận thương mại ngày càng tăng gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh thừa nhận từ đầu năm 2019, hành vi gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.
"Từ đầu năm tới giờ, do ảnh hưởng của nhiều chính sách khác trên thế giới, tỷ lệ gian lận thương mại, xâm phạm trí tuệ càng ngày gia tăng, trong đó có hành vi gian lận thương mại mới. Gần đây là gian lận thương mại trên môi trường mua sắm online, thương mại điện tử, đặc biệt gian lận phổ biến về xuất xứ hàng hóa", ông Linh nói.
Trước vấn nạn đó, Tổng cục đã nhận thức và có sự chỉ đạo và có yêu cầu trong các đơn vị trong Bộ, các lực lượng bên ngoài, có kế hoạch triển khai ở một số địa bàn, mặt hàng cụ thể.
"Hiện nay phổ biến liên quan đến giả xuất xứ, có hai hình thức, một doanh nghiệp có thể đặt hàng Made in Vietnam ngay ở nước ngoài, sau đó thẩm lậu và tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Hoặc tổ chức gia công sản xuất, cắt nhãn, gắn mác Made in Vietnam, gần như các hàng hóa đó không phải sản xuất ở Việt Nam, để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trên thị trường nội địa", vị Tổng cục trưởng nói.
Ông Linh cũng nhấn mạnh việc gian lận xuất xứ rất tinh vi, khó phát hiện, bắt được quả tang về hành vi giả nhãn mác, thì mới xử lý được.
Tuy vậy, để ngăn chặn tình trạng này thì Quản lý thị trường phải phối hợp với các lực lượng khác như hải quan, để kiểm soát ngay từ khâu nhập khẩu, các lực lượng công an, kinh tế trong thị trường nội địa để theo dõi các đối tượng, lần ra các ổ nhóm.
Việc kiểm tra công khai ở ngoài đường không hiệu quả bằng việc tập trung các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, cơ sở sản xuất thì mới tấn công, xử lý 1 cách triệt để.
"Từ đầu năm tới giờ, gian lận xuất xứ hàng hóa gia tăng, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý vi phạm hành chính cũng như chuyển cho công an xử lý rất nhiều vụ việc, từ các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép, thiết bị, điện tử, hoa quả…
Tổng cục xác định đây là hình thức gian lận thương mại mới. Trong năm tới, lên kế hoạch chuyên đề để tập trung đấu tranh để làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát chống gian lận thương mại, xuất xứ", ông Linh nói.
Hàng chục ngàn vi phạm
Theo thống kê, trong 1 năm qua (từ ngày 12/10/2018-12/10/2019), lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng.
Các vụ việc chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự: 107 vụ việc, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.
Một năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Quản lý thị trường nhằm tăng cường chức năng trong bối cảnh hàng giả, hàng lậu đang hoành hành.
Song song với việc thành lập Tổng cục, Chính phủ cũng yêu cầu tinh gọn bộ máy, mục tiêu đến hết năm 2020 cả lực lượng Quản lý thị trường chỉ giữ lại 376 đội Quản lý thị trường, từ chỗ 641 đội giảm xuống còn 376 đội.
"Năm 2018, tổng cục giảm 164 đội, năm 2019 dự kiến giảm tiếp 94 đội, không gây xáo trộn nào, năm 2020 giảm nốt số còn lại. Tổng cục thực hiện rất nghiêm túc chủ trương này của Chính phủ. Chúng tôi đã khẩn trương kiện toàn sớm bộ máy tổ chức", ông Linh nói.